Sáng 14/6/2018, trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á – ĐH KHXH&NV (ĐHQG Tp.HCM) tổ chức buổi báo cáo chuyên đề “Các thủ tục được chính thức hóa: Sở hữu trí tuệ, Khung hợp đồng”. Chương trình thuộc dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đổi mới tại Việt Nam”.
Tham dự buổi báo cáo có PGS.TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng, cùng lãnh đạo các phòng, ban, khoa và hơn 100 CBGV của Trường.
Chia sẻ về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, báo cáo viên ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân – Giảng viên trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Tp.HCM) cho biết, sở hữu trí tuệ ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia và nó đã thực sự trở thành mối quan tâm chung của toàn thế giới. Đối với các nước phát triển, có nền kinh tế tri thức cao thì hoạt động sở hữu trí tuệ luôn được các tầng lớp trong xã hội tôn vinh, đề cao và được quan tâm, coi trọng. Vì vậy, việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tuy không bắt buộc nhưng rất cần thiết và phải càng sớm càng tốt, giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có được sự đảm bảo pháp lý và tránh sự xâm phạm quyền của người khác. Đánh giá về quy chế quản lý tài sản trí tuệ trong lĩnh vực khoa học giáo dục, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân nhấn mạnh, tài sản trí tuệ của trường là các sản phẩm sáng tạo, phát sinh trong quá trình giảng dạy, học tập nghiên cứu của CBGV, học viên, sinh viên bao gồm: luận án, luận văn khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu đã nghiệm thu, báo cáo nghiên cứu khoa học, kỷ yếu hội nghị, hội thảo, tọa đàm do trường tổ chức; các bài nghiên cứu; sách, tài liệu tham khảo, giáo trình, bài giảng; sản phẩm khoa học công nghệ và các sản phẩm trí tuệ khác được tạo ra từ nhiệm vụ được giao có sử dụng nguồn lực của nhà trường.
Theo đó, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân đã trao đổi các thông tin về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ của cơ sở giáo dục; quyền sở hữu trí tuệ phát sinh trong hoạt động của trường; quyền liên quan đến quyền sở hữu là tác giả; quản lý, khai thác tài sản trí tuệ thuộc cơ sở giáo dục; phân chia lợi ích từ việc sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ; xử lý vi phạm hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…
Tại buổi báo cáo, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, và đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy; quy định trích dẫn và chống đạo văn; quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục thuộc các lĩnh vực: khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, kỹ thuật công nghệ.... Trao đổi với các đại biểu, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân cũng đã đề xuất các công cụ hỗ trợ thực thi các quy định sở hữu trí tuệ; giải pháp thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và các cơ quan thông tin thư viện tại Việt Nam.
Báo cáo viên ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về hoạt động sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực khoa học giáo dục tại Việt Nam
Tại buổi báo cáo, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, và đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy
BBT