Chủ đề tọa đàm là diễn đàn để các nhà quản lý và khoa học trao đổi, thảo luận, công bố các nghiên cứu ứng dụng mới về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh chuyển đổi số.
Diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một vào sáng ngày 05/10/2024, tọa đàm “Công nghệ sinh học và nông nghiệp thông minh” do Viện Kỹ thuật công nghệ thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức. Tham dự tọa đàm, về phía chuyên gia, khách mời có TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty Rynan Holding JSC, Chủ tịch HĐQT Mylan Group; Ông Nguyễn Thành Tín- Giám đốc Công Ty TNHH Kỹ thuật và công nghệ Vũ Môn, TS. Trương Minh Thái - Trưởng khoa Công nghệ phần mềm, trường CNTT và Truyền thông, trường Đại học Cần Thơ; PGS. TS. Võ Thanh Sang – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; ông Imai Junichi – Điều phối viên Dự án hợp tác kỹ thuật giữa cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và trường Đại học Cần Thơ. Về phía sở, ban ngành trong tỉnh Bình Dương có ông Hồ Trúc Thanh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Nguyễn Thị Thuỷ- Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và công nghệ thuộc Sở Khoa học Công nghệ, ông Trần Trọng Kiên – Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm chuyển đổi số, cùng đại diện các cơ quan, doanh nghiệp là đối tác với nhà trường. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc nhà trường, cùng CB-GV, sinh viên Viện Kỹ thuật công nghệ.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Nguyễn Hồ Quang - Phụ trách Viện Kỹ thuật công nghệ, thay mặt lãnh đạo trường trân trọng cảm ơn các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học và các đối tác đã tham dự và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp thông minh với cán bộ, giảng viên, sinh viên. “Tọa đàm là cơ hội quý báu để thảo luận các thách thức và giải pháp trong ngành, đồng thời thể hiện mối quan hệ hợp tác bền vững giữa nhà trường và các đối tác, đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực này tại Bình Dương, Đông Nam Bộ và cả nước” – TS. Nguyễn Hồ Quang bày tỏ.
Triển khai các nội dung của chủ đề tọa đàm, các giảng viên, sinh viên đã lắng nghe phần trình bày tham luận của PGS. TS Nguyễn Thị Liên Thương, TS. Nguyễn Thanh Mỹ, TS. Trương Minh Thái về các định hướng nghiên cứu, những kết quả mới từ các đề tài nghiên cứu của hoạt động ứng dụng công nghệ hiện đại, như: AI, IoT, Big Data và các giải pháp ứng dụng triển khai trong sản xuất nông nghiệp thông minh tại các địa phương vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tỉnh Bình Dương, các tỉnh thành miền Đông Nam bộ; các dự án nghiên cứu khoa học mang tính đột phá, đồng thời tạo ra các sản phẩm công nghệ có tính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, thị hiếu người tiêu dùng; xu hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay,...
Trong phiên thảo luận về công nghệ sinh học hướng nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh chuyển đổi số, các chuyên gia nhấn mạnh thách thức lớn của ngành nông nghiệp như suy giảm nguồn lực, an toàn thực phẩm, biến đổi khí hậu và áp lực thị trường đặc biệt tại Bình Dương khi quỹ đất nông nghiệp giảm, chi phí tăng cao. Việc ứng dụng công nghệ sinh học và số hóa là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Các chuyên gia đề xuất mô hình hợp tác “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp” và nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo nhân lực chất lượng.
Trao đổi và thảo luận về những thách thức phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương theo định hướng nông nghiệp thông minh, các đại biểu cho biết, Bình Dương là địa phương có nhiều lợi thế trong phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ. Chính vì vậy, xu hướng phát triển ngành nông nghiệp thông minh, nông nghiệp đô thị là một xu thế phát triển tất yếu. Bên cạnh việc tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, lợi thế của tỉnh để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp của tỉnh cần phải hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh tích hợp các công nghệ tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, công nghệ 4.0 công nghệ vật liệu và công nghệ sinh học cho năng suất cây trồng, vật nuôi, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, an toàn cho sức khỏe con người và thân thiện với môi trường. Đóng góp các giá trị vào sự phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Bình Dương, các đại biểu đã đánh giá cao tiềm năng và thế mạnh của trường Đại học Thủ Dầu Một trong quá trình đào tạo nhân lực chất lượng, đặc biệt việc thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, ứng dụng các công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm công nghệ sinh học.
Tọa đàm là diễn đàn để các nhà quản lý và khoa học trao đổi, thảo luận, công bố các nghiên cứu ứng dụng mới về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh chuyển đổi số
TS. Nguyễn Hồ Quang - Phụ trách Viện Kỹ thuật công nghệ phát biểu tại tọa đàm
TS. Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội đồng trường trao hoa cảm ơn các chuyên gia báo cáo tham luận tại tọa đàm
Đại biểu khách mời, chuyên gia đã trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp theo định hướng nông nghiệp thông minh
TS. Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng trao quà lưu niệm và gửi lời cảm ơn trân trọng đến các đại biểu, chuyên gia đã dành thời gian tham dự và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp thông minh đến CB-GV, SV
Lãnh đạo nhà trường cùng đại biểu khách mời, chuyên gia và sinh viên chụp hình lưu niệm tại chương trình tọa đàm
BBT