Sáng 6/11/2015, đoàn cán bộ trường Đại học FPT do Phó Hiệu trưởng – TS Phan Phương Đạt dẫn dầu đã đến làm việc với Đại học Thủ Dầu Một về kinh nghiệm triển khai CDIO.
Tiếp đoàn có TS Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, TS Lê Tuấn Anh – Trưởng khoa Công nghệ thông tin cùng các thành viên Ban Phát triển chất lượng đào tạo.
Trình bày về những bước đi của mình trong quá trình tiếp cận CDIO nhưng chưa đạt được kết quả mong đợi, Đại học FPT mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm từ phía Đại học Thủ Dầu Một cũng như các trường thành viên CDIO tại Việt Nam để có những chiến lược tiếp cận phù hợp và hiệu quả hơn. Trong sự trao đổi thẳng thắn, đại diện trường Đại học Thủ Dầu Một – TS Ngô Hồng Điệp đã chia sẻ về lộ trình chuẩn bị trước khi đăng ký gia nhập tổ chức CDIO. Đó là một lộ trình dài từ năm 2013 mà ngay từ đầu, lãnh đạo Trường đã quyết tâm phải thực hiện bằng được và xem đó là một chiến lược quan trọng để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Việc cần làm là phải có kế hoạch hoạt động cụ thể, phải lường trước được những lực cản đặc biệt là về mặt tư tưởng để có những biện pháp “đả thông”, một khi trên dưới đồng lòng thì việc triển khai và thay đổi cho phù hợp với điều kiện từng khoa sẽ không là trở ngại. Để có thể thuyết phục các thành viên thuộc tổ chức CDIO, trong hội nghị thường niên được tổ chức tại Thành Đô – Trung Quốc vào tháng 6/2015, đoàn cán bộ trường ĐH Thủ Dầu Một phải minh chứng bằng những sản phẩm cụ thể, những hoạt động rõ ràng mà Trường đã thực hiện để thay đổi theo CDIO. Một trong những minh chứng thuyết phục được các thành viên đánh giá cao là việc mạnh dạn áp dụng hướng tiếp cận CDIO cho các ngành xã hội, nhân văn (vốn dĩ không phải là đối tượng ban đầu của CDIO). Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng và một tinh thần cầu thị khi thuyết minh về lộ trình thực hiện CDIO, ĐH Thủ Dầu Một đã được 100% thành viên CDIO bỏ phiếu đồng ý kết nạp vào tổ chức CDIO thế giới, trở thành trường thứ 3 tại Việt Nam sau ĐHQG TP.HCM và ĐH Duy Tân Đà Nẵng gia nhập vào tổ chức này.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, ĐH Thủ Dầu Một cũng đã học hỏi những kinh nghiệm trong việc triển khai các chương trình giảng dạy Kỹ năng mềm từ phía ĐH FPT. Theo đó, ĐH FPT đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên thông qua chương trình PDP (personal development program) hướng đến 3 mục tiêu: rèn luyện thể chất, phát triển kỹ năng, bồi dưỡng năng lực biểu diễn.
Kết thúc buổi làm việc, lãnh đạo hai trường cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ lẫn nhau để cùng hướng đến một cộng đồng giáo dục hiệu quả cho thế hệ trẻ Việt Nam.
TS Lê Tuấn Anh trình bày lại bản thuyết minh về lộ trình thực hiện CDIO tại Thành Đô (Trung Quốc) cho đoàn cán bộ ĐH FPT

Lãnh đạo hai Trường tặng quà lưu niệm
BTT