Là diễn đàn khoa học quy tụ nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tỉnh phía Nam nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các mô hình hợp tác hiệu quả giữa trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Luật và Quản lý phát triển với các đơn vị đối tác, doanh nghiệp.
Sáng ngày 04/4/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “"Liên kết đào tạo trong lĩnh vực Luật, Môi trường và Quản lý xã hội: Gắn kết Nhà trường và Doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững". Tham dự tọa đàm, về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có PGS.TS. Lê Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc. Về phía trường Luật và Quản lý phát triển có TS. Trần Thị Anh Thư – Phụ trách trường, cùng lãnh đạo khoa, bộ môn, toàn thể giảng viên, sinh viên. Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện các đơn vị, doanh nghiệp là đối tác với nhà trường.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng nhấn mạnh, trong thế kỷ XXI, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa, giáo dục không còn chỉ dừng lại trong khuôn khổ nhà trường mà cần có sự gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, với doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội. Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là sứ mệnh mà trường Đại học Thủ Dầu Một luôn theo đuổi, đó là đào tạo thế hệ sinh viên không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn vững vàng trong kỹ năng thực hành, sẵn sàng hội nhập với môi trường làm việc trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Các công nghệ tiên tiến như: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, tự động hóa và những công nghệ tiên tiến khác đang thay đổi hoàn toàn cách chúng ta học tập, làm việc và tương tác với thế giới. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với nhà trường trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo sát với thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với những công nghệ mới nhất ngay trong quá trình học tập. “Buổi tọa đàm hôm nay không chỉ là một diễn đàn để trao đổi ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm mà còn là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự cam kết hợp tác lâu dài giữa nhà trường và các đối tác. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho các em sinh viên mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế và xã hội” – TS. Đoàn Ngọc Xuân bày tỏ.
Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu khẳng định, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và toàn cầu hóa, giáo dục không còn chỉ dừng lại trong khuôn khổ nhà trường mà cần có sự gắn kết chặt chẽ với thực tiễn, với doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội. Sự kết nối này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với kiến thức thực tiễn, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp mà còn giúp nhà trường điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động. Các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, trường Đại học Thủ Dầu Một phát triển theo định hướng ứng dụng, điều này đòi hỏi sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức trong xã hội để đảm bảo chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, việc hợp tác không chỉ mang lại lợi ích cho nhà trường mà còn mang lợi ích cho cả doanh nghiệp và xã hội. Doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, đào tạo và tuyển dụng những nhân sự tiềm năng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong khi sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức thực tế, giúp họ tự tin hơn khi bước vào thị trường lao động.
Góp phần nâng cao hiệu quả kết nối giữa trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Luật và Quản lý phát triển với doanh nghiệp, các đại cho rằng, các giải pháp từ nhiều khía cạnh khác nhau phải thực hiện đồng bộ từ phía đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, người học nhằm triển khai có hiệu quả mối quan hệ và hợp tác giữa các bên. Cụ thể, đối với trường đại học cần chú trọng việc thiết kế các chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tiễn nghề nghiệp; mời các nhà quản lý, nhà khoa học giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu của nhà trường; thiết lập diễn đàn doanh nghiệp - nhà trường để trao đổi định kỳ về nhu cầu và cơ hội hợp tác; đẩy mạnh việc hình thành các câu lạc bộ doanh nhân, nhóm kết nối doanh nghiệp và sinh viên;… Về phía doanh nghiệp, có cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, khuyến khích đội ngũ nhà khoa học ở các trường đại học tham gia vào các dự án và chia sẻ học thuật với doanh nghiệp; xây dựng mô hình doanh nghiệp trong nhà trường để nâng cao hiệu quả liên kết đào tạo; cử các chuyên gia, kỹ sư tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại nhà trường hoặc tại doanh nghiệp;… Bên cạnh đó, các bạn sinh viên cần cần tích cực học hỏi, rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy sáng tạo và tinh thần trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, có thái độ nghiêm túc trong học tập, tìm kiếm cơ hội thực tập, tham gia các dự án nghiên cứu để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Phát biểu tại tọa đàm, TS. Trần Thị Anh Thư – Phụ trách trường Luật và Quản lý khẳng định, việc tăng cường liên kết đào tạo giữa trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Luật và Quản lý phát triển và doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Bằng cách thực hiện các chiến lược hợp tác chặt chẽ, các bên liên quan có thể cùng nhau xây dựng một hệ thống đào tạo hiện đại, thực tế và bền vững. Chính vì vậy, trong thời gian tới, trường Luật và Quản lý phát triển sẽ đẩy mạnh đổi mới chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình giảng dạy và định hướng nghề nghiệp; tăng cường tổ chức các chương trình học tập thông qua các dự án thực tế, nơi sinh viên làm việc trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề thực tiễn nghề nghiệp. Đồng thời, trường sẽ đẩy mạnh phát triển các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp đặc biệt là trong các lĩnh vực như môi trường, pháp lý và quản lý xã hội. Mặt khác, trường sẽ đẩy mạnh lộ trình thành lập các trung tâm đào tạo và thực hành chuyên sâu, như: xây dựng Trung tâm Đào tạo Luật – Môi trường – Quản lý xã hội tại trường Đại học Thủ Dầu Một với sự tham gia của doanh nghiệp; phát triển các phòng thí nghiệm thực hành về phân tích môi trường, giải quyết tranh chấp pháp lý và quản lý xã hội; hợp tác với các khu công nghiệp để triển khai mô hình học tập kết hợp giữa giảng đường và thực tế tại khu công nghiệp Bình Dương,…
Trong khuôn khổ của chương trình tọa đàm, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Luật và Quản lý phát triển đã thực hiện ký kết hợp tác với hơn 30 đơn vị giáo dục, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong thuộc lĩnh vực khoa học môi trường, luật, công tác xã hội,... Thông qua hoạt động ký kết, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Luật và Quản lý phát triển cùng các đơn vị đối tác khẳng định cam kết cùng nhau phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện, đặc biệt trong công tác liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực, phối hợp nghiên cứu khoa học và chuyên giao công nghệ. Các nội dung hợp tác sẽ tập trung vào việc xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, tổ chức các hoạt động hội thảo, tọa đàm chuyên đề, hỗ trợ giảng viên và sinh viên trong công tác nghiên cứu, cũng như tạo điều kiện cho sinh viên được tham gia thực tập, trải nghiệm tại môi trường làm việc thực tế của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Sáng ngày 04/4/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “"Liên kết đào tạo trong lĩnh vực Luật, Môi trường và Quản lý xã hội: Gắn kết Nhà trường và Doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững"
.jpg)
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc tại tọa đàm

Trao đổi tại tọa đàm, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa trường Đại học Thủ Dầu Một với các doanh nghiệp