TIN TỨC

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ

20/06/2024 23:48 — 238
Một diễn đàn khoa học kết nối các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực công nghệ bán dẫn, trí tuệ AI cùng trao đổi, thảo luận và tìm kiếm các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ.

Ngày 20/6/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ”. Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tại điểm cầu trường Đại học Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Nguyễn Việt Long – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Xuân Hoài – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Trương Thanh Phong – Giám đốc Công ty Semiconductor Test Viet Nam, ông Tống Phước Thiện – Giám đốc vận hành Estec Digital, cùng đại diện các doanh nghiệp công nghệ số tại khu vực phía Nam, giảng viên và sinh viên khối ngành kỹ thuật công nghệ. Tại điểm cầu Australia có ông Trần Nhàn – Đồng sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NanoChap Electronics.

Trong phát biểu đề dẫn, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực công nghệ số, trường Đại học Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm đến công tác dự báo xu thế phát triển kinh tế xã hội của Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, nhất là những dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực số đối với từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó, nhà trường chủ động trong việc thiết kế, cải tiến, cập nhật nội dung chương trình đào tạo bám sát thực tiễn nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số. Đặc biệt, trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở giáo dục đại học tiên phong của tỉnh Bình Dương tổ chức đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn cho địa phương. Từ việc chia sẻ thông tin về chiến lược đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số của trường Đại học Thủ Dầu Một trong thời gian tới, TS. Đoàn Ngọc Xuân mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp hiến kế các giải pháp giúp nhà trường nâng năng lực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số, phát triển dự án nghiên cứu sản phẩm công nghệ số, kết nối và hỗ trợ nhà trường tham gia vào mạng lưới hệ sinh thái khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, am hiểu và làm chủ công nghệ số trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số, công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam hiện nay. Từ góc nhìn của doanh nghiệp người Việt tại Mỹ, ông Trương Thanh Phong - Giám đốc Công ty Semiconductor Test Viet Nam đã chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh. Ông cho biết, Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh có nhiều cơ hội lớn để phát triển và thu hút đầu tư vào ngành vi mạch bán dẫn. Trong đó, việc đầu tư vào ngành công nghiệp này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển nền kinh tế số của các địa phương. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Thung lũng Silicon (Mỹ), ông Trương Thanh Phong cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp này thì chính quyền địa phương phải quan tâm đầu tư vào các yếu tố chính như: đội ngũ nhân lực chất lượng chuyên môn cao, kết cấu hạ tầng giao thông, chính sách giúp doanh nghiệp phát triển và bán sản phẩm ra thị trường thế giới, tạo môi trường thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài,… Từ góc độ vùng Đông Nam Bộ thì cần phải tạo “vùng tam giác” (TP.Hồ Chí Minh – Bình Dương – Đồng Nai) tham gia vào chuỗi hoạt động thiết kế - sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh đóng vai trò trung tâm thực hiện khâu thiết kế, các địa phương còn lại hỗ trợ chế tạo, lắp ráp, thử nghiệm và sản xuất.

Từ điểm cầu Australia, ông Trần Nhàn – Đồng sáng lập, Giám đốc Kỹ thuật Công ty NanoChap Electronics khẳng định, ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam đang dần khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu nguồn nhân lực tham gia vào thị trường ngành này là rất lớn, chính vì vậy, các trường đại học có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số. Ông đề xuất mô hình hợp tác giữa Nhà nước - Viện/trường - Doanh nghiệp để đào tạo đội ngũ kỹ sư tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đồng thời làm chủ được quy trình thiết kế, thiết kế thành công các vi mạch phức tạp.

Tham gia trao đổi tại tọa đàm, ông Tống Phước Thiện – Giám đốc vận hành Estec Digital đã chia sẻ thách thức và nhu cầu đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghệ 4.0 tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Để bắt kịp xu hướng phát triển, ông Tống Phước Thiện khuyến nghị các trường đại học cần có chiến lược phù hợp cho việc phát triển khoa học công nghệ, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất hợp lý. Trong đó, các trường cần hướng đến thực hiện đào tạo, liên kết với đối tác công nghệ là những đơn vị có công nghệ 4.0 hàng đầu trong nước, quốc tế.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung bàn thảo, cung cấp các giải pháp thu hút doanh nghiệp công nghệ số nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, sản xuất chip tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ; các giải pháp huy động sự hỗ trợ của các tập đoàn công nghệ trong đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm 4.0 cho trường đại học; cách thức kết nối chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia các đề tài nghiên cứu sản phẩm công nghệ tại các trường đại học;…

Phát biểu bế mạc tọa đàm, TS Đoàn Ngọc Xuân gửi lời cảm ơn trân trọng đến các chuyên gia khách mời, các đại biểu đã dành thời gian trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế các giải pháp, khuyến nghị  trong công tác phát triển nguồn nhân lực công nghệ số cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt cho trường Đại học Thủ Dầu Một. Những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được nhà trường tổng hợp, tiếp thu, tham khảo trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động kỹ sư công nghệ số. TS. Đoàn Ngọc Xuân hy vọng, trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác của các chuyên gia, doanh nghiệp phát triển các dự án về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, công nghệ 4.0 cho tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ” là diễn đàn khoa học kết nối nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số

TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu đề dẫn tọa đàm

Ông Trương Thanh Phong - Giám đốc Công ty Semiconductor Test Viet Nam đã chia sẻ về tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển ngành vi mạch bán dẫn tại Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh

Các chuyên gia, nhà khoa học đã tập trung bàn thảo, cung cấp các giải pháp thu hút doanh nghiệp công nghệ số nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, sản xuất chip tỉnh Bình Dương và vùng ĐNB


Qua những ý kiến, đề xuất tại tọa đàm sẽ được nhà trường sẽ tiếp thu, tham khảo trong quá trình đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động kỹ sư công nghệ số
BBT

Bài đăng cùng chủ đề

Chuyển đổi số và Tăng trưởng xanh – Cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương 01/07/2024 4:08:01 PM — 158
Là một diễn đàn khoa học do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức nhằm trao đổi những vấn đề thời sự về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước, hội thảo “Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh: Cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương” cung cấp những nhìn nhận đầy đủ, toàn diện và đề xuất các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng chuyển đổi số và tăng trưởng xanh.
Giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội địa phương - Thực tiễn các nước và gợi ý cho Việt Nam 21/06/2024 6:36:45 PM — 318
Là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi c kinh nghiệm về đào tạo bậc đại học; đồng thời tìm kiếm các giải pháp về chính sách phát triển giáo dục đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam và tỉnh Bình Dương.
Tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đại học 22/03/2024 4:38:38 PM — 830
Là chủ đề diễn đàn khoa học do trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với trường Đại học West Visayas State (Philipines) tổ chức vào ngày 22/03/2024. Hội thảo thu hút sự tham gia, trao đổi của nhiều nhà khoa học, diễn giả nghiên cứu, triển khai những ứng dụng AI trong nước và quốc tế trong phát triển hoạt động khoa học giáo dục đại học.
Công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học làm giấy bao gói thực phẩm từ nước quả dừa khô 01/02/2024 3:45:12 PM — 848
Sáng ngày 01/02/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức hội thảo khoa học “Công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học làm giấy bao gói thực phẩm từ nước quả dừa khô” với sự tham dự của hơn 50 đại biểu theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Các khía cạnh khác nhau của văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc 31/01/2024 5:28:46 PM — 762
Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc diễn ra trong hai ngày 31/1 và 01/02/2024, hội thảo “Các khía cạnh khác nhau của văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc” do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với các trường đại học Hàn Quốc, trường đại học Nhật Bản tổ chức.
Giải pháp phát triển bền vững ngành gỗ tỉnh Bình Dương trong bối cảnh kinh tế xanh 26/01/2024 2:14:41 PM — 1064
Là chủ đề tọa đàm khoa học do Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức vào ngày 24/01/2024, thu hút sự tham gia, trao đổi của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ thuộc khu vực Nam Bộ.
Phát triển hoạt động đào tạo sau đại học của trường ĐH Thủ Dầu Một 26/01/2024 8:19:26 AM — 1041
Sáng ngày 25/01/2024, trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức hội thảo “Phát triển hoạt động đào tạo sau đại học của trường Đại học Thủ Dầu Một. Tham dự và đóng góp các giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo sau đại học của trường có bà Trương Thị Bích Hạnh - Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, PGS. TS. Bành Quốc Tuấn – Giám đốc Viện Đào tạo Sau đại học, đại diện các đơn vị chức năng, cùng hơn 100 nhà khoa học, cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên tham dự và đóng góp tham luận cho hội thảo.
Trí tuệ nhân tạo vạn vật kết nối cho các ứng dụng trong đời sống 25/01/2024 12:11:16 PM — 1888
Tiếp nối chuỗi hoạt động khoa học công nghệ bàn về những ứng dụng AI trong đời sống, ngày 24/01/2024, Viện Kỹ thuật công nghệ, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo vạn vật kết nối cho các ứng dụng trong đời sống”.
Công nghệ sinh học và hóa học: Từ nghiên cứu đến sản xuất 22/01/2024 11:34:32 AM — 722
Sáng ngày 20/01/2024, ngành Công nghệ sinh học (CNSH) thuộc Viện Phát triển ứng dụng đã tổ chức buổi sinh hoạt học thuật dành cho CB-GV, sinh viên với chủ đề “Công nghệ sinh học và hóa học: Từ nghiên cứu đến sản xuất”.
Tăng cường ứng dụng mô hình mô phỏng cho sinh viên ngành Kỹ thuật môi trường 22/01/2024 11:20:56 AM — 938
Ngày 13/01/2024 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, chương trình Kỹ thuật môi trường (thuộc khoa Khoa học quản lý) tổ chức chuyên đề học thuật trực tuyến với nội dung: “Ứng dụng mô hình mô phỏng vào thiết kế và tối ưu công tác vận hành và kiểm soát ô nhiễm nước thải” (Applying stimulation models to design and optimize the operations and pollution control of wastewater). Chuyên đề do ông Nguyễn Anh Thắng – chuyên gia công ty Aquadata Abwassertechnik GmbH, Nidersachsen, Cộng hòa liên bang Đức, làm diễn giả chính. Đây là một trong những công ty hàng đầu tại Đức chuyên thiết kế các phần mền, mô hình mô phỏng, các giải pháp thông minh phục vụ cho các ngành thuộc lĩnh vực môi trường.