Là chủ đề diễn đàn khoa học nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà giáo dục có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học. Qua đó, giúp trường Đại học Thủ Dầu Một xác định được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng chiến lược, với các lộ trình và giải pháp cụ thể để làm nền tảng xây dựng chính sách cho hoạt động tự chủ đại học.
Sáng ngày 20/9/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học với chủ đề “Tự chủ đại học trong cơ sở giáo dục đại học: Thực tiễn và giải pháp”. Tọa đàm có sự tham dự của PGS.TS. Lê Quang Minh – Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, PGS.TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc trường và & trực thuộc trường, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng nhấn mạnh, tự chủ là xu thế tất yếu để thúc đẩy phát triển giáo đục đại học, là hướng đi phù hợp để mở ra cơ hội phát triển về chiều sâu của giáo dục và đào tạo bậc đại học. Trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tuy đã đạt được nhiều kết quả cả về nhận thức và thực tiễn hoạt động, song quá trình triển khai tự chủ đại học hiện nay vẫn còn không ít khó khăn. Qua thực tiễn tự chủ đại học ở trường Đại học Thủ Dầu Một cho thấy, để đẩy mạnh hoạt động tự chủ đại học, vấn đề nâng cao năng lực quản trị nhà trường là một trong những khâu đột phá quan trọng cần quan tâm để đảm bảo tự chủ đại học mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt là công việc rà soát, hoàn thiện chiến lược phát triển và hệ thống quản trị chiến lược, hệ thống văn bản, quy chế và quy định nội bộ, phân định vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường; quy hoạch đào tạo, kiện toàn các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Đảng và Nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả; phân quyền trách nhiệm đối với các đơn vị thuộc, trực thuộc gắn với xây dựng hệ thống quản trị minh bạch,..
Xuất phát từ thực tiễn trường Đại học Thủ Dầu Một, cùng với mong muốn đóng góp chung vào công cuộc đổi mới giáo dục đại học, TS. Đoàn Ngọc Xuân bày tỏ mong muốn các nhà khoa học có nhiều thảo luận, gợi mở, hiến kế, giúp cho quá trình tự chủ đại học của trường Đại học Thủ Dầu Một ngày càng đi vào chiều sâu, tạo nguồn sinh khí mạnh mẽ từ bên trong để thúc đẩy nhà trường phát triển, đạt được mục tiêu và kỳ vọng.
Tiến trình tự chủ đại học ở Việt Nam được thực hiện đến nay hơn 5 năm, khi các trường đại học có quyền tự chủ, được giao quyền quyết định về tài chính và ngân sách. Quá trình tự chủ tài chính cũng đặt ra nhiều rủi ro cho các CSGD trong việc thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của Nhà nước. Trao đổi về vấn đề tự chủ tài chính, PGS. TS. Lê Quang Minh chia sẻ, mặc dù các cơ sở GDĐH công lập tuy đã được giao tự chủ tài chính, song trên thực tế hoạt động vẫn đang tuân thủ và là đối tượng điều chỉnh của nhiều Luật: Luật viên chức, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các luật thuế, Nghị định, Thông tư của Chính phủ và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, cơ sở pháp lý về tự chủ tài chính đại học có những quy định chưa phù hợp với thực tiễn vận hành, nên quá trình thực hiện nhiều lúc vẫn mang tính hình thức và tạo khó khăn cho các cơ sở GDĐH trong quá trình thực hiện. Chính vì vậy, các cơ sở GDĐH cần xác định tự chủ học thuật là mục tiêu phát triển. Các mặt tự chủ về tài chính, nhân sự, quản trị là các giải pháp pháp để nhà trường đạt tự chủ toàn diện. Đồng thời, mỗi cơ sở GDĐH cần nghiêm túc xác định lộ trình tự chủ, kết quả tự chủ đang đạt ở mức nào, cũng như những hạn chế bất cập trong quá trình quản lý thu, chi tài chính. Từ đó, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, hoàn thiện môi trường tự chủ tài chính theo đúng quy định.
Đồng quan điểm với PGS.TS. Lê Quang Minh về những khó khăn, rào cản trong công tác tự chủ đại học về mặt tài chính, PGS.TS. Trần Thiên Phúc nhấn mạnh, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học nói chung, tự chủ tài chính nói riêng còn thiếu tính đồng bộ, có sự chồng chéo giữa các văn bản luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những quy định chưa phù hợp với quá trình vận hành của các trường được giao nhiệm vụ tự chủ; một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai. Với kinh nghiệm quản trị, cũng như sự thành công bước đầu của trường ĐH Bách khoa – ĐH Quốc gia Tp.HCM trong tự chủ đại học, PGS.TS. Trần Thiên Phúc cho rằng, để duy trì hoạt động và phát triển bền vững trong quá trình tự chủ đại học mà không phụ thuộc quá nhiều vào ngân sách nhà nước. Một trong những biện pháp tăng nguồn lực cho các cơ sở GDĐH chính là nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tư vấn chính sách. Điều này có nghĩa là các cơ sở GDĐH chủ động việc đầu tư phát triển đội ngũ làm khoa học, quản lý khoa học; đầu tư có trọng điểm đối với các lĩnh vực nghiên cứu có tiềm lực mạnh, lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn. Qua đó, công bố và chuyển giao các sản phẩm/công nghệ nghiên cứu khoa học có thế mạnh và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, mang nguồn thu về cho nhà trường. Đồng thời, PGS cũng giới thiệu một số mô hình hoạt động có hiệu quả trong chuyển giao công nghệ, như: mô hình doanh nghiệp trong trường đại học; mô hình mạng lưới doanh nghiệp cựu sinh viên; đẩy mạnh mạng lưới hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các đơn vị, tổ chức quốc tế,…
Khi các trường đại học được trao quyền tự chủ, công tác đảm bảo chất lượng đào tạo là yếu tố quan trọng, khẳng định uy tín của cơ sở GDĐH đối với xã hội. Với góc nhìn của một chuyên gia kiểm định, PGS.TS Lê Quang Minh khẳng định, các cơ sở GDĐH được trao quyền tự chủ, trách nhiệm đảm bảo chất lượng đào tạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. PGS cũng nhấn mạnh về nguyên lý lấy người học làm trung tâm trong giáo dục; tạo môi trường học tập sáng tạo thông qua các phương pháp đánh giá, chuẩn đầu ra với từng môn học theo các tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo quốc tế, trong nước. PGS.TS Lê Quang Minh đặc biệt đánh giá cao trường ĐH Thủ Dầu Một khi là một trong nhiều cơ sở GDĐH đã tiên phong và quyết liệt thực hiện các mục tiêu đảm bảo chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Quốc gia, như: AUN-QA, MOET. Đồng thời, PGS.TS. Trần Thiên Phúc cho biết thêm, cơ sở GDĐH cần hiểu đúng về bản chất/nội hàm tự chủ đại học; cán bộ giảng viên, viên chức nhìn nhận đúng về trách nhiệm, vị trí việc làm, đóng góp các giá trị vào sự thành công của nhà trường trong tiến trình tự chủ.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, các nhà khoa học cũng đã đóng góp các ý kiến đề xuất, những khuyến nghị và bài học kinh nghiệm trong thực tiễn cũng như những gợi ý về đề xuất cơ chế và chính sách hi vọng giúp các cơ sở GD ĐH nói chung, trường Đại học Thủ Dầu Một thúc đẩy tự chủ đại học đúng nghĩa trong tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Việt Nam.
Phát biểu đúc kết tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định, quá trình thực hiện tự chủ đại học cũng là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hoá, quốc tế hoá giáo dục đại học. TS nhấn mạnh một số nội dung quan trọng để giúp cho quá trình tự chủ đại học của các cơ sở GDĐH nói chung, trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng, gồm: tự chủ đại học giúp cho trường đại học phát triển, cơ sở GDĐH cần chuyển đổi mô hình hoạt động truyền thống sang mô hình cung cấp dịch vụ; lấy sự hài lòng của người học làm trung tâm, động lực phát triển của nhà trường. Ngoài ra, trọng tâm trong chiến lược phát triển là đội ngũ nhà khoa học, cán bộ giảng viên. Vì vậy, mỗi trường xây dựng chiến lược phát triển, thiết kế cơ chế vận hành phù hợp, hiệu quả; các chính sách phát triển của trường cần chú trọng đảm bảo lợi ích của đội ngũ cán bộ giảng viên, viên chức,… Kết thúc tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân gửi lời cảm ơn trân trọng sự tham gia và đóng góp ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học. "Các ý kiến thảo luận, khuyến nghị, và giải pháp đã góp phần giúp trường Đại học Thủ Dầu Một xác định được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng chiến lược, với các lộ trình và giải pháp cụ thể để làm nền tảng xây dựng chính sách cho hoạt động tự chủ đại học" - TS. Đoàn Ngọc Xuân bày tỏ.
Sáng ngày 20/9/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học với chủ đề “Tự chủ đại học trong cơ sở giáo dục đại học: Thực tiễn và giải pháp
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng phát biểu nêu bật ý nghĩa của chủ đề tọa đàm
Tọa đàm có sự tham dự và đóng góp ý kiến của PGS.TS. Lê Quang Minh – Nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ, PGS.TS. Trần Thiên Phúc – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia đã lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của CB-GV nhà trường trong công tác tự chủ đại học hiện nay
TS. Nguyễn Quốc Cường, TS. Đoàn Ngọc Xuân trân trọng cảm ơn sự tham gia và đóng góp những ý kiến quý báu của các chuyên gia
Đại biểu chuyên gia cùng chụp hình lưu niệm với CB-GV nhà trường
BBT