Chiều ngày 21/02/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận và đề xuất ý tưởng xây dựng một thành phố festival công nghệ cho tỉnh Bình Dương.
Tọa đàm có sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên cả nước, gồm: PGS. TS. Cao Đức Hải – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; PGS.TS Hà Minh Hồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch TP.HCM, TS. Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia truyền thông sự kiện quốc tế - Đồng sáng lập Elite PR School; TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM; TS. Bùi Thị Hà – Viện Sử học Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, ông Lê Văn Thái – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp là đối tác của nhà trường. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và toàn thể CB-GV, sinh viên khoa Công nghiệp văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bình Dương hiện đang là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp của cả nước. Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, công nghiệp được xác định là động lực tăng trưởng chính. Bình Dương đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế; là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia, với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao... Ngoài phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp sản xuất thông minh, tỉnh Bình Dương nỗ lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo ra các sản phẩm văn hóa sáng tạo và hiện đại, tạo thành một trung tâm thương mại sôi động, tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp quốc tế.
Từ tiềm năng thế mạnh trong phát triển công nghiệp, dịch vụ và công nghệ, nhất là định hướng phát triển của tỉnh Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030, đến năm 2045, Bình Dương là đô thị thông minh của vùng và cả nước. Các đại biểu, chuyên gia đã đề xuất ý tưởng nghiên cứu xây dựng một thành phố festival công nghệ trong tương lai. PGS. TS Hà Minh Hồng chia sẻ, một điểm mạnh để tỉnh Bình Dương xây dựng thành phố festival công nghệ đó là kết hợp tiềm năng du lịch văn hóa với các sự kiện công nghệ. Những di sản văn hóa, các làng nghề truyền thống của Bình Dương có thể trở thành điểm nhấn trong các sự kiện festival, tạo ra sự giao thoa giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa truyền thống và công nghệ mới. Khi đó, Binh Dương sẽ không chỉ là nơi tổ chức các sự kiện công nghệ mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước. Sự kết hợp này sẽ góp phần tạo dựng hình ảnh một thành phố hiện đại, có nền văn hóa phong phú, là nơi mà công nghệ và văn hóa cùng phát triển. Đồng quan điểm với PGS. TS Hà Minh Hồng, TS. Dương Đức Minh và TS. Bùi Thị Hà nhấn mạnh, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua trong việc xây dựng thành phố festival công nghệ là việc khai thác và phát huy các di sản lịch sử của Bình Dương. Bằng cách kết hợp các giá trị lịch sử, văn hóa, lễ hội vào các sự kiện festival công nghệ nhằm tạo ra một không gian độc đáo, hấp dẫn du khách và các nhà đầu tư. “Việc tôn vinh và gìn giữ di sản lịch sử không chỉ là bảo tồn văn hóa mà còn là tạo dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của thành phố” TS. Dương Đức Minh nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào để tích hợp các yếu tố văn hóa vào trong việc xây dựng các sự kiện festival công nghệ tại Bình Dương nhằm tạo nên một sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và bản sắc văn hóa địa phương? Theo PGS. TS. Cao Đức Hải, việc sử dụng công nghệ không nên làm mờ nhạt đi các giá trị truyền thống mà phải giúp tôn vinh và phát huy những nét đẹp văn hóa đó. Việc áp dụng công nghệ trong tổ chức các sự kiện festival phải giữ vững các yếu tố văn hóa đặc trưng của Bình Dương. Mục tiêu là tạo ra không gian đa chiều, nơi mà sự hiện đại của công nghệ hòa quyện với các giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời của địa phương, từ đó xây dựng một hình ảnh thành phố vừa trẻ trung, năng động, vừa giàu bản sắc văn hóa. Mặt khác, việc tích hợp các yếu tố văn hóa vào trong các sự kiện không chỉ giúp nâng cao giá trị các festival mà còn là cách để Bình Dương khẳng định mình là một thành phố có sức hấp dẫn đặc biệt, không chỉ từ công nghệ mà còn từ sự đa dạng văn hóa và lịch sử phong phú. Những nét đặc trưng văn hóa như các làng nghề truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể cần được bảo tồn và phát huy trong các sự kiện festival công nghệ.
Một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu trong việc xây dựng thành phố festival công nghệ là truyền thông đóng vai trò thiết yếu trong việc quảng bá các sự kiện, thu hút sự tham gia của cộng đồng và các doanh nghiệp. Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông quốc tế, TS. Nguyễn Đình Thành đề xuất, các hoạt động cần phải được đưa vào chiến lược phát triển dài hạn của địa phương và mang tính kế thừa, phát triển, đồng thời cách thức truyền thông cần uyển chuyển linh hoạt, kết hợp các kênh online và offline; tăng cường game hóa để tăng tương tác. Kết hợp giữa truyền thông trên báo chí chính thống và các KOLs, KOCs nhằm lan tỏa và tạo dựng hình ảnh thành phố festival công nghệ Bình Dương. Để các sự kiện festival công nghệ thu hút sự chú ý, TS. Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh, truyền thông không chỉ tập trung vào quảng bá sự kiện mà còn phải làm nổi bật các giá trị đặc biệt của thành phố, các sản phẩm công nghệ, văn hóa mà Bình Dương muốn giới thiệu. Những chiến lược này sẽ giúp tạo dựng một hình ảnh thành phố hiện đại, năng động, và đầy sáng tạo, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu sự kiện festival công nghệ bền vững.
Để xây dựng thành phố festival công nghệ, các đại biểu đồng quan điểm cho rằng, việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là vô cùng quan trọng. Trường Đại học Thủ Dầu Một, với vai trò trung tâm đào tạo, cần chủ động triển khai các chương trình hợp tác, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các dự án liên quan đến công nghiệp văn hóa và công nghệ. Đồng thời, trường đẩy mạnh phát triển các chương trình nghiên cứu, hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp không chỉ giúp phát triển nguồn nhân lực chất lượng mà còn là yếu tố thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong các sự kiện festival công nghệ.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng thành phố festival công nghệ Bình Dương. Từ việc xác định mục tiêu, định hướng phát triển, đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư và nguồn lực phát triển,…
Phát biểu đúc kết tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ, trải qua 27 xây dựng và phát triển, tỉnh Bình Dương đã có sự phát triển mạnh mẽ, trở thành tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa hàng đầu của cả nước. Việc nghiên cứu, đề xuất ý tưởng xây dựng một thành phố festival công nghệ tại tỉnh Bình Dương tại tọa đàm hôm nay không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh mà, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và vị thế của Bình Dương trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố festival công nghệ Bình Dương là một hành trình dài, đòi hỏi cần có những công trình/đề án nghiên cứu chuyên sâu. TS. Đoàn Ngọc Xuân hy vọng, trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu về chủ đề xây dựng thành phố festival công nghệ Bình Dương. Qua đó, góp phần hiến kế giải pháp giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách có thêm căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để triển khai xây dựng thương hiệu của một thành phố festival công nghệ Bình Dương trong tương lai.
Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận và đề xuất ý tưởng xây dựng một thành phố festival công nghệ cho tỉnh Bình Dương
PGS. TS. Cao Đức Hải chia sẻ việc tích hợp các yếu tố văn hóa vào trong việc xây dựng các sự kiện festival công nghệ tại Bình Dương sẽ góp phần tạo nên một sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và bản sắc văn hóa địa phương
TS. Nguyễn Đình Thành nhấn mạnh vai trò quan trọng của công tác truyền thông trong việc quảng bá và tổ chứ các sự kiện festival công nghệ

TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một trân trọng cảm ơn sự tham gia trao đổi, đề xuất các ý tưởng về xây dựng thành phố festival công nghệ cho tỉnh Bình Dương

TS. Đoàn Ngọc Xuân hy vọng, trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục nhận được sự đồng hành, hợp tác của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc nghiên cứu về chủ đề xây dựng thành phố festival công nghệ Bình Dương

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm
BBT