Chủ đề tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề án thành lập phòng khám đa khoa thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một. Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn khoa học để Tổ soạn thảo đề án lắng nghe các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp giúp nhà trường có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn trong việc hoàn thiện đề án xây dựng thành công phòng khám đa khoa trực thuộc trường.
Ngày 8/5/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm “Xây dựng phòng khám đa khoa thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một”. Tọa đàm vinh dự đón tiếp các đại biểu, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y khoa, gồm: PGS.TS Trần Văn Hưởng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Anh, PGS.TS Lê Thị Lệ - Giám đốc phòng khám đa khoa Phương Nam (Lâm Đồng), TS. Hoàng Anh Dũng – Giám đốc Phòng khám đa khoa Anh Dũng, BSCKI Thân Thị Thảo Nhi - Trưởng phòng Kế hoạc tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. BS Lương Công Thảo - Phòng nghiệp vụ y, Sở Yế tỉnh Bình Dương. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng cho biết, phòng khám đa khoa trực thuộc nhà trường không chỉ là một cơ sở cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho cộng đồng, mà còn là một mô hình giáo dục tiên tiến, nơi gắn kết giữa lý thuyết và thực tiễn, giữa đào tạo – nghiên cứu và phục vụ xã hội. Với đặc thù là trường đại học đa ngành, trong đó có lĩnh vực Y Dược, nhà trường xác định phòng khám phải đáp ứng đồng thời hai yêu cầu: chuyên môn y khoa vững chắc và chuẩn mực giáo dục nghiêm túc. “Quá trình xây dựng phòng khám đòi hỏi những bước đi thận trọng, bài bản, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn vững vàng. Tọa đàm hôm nay không chỉ là diễn đàn học thuật, mà còn là bước khởi đầu quan trọng để tập hợp trí tuệ tập thể, cùng nhau hình thành một mô hình phòng khám hiện đại, lấy chất lượng phục vụ và giá trị nhân văn là nền tảng, hướng đến sự phát triển ổn định và bền vững.”
- TS. Đoàn Ngọc Xuân chia sẻ.
Xuất phát từ thực trạng các bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố vẫn đang phải đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng suốt nhiều năm qua, các chuyên gia và đại biểu tham dự tọa đàm đã bày tỏ sự đồng thuận, ủng hộ mạnh mẽ đối với việc xây dựng phòng khám đa khoa trực thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một. Theo đó, Đề án thành lập phòng khám không chỉ góp phần chia sẻ áp lực với hệ thống y tế công lập, mà còn định hình một mô hình chăm sóc sức khỏe cộng đồng gắn liền với đào tạo và nghiên cứu trong môi trường đại học. Đây được xem là bước đi chiến lược, mở ra một hướng phát triển mới cho nhà trường – nơi giáo dục đại học được tích hợp hài hòa giữa chuyên môn, thực hành và trách nhiệm xã hội.
Tại tọa đàm, các chuyên gia và đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp thiết thực giúp nhà trường hoàn thiện Đề án. PGS.TS.BSCKII Trần Văn Hưởng – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nam Anh – khẳng định việc thành lập phòng khám là cần thiết và hoàn toàn khả thi. PGS.TS.BSCKII Trần Văn Hưởng nhận định, trường Đại học Thủ Dầu Một có nhiều lợi thế như quy mô sinh viên lớn, chủ trương rõ ràng, được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ban Giám hiệu và Hội đồng trường. Đóng góp về cơ chế tài chính, PGS Trần Văn Hưởng cho rằng nhà trường cần sớm xác định nguồn vốn cụ thể – sử dụng ngân sách nhà nước hay tài chính tự chủ để tránh các thủ tục đấu thầu kéo dài làm ảnh hưởng tiến độ triển khai. Về pháp lý, PGS.TS Trần Văn Hưởng nhấn mạnh việc phòng khám cần có con dấu riêng và được bổ sung đầy đủ giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh trong hệ thống pháp lý của Viện. Riêng về cơ sở vật chất, nhà trường cần rà soát hạ tầng hiện hữu, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn về xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy; đồng thời xem xét khả năng xin chủ trương bố trí phòng khám ngay trong khuôn viên trường để thuận tiện cho triển khai và vận hành.
Nhằm giúp nhà trường hoàn thiện đề án, BSCKI Thân Thị Thảo Nhi - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, đề án xác định rõ mô hình tổ chức, lộ trình đầu tư và phân bổ nguồn lực phù hợp. BSCKI Thân Thị Thảo Nhi đề xuất chia nhân sự thành hai nhóm: nhóm hành nghề (khối trực tiếp, yêu cầu chứng chỉ hành nghề) và nhóm hỗ trợ (khối gián tiếp, tính toán theo Thông tư 03). Về trang thiết bị, tổ soạn thảo đề án cần phân chia theo từng “gói thiết bị”, giúp quá trình đầu tư minh bạch và dễ kiểm soát, như: gói thiết bị y tế, gói máy móc chuyên môn, gói công nghệ thông tin, gói trang thiết bị văn phòng,... Mặt khác, phạm vi hoạt động chuyên môn cần được thể hiện rõ ràng, không nên liệt kê chi tiết mà nên theo từng nhóm kỹ thuật, tuân thủ Thông tư 23/2024. Đặc biệt, đối với các chuyên khoa như sản phụ khoa, cần thực hiện những kỹ thuật cơ bản và học hỏi từ các mô hình phòng khám tương tự. Về tài chính, BSCKI Thân Thị Thảo Nhi đề xuất liệt kê rõ các hạng mục đầu tư ban đầu và chi phí duy trì. Công nghệ thông tin cần được thiết kế ở mức vừa phải, tránh việc đầu tư quá lớn, không phù hợp với quy mô phòng khám. BSCKI Thân Thị Thảo Nhi cũng nhấn mạnh về việc xác định giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 21/2024, với các mức giá cần được Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt sau khi tham khảo giá từ các cơ sở y tế tương tự.
Đóng góp ý kiến tại tọa đàm, TS. Hoàng Anh Dũng – Giám đốc Phòng khám đa khoa Anh Dũng chia sẻ, chuyên môn y khoa là nền tảng cốt lõi, nhưng để một cơ sở y tế phát triển bền vững, yếu tố then chốt lại nằm ở công tác quản trị. Theo TS, đề án cần xác định rõ tên gọi chính thức, tầm nhìn và sứ mệnh của phòng khám, vì đây là những yếu tố thể hiện định hướng phát triển lâu dài và giá trị cốt lõi mà cơ sở theo đuổi. TS. Hoàng Anh Dũng cho rằng, y khoa là kỹ thuật điều trị, nhưng người bác sĩ cũng là một nghệ sĩ trong nghệ thuật chăm sóc con người. Điều dưỡng viên không chỉ thực hiện kỹ thuật mà còn đóng vai trò truyền cảm hứng, giữ bệnh nhân ở lại bằng sự tận tâm và đồng cảm. Do đó, tên gọi của phòng khám cần phản ánh được tinh thần nhân văn, triết lý hoạt động và cam kết phục vụ cộng đồng. Đề cập đến cơ chế vận hành của phòng khám, TS. Hoàng Anh Dũng nhấn mạnh, nhà trường cần thiết kế một mô hình quản trị riêng, phù hợp với đặc thù của một phòng khám trực thuộc trường đại học, trong đó tính linh hoạt và hiệu quả cần được đặt lên hàng đầu.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia đã tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng và vận hành mô hình phòng khám đa khoa, từ khâu tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ nhân sự chuyên môn đến đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phù hợp. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế tài chính, lựa chọn danh mục kỹ thuật phù hợp với năng lực của phòng khám và nhu cầu khám chữa bệnh của cộng đồng. Đặc biệt, nhiều chuyên gia nhấn mạnh vai trò của quản trị hiện đại trong y tế, đây được xem là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng dịch vụ, hiệu quả vận hành và tạo môi trường thực hành chuẩn mực cho sinh viên ngành Y của trường Đại học Thủ Dầu Một.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học tại tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề nghị, Tổ soạn thảo đề án cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm và kiến nghị, từ đó xây dựng đề án theo hướng khoa học, thực tiễn và khả thi. TS. Đoàn Ngọc Xuân nhấn mạnh, một số nội dung trọng tâm cần được tập trung làm rõ bao gồm: mô hình tổ chức và phương thức vận hành của phòng khám; lộ trình đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; cơ chế tài chính phù hợp với điều kiện tự chủ của nhà trường; danh mục kỹ thuật chuyên môn theo đúng quy định hiện hành; và đặc biệt là phương án sử dụng, đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực, vừa bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh, vừa phục vụ mục tiêu đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng.
Chủ đề tọa đàm nằm trong khuôn khổ đề án thành lập phòng khám đa khoa thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một

TS. Hoàng Anh Dũng – Giám đốc Phòng khám đa khoa Anh Dũng phát biểu ý kiến tọa đàm
.JPG)
BSCKI Thân Thị Thảo Nhi - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đóng góp các giải pháp giúp Tổ soạn thảo hoàn thiện đề án
PGS.TS Lê Thị Lệ - Giám đốc phòng khám đa khoa Phương Nam (Lâm Đồng) chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng và vận hành phòng khám đa khoa

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học tại tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề nghị, Tổ soạn thảo đề án cần tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm và kiến nghị, từ đó xây dựng đề án theo hướng khoa học, thực tiễn và khả thi
BBT