Sáng ngày 25/4/2024, tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật”.
Hội thảo do Câu lạc bộ Khối trường đào tạo Văn hóa – Nghệ thuật phối hợp tổ chức nhằm tạo diễn đàn khoa học quan trọng nhằm trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu, giảng dạy và quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số. Tham dự hội thảo có PGS.TS. Triệu Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội khóa XV; TS. Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng KHCN tỉnh; đại diện các sở, ngành cấp tỉnh; các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục Trung ương và địa phương; đại diện 16 trường thành viên CLB Khối trường đào tạo văn hóa - nghệ thuật trong cả nước. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Thị Lưu An – Phụ trách khoa Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng cán bộ, giảng viên của Khoa.
Bám sát chủ đề “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật”, hội thảo đã quy tụ 127 bài viết tâm huyết của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, chuyên gia trong nước, đoàn cán bộ giảng viên. Tham gia hội thảo, cán bộ, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã tích cực đóng góp 10 tham luận chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề thiết thực như: đổi mới chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác liên ngành, liên cơ sở.
Phát biểu tại phiên toàn thể, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một đã trình bày tham luận chuyên đề về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hợp tác quốc tế trong các trường đào tạo lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật. TS. Đoàn Ngọc Xuân cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số, hợp tác quốc tế giữ vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt đối với các cơ sở đào tạo chuyên ngành văn hóa – nghệ thuật. Việc mở rộng mạng lưới hợp tác với các trường đại học, tổ chức nghệ thuật quốc tế không chỉ mang đến cơ hội giao lưu, thực tập, biểu diễn cho người học mà còn góp phần thúc đẩy giao thoa văn hóa. Tuy nhiên, TS. Đoàn Ngọc Xuân cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý các hoạt động hợp tác quốc tế hiện đang đối mặt với nhiều thách thức, như thiếu hụt nhân sự chất lượng cao, khó khăn trong điều phối và giám sát các dự án hợp tác phức tạp, cũng như hạn chế về nguồn lực tài chính và công nghệ hỗ trợ.
Trên cơ sở nhìn nhận, phân tích thực trạng và nhận diện các cơ hội, thách thức, TS. Đoàn Ngọc Xuân nhận định, trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực văn hóa – nghệ thuật, nếu các vấn đề về thể chế, chính sách, nguồn lực và thị trường được quan tâm đúng mức và giải quyết một cách đồng bộ, quyết liệt thì sẽ tạo ra những đột phá mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa – nghệ thuật và công nghiệp văn hóa trong thời gian tới. Từ việc nghiên cứu, tổng hợp các mô hình hợp tác thành công, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề xuất nhóm giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hợp tác quốc tế trong các cơ sở đào tạo văn hóa – nghệ thuật. Trước hết, các trường cần xây dựng chiến lược hợp tác dài hạn, xác định rõ các đối tác chiến lược, đồng thời thiết lập lộ trình thực hiện cụ thể và bền vững. Song song đó là đầu tư đồng bộ vào cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và tài chính, cùng với nâng cao năng lực đội ngũ thông qua các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý dự án, đàm phán quốc tế và giảng dạy bằng ngoại ngữ. Từ góc độ quản lý nhà nước, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể về tài chính, nhân sự và pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác quốc tế. Đặc biệt, cần thiết lập cơ chế hỗ trợ kết nối giữa các trường với những đối tác quốc tế uy tín, qua đó không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn góp phần phát triển toàn diện ngành văn hóa – nghệ thuật trong nước. “Quản lý hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế tại các trường đào tạo văn hóa – nghệ thuật không chỉ quyết định chất lượng giáo dục và nghiên cứu mà còn là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển bền vững của giáo dục đại học Việt Nam trong thời kỳ hội nhập” – TS. Đoàn Ngọc Xuân khẳng định.
Trong khuôn khổ hội thảo, một số tham luận của giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã được trình bày tại các phiên chuyên đề, các tham luận tập trung vào các nội dung, như: thiết kế chương trình đào tạo tích hợp năng lực số; kết hợp giữa giáo dục văn hóa dân tộc và chuyển đổi số; xây dựng nguồn nhân lực số phục vụ phát triển du lịch thông minh; phát triển nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật; đổi mới giáo dục đào tạo từ bối cảnh Việt Nam,… Các tham luận cho thấy rõ định hướng đổi mới sáng tạo, tư duy gắn kết lý luận với thực tiễn đào tạo và nghiên cứu của đội ngũ nhà trường. Nhiều đề xuất thiết thực đã được đưa ra nhằm tăng cường liên kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế, góp phần mở rộng không gian học thuật, cập nhật công nghệ giảng dạy hiện đại và nâng cao năng lực hội nhập toàn cầu.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, vào năm 2021, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tiên phong thành lập Khoa Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với các ngành học đa dạng như âm nhạc, mỹ thuật, văn hóa học, du lịch, thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện,… Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong khối ngành này, trường Đại học Thủ Dầu Một đã triển khai nhiều chương trình đào tạo chuyên sâu, ứng dụng công nghệ hiện đại vào giảng dạy, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục trong nước, quốc tế. Thông qua các hoạt động trong hội thảo, Trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, góp phần nâng cao vị thế và chất lượng giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh kỷ nguyên số.
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một đã trình bày tham luận chuyên đề về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý hợp tác quốc tế trong các trường đào tạo lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật

Tham gia hội thảo, cán bộ, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã tích cực đóng góp 10 tham luận chuyên sâu, tập trung vào các vấn đề thiết thực như: đổi mới chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác liên ngành, liên cơ sở

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo
Tin: BBT; Ảnh: Tổng hợp