Giới thiệu

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

 NHỮNG TRƯỜNG SƯ PHẠM ĐẦU TIÊN CỦA TỈNH SÔNG BÉ – BÌNH DƯƠNG (1976 – 2008)
Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, tỉnh Sông Bé được thành lập. Để đáp ứng yêu cầu cấp bách về giáo viên cấp I, Ty Giáo dục Sông Bé đã mở khóa sư phạm cấp tốc, cơ sở đặt tại phường Phú Hòa (địa điểm Trường Đại học Thủ Dầu Một hiện nay). Tháng 3-1976, sau khi khóa sư phạm cấp tốc kết thúc, UBND tỉnh Sông Bé quyết định thành lập Trường Trung học Sư phạm trực thuộc Ty Giáo dục Sông Bé. Trường đào tạo giáo viên dạy cấp I với 2 hệ chuẩn là 12+1, 9+3, với quy mô hàng năm từ 400-600 học sinh, sinh viên. Bên cạnh hệ chuẩn còn có các hệ dưới chuẩn như 9+1, 12+6 tháng và một số lớp cấp tốc từ 2-3 tháng phục vụ các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, khu căn cứ cách mạng quá thiếu giáo viên.
Cùng với thời điểm thành lập Trường Trung học Sư phạm Sông Bé, Trường Sơ cấp Cô nuôi dạy trẻ cũng được thành lập, trực thuộc Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em tỉnh Sông Bé. Trường đào tạo giáo viên nhà trẻ theo loại hình ngắn hạn (6 tháng, 12 tháng), quy mô từ 100 - 150 giáo sinh hàng năm. Năm 1977, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục về chủ trương thống nhất ngành mẫu giáo trong cả nước, tỉnh Sông Bé thành lập Trường Sư phạm Mẫu giáo. Năm 1989, Trường Sơ cấp Cô nuôi dạy trẻ sáp nhập vào Trường Sư phạm Mẫu giáo thành Trường Sư phạm Mầm non.
Đến năm 1990 Trường Sư phạm Mầm non tiếp tục sáp nhập vào Trường Trung học Sư phạm Sông Bé. Năm 1991, Trường Bồi dưỡng Cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh cũng được sáp nhập vào Trường Trung học Sư phạm Sông Bé. Sau khi sáp nhập các trường mẫu giáo, mầm non và quản lý giáo dục, Trường Trung học Sư phạm Sông Bé là một trường trung học sư phạm đa hệ, có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý từ nhà trẻ, mẫu giáo đến bậc tiểu học. Đối với đào tạo giáo viên cấp II, cuối năm 1976, tỉnh Sông Bé thành lập Trường Sư phạm Cấp II Sông Bé, cơ sở đặt tại xã An Mỹ (nay là Trường THPT An Mỹ).
Tháng 11/1988, Trường Sư phạm cấp II Sông Bé được Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) công nhận trở thành Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé. Năm 1991, Trường Trung học Sư phạm Sông Bé được sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé. Như vậy, tất cả các trường sư phạm của tỉnh Sông Bé đã sáp nhập vào Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé. Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé đã trở thành nơi đào tạo giáo viên từ bậc mầm non đến trung học cơ sở của tỉnh Sông Bé.
Năm 1997, tỉnh Bình Dương tái lập (tách tỉnh Sông Bé thành 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Trường Cao đẳng Sư phạm Sông Bé đổi tên thành Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ là cơ sở đào tạo giáo viên, nhà rường đã cung ứng nguồn nhân lực to lớn cho ngành giáo dục của tỉnh. Với những thành tích đạt được, nhà trường vinh dự nhận các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Huân chương Lao động hạng Hai (1997), hạng Ba (2002).
 
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT
Từ năm 1997, Bình Dương bước vào thời kỳ phát triển mới. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương xác định mục tiêu hàng đầu là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Bình Dương trở thành địa phương phát triển theo cơ  cấu kinh tế công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ gắn với đô thị hóa; thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước, quốc tế và triển khai nhiều dự án khu công nghiệp và đô thị; quy hoạch phát triển Bình Dương đạt tiêu chí của một thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2020. Sự phát triển kinh tế, xã hội đặt ra nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có trình độ, có tay nghề trở nên cấp thiết, nhất là lao động tay nghề cho các doanh nghiệp. Vì lẽ đó, Bình Dương rất cần một trường đại học xứng tầm, đáp ứng cho nhu cầu học tập tại chỗ của nhân dân, đồng thời chủ động giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực cho tỉnh.
Xuất phát từ thực tiễn trên, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ II (2001), UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương thành lập trường đại học công lập trọng điểm cho địa phương. Đến tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập trường Đại học Thủ Dầu Một trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng đề án khả thi thành lập trường trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Ban Đề án xây dựng trường đã khẩn trương triển khai chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thành lập trường đại học như phối hợp với các ngành chuyên môn về xây dựng quy hoạch phát triển, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Bình Dương, chuẩn bị về đất đai, cơ sở vật chất, đào tạo và thu hút nhân sự,... Đến tháng 5/2006, Bộ GD và ĐT đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về đề án thành lập trường đại học của tỉnh. Kết luận buổi làm việc này, Bộ GD và ĐT chấp thuận cơ sở pháp lý và điều kiện thành lập Trường Đại học tại tỉnh Bình Dương; cụ thể là đưa vào quy hoạch thành lập trường giai đoạn 2006-2010 để trình Thủ tướng, đề nghị tỉnh Bình Dương xây dựng đề án thành lập trường đại học trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương.
Trên cơ sở kết luận của Bộ GD và ĐT, Ban Đề án thành lập trường tiếp tục xây dựng Đề án thành lập Trường Đại học Thủ Dầu Một. Tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập trường Đại học Thủ Dầu Một trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương và giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn xây dựng đề án khả thi thành lập trường trình Chính phủ phê duyệt. Tháng 11/2007, tỉnh Bình Dương thành lập các tổ công tác thực hiện Chương trình liên kết, hợp tác giữa Bình Dương và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2007-2015, trong đó dự án 3 thực hiện xây dựng Trường Đại học Thủ Dầu Một. Tháng 12/2007, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất quy hoạch chọn địa điểm xây dựng Trường Đại học Thủ Dầu Một tại khu đô thị và dịch vụ công nghiệp Mỹ Phước với diện tích trên 50ha. UBND tỉnh cam kết kinh phí xây dựng, cam kết giao đất xây dựng trường, cam kết kinh phía mua sắm trang thiết bị. Tháng 5/2008, tỉnh đã hoàn thành đề án khả thi trình Bộ GD và ĐT và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ để thẩm định. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất cho việc thành lập trường.
Với nỗ lực chuẩn bị về mọi mặt, ngày 24/6/2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 900/QĐ-TTg về việc thành lập trường Đại học Thủ Dầu Một trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương.
 
DẤU ẤN TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỚI TRÊN VÙNG ĐẤT BÌNH DƯƠNG
Trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn cao và ổn định. Ngay từ khi mới thành lập, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xác định sứ mệnh và mục tiêu xây dựng và phát triển cơ sở đào tạo đại học, sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực theo định hướng ứng dụng - thực hành, chất lượng cao ngang tầm các trường đại học lớn trong nước, tiến tới đạt trình độ khu vực và thế giới; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trường cũng xác định mục tiêu phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn về kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam; tham gia xây dựng chính sách và các giải pháp phát triển bền vững kinh tế, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ của tỉnh Bình Dương; tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ cho thị trường.
Phát triển theo định hướng trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ cấu ngành học của trường đã được mở rộng, bám sát thị trường nguồn nhân lực và phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương. Đến nay, hệ thống ngành học của trường rất đa dạng, trải dài trên nhiều lĩnh vực với 52 ngành bậc đại học, 11 ngành đào tạo sau đại học, quy mô đào tạo đạt hơn 22.000 học viên, sinh viên. Chỉ tính riêng bậc đào tạo đại học và sau đại học, sau 15 năm Nhà trường đã cung cấp cho thị trường lao động hơn 45 nghìn cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ở nhiều lĩnh vực chuyên môn và cũng có nhiều sản phẩm khoa học công nghệ được công bố, được ứng dụng, được chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Trong quá trình phát triển thương hiệu giáo dục, nhà trường đặc biệt coi trọng công tác xây dựng bộ công cụ quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, gắn hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với phục vụ cộng đồng để thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn đã tuyên bố. Tháng 12/2017, trường Đại học Thủ Dầu Một đã chính thức được công nhận là thành viên liên kết (Associate Member) của “Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á” AUN – QA. Với nỗ lực không ngừng nghỉ trên hành trình theo đuổi “văn hóa chất lượng”. Đến nay, trường có 20 chương trình đào tạo (CTĐT) đạt chuẩn MOET, 8 CTĐT đạt chuẩn AUN-QA; Trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia MOETchu kỳ 1 năm 2017, chu kỳ 2 năm 2023; Năm 2020, trường đạt chuẩn 4 sao UPM; Năm 2022, trường đứng thứ 15 trên bảng xếp hạng 100 trường đại học Việt Nam VNUR; Năm 2023, trường vào Top 5 đại học tại Việt Nam có tên trên bảng xếp hạng Schimago; Năm 2024, trường xếp hạng 18/187 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam theo bảng xếp hạng của Webometrics. Trường là thành viên của nhiều tổ chức khoa học, giáo dục uy tín: CDIO thế giới (2015), AUN (2017) và là đối tác của nhiều trường đại học trong khu vực Châu Á. Có nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi giảng viên, sinh viên và phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với các trường của Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ, sâu rộng, tăng cường công bố quốc tế; nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh được triển khai thực hiện. Cụ thể, công bố quốc tế tăng hàng năm, trong 03 năm gần đây đạt trung bình 350 bài ISI, SCOPUS/năm, chỉ số trích dẫn khá cao. Một số kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng như nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, vật liệu từ cây dừa… Chủ trì tổ chức nhiều hội thảo khoa học cấp quốc gia, quốc tế. Số đề tài khoa học cũng tăng hàng năm, trong đó có nhiều đề tài cấp tỉnh, cấp bộ. Qua đó, kết quả từ hoạt động khoa học công nghệ đóng góp quan trọng vào việc xác lập vị trí, uy tín của nhà trường, nâng cao năng lực đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo và có đóng góp nhất định cho đời sống xã hội.
Ngày 24/6/2009 đánh dấu cột mốc quan trọng của giáo dục đại học tỉnh Bình Dương với sự kiện trường Đại học Thủ Dầu Một được thành lập theo Quyết định số 900/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ. Suốt 15 năm qua, trường Đại học Thủ Dầu Một không chỉ xây dựng thành công đơn vị giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực từ bậc đại học đến sau đại học, mà còn trở thành trung tâm văn hóa - giáo dục, đóng góp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học, công nghệ chất lượng cho sự phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ và cả nước. Hiện nay, giáo dục đại học thế giới và trong nước tiếp tục có chuyển biến nhanh với những xu thế phát triển mới, nhất là việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong khai thác tiềm năng thiên nhiên phục vụ cuộc sống con người. Với trường Đại học Thủ Dầu Một, nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đặt ra nhiệm vụ cho nhà trường trong giai đoạn mới là phải xây dựng cho được tổ hợp giáo dục đại học có chất lượng và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học đại học của người dân, nhu cầu nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững; trường Đại học Thủ Dầu Một phải trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, trung tâm thúc đẩy vùng đổi mới sáng tạo, góp phần để Bình Dương trở thành vùng đẳng cấp cao với chức năng giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Để thực hiện chiến lược phát triển trong giai đoạn mới, nhà trường đã nỗ lực phát huy năng lực nội sinh, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài, trong giai đoạn 2025 – 2030, trường Đại học Thủ Dầu Một thực hiện chiến lược tái cấu trúc, nâng cấp trường Đại học Thủ Dầu Một thành đại học hai cấp đa ngành, đa lĩnh vực và phát triển bền vững. Đây được xem là bước phát triển tất yếu phù hợp với thực tiễn nền giáo dục Việt Nam và xu thế chuyển đổi của giáo dục đại học thế giới. Chiến lược phát triển theo mô hình đại học hai cấp còn có ý nghĩa quan trọng đối với trường khi thực hiện sứ mệnh là trung tâm văn hóa, giáo dục và khoa học, công nghệ; cung cấp nguồn nhân lực và sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong bối cảnh chuyển mình thành trường đại học hai cấp, trường Đại học Thủ Dầu Một song song thực hiện đề án tự chủ. Đây là một bước đi quan trọng và cần thiết trong công cuộc cải cách các mặt hoạt động khoa học giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển bền vững. Tự chủ giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, tăng cường năng lực quản trị và tài chính, mở rộng hợp tác quốc tế và gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn. Đây cũng chính là tiền đề để nhà trường đẩy mạnh kế hoạch xây dựng trường đại học số - đại học thông minh, hạnh phúc theo mô hình chuỗi kết hợp: khuôn viên thông minh, công nghệ thông minh, quản trị thông minh, nghiên cứu thông minh, con người thông minh và môi trường làm việc, học tập hạnh phúc.