Ngày 29/4/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức hội đồng thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT) trình độ đại học ngành Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng thuộc Viện Đào tạo Kiến trúc, xây dựng và Giao thông.
Tham gia hội đồng thẩm định có PGS. TS Lê Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng trường, TS Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng, ùng lãnh đạo các đơn vị chức năng, gồm: Ban Quản lý đào tạo Đại học, Ban Kiểm định, khảo thí và Đảm bảo chất lượng, Ban Tổ chức nhân sự, thanh tra, pháp chế, Ban Thư viện và Học liệu, cùng lãnh đạo khoa, bộ môn, và giảng viên Viện Đào tạo Kiến trúc, xây dựng và Giao thông. Về phía đơn vị sử dụng lao động có KTS. Huỳnh Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc An Thịnh An.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, hoạt động cải tiến CTĐT là hoạt động thường xuyên của trường Đại học Thủ Dầu Một nhằm đánh giá mức độ phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhu cầu thị trường lao động và các quy định pháp luật có liên quan. Việc rà soát này không chỉ giúp nhà trường xác định được những điểm mạnh, điểm yếu của từng CTĐT mà còn là cơ sở để đề xuất các chính sách điều chỉnh, cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Để góp phần giúp Viện Đào tạo Kiến trúc, xây dựng và Giao thông thực hiện tốt công tác rà soát, cập nhật và cải tiến CTĐT, TS. Ngô Hồng Điệp đề nghị, các thành viên tham dự sẽ có những ý kiến đóng góp để việc cải tiến CTĐT được tốt hơn, đáp ứng được yêu cầu của nhu cầu thị trường lao động. Trong đó, tập trung vào việc phát triển 04 kỹ năng/ năng lực cốt lõi cho sinh viên, như: năng lực ngoại ngữ, năng lực số, năng lực chuyên môn, năng lực tự chuyển đổi.
Tại phiên thẩm định, TS. Bùi Việt Thi – Giám đốc Viện Đào tạo Kiến trúc, xây dựng và Giao thông đã trình bày khái quát về các yêu cầu đối với việc rà soát, đánh giá và cải tiến CTĐT; mục tiêu và chuẩn đầu ra; cấu trúc CTĐT; phương pháp dạy và học; chương trình đối sánh; đội ngũ giảng viên; một số điểm nổi bật và cải tiến CTĐT của 02 ngành học, gồm: Kiến trúc, Kỹ thuật xây dựng. TS. Bùi Việt Thi cho biết thêm, công tác cải tiến CTĐT được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường Đại học Thủ Dầu Một, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Đặc biệt, các CTĐT của năm 2025 không chỉ được cập nhật, phát triển trên nền tảng của CTĐT năm 2024 mà còn được điều chỉnh, tăng cường các học phần về công nghệ; tích hợp các học phần có thể đào tạo online dưới hình thức học trực tuyến. Các học phần còn lại tập trung vào thực hành thực tế, sử dụng phần mềm và công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Đánh giá và góp ý về cải tiến CTĐT, từ góc độ là đơn vị tuyển dụng lao động, KTS. Huỳnh Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc An Thịnh An khuyến nghị, CTĐT cần đảm bảo tính liên kết giữa nhu cầu thực tiễn của tỉnh Bình Dương và xu hướng phát triển công nghệ hiện đại. Nội dung đào tạo phải linh hoạt, cập nhật kịp thời những tiến bộ trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và quản lý dự án. Vì vậy, CTĐT phải không chỉ đào tạo kỹ năng thiết kế nhà ở đơn thuần mà còn mở rộng năng lực thiết kế các công trình công nghiệp, nhà xưởng, công trình quy mô lớn, với yêu cầu ứng dụng công nghệ tiên tiến như BIM (Building Information Modeling), công nghệ xanh, vật liệu xây dựng mới,...
Trong khuôn khổ của phiên họp thẩm định, các đơn vị chuyên môn của nhà trường đã đóng góp các ý kiến đánh giá, rà soát chất lượng và điều kiện đảm bảo CTĐT các ngành học của trường Kinh tế tài chính, cụ thể: Ban Quản lý Đào tạo Đại học đã đóng góp các ý kiến đánh giá tính khoa học và logic của cấu trúc CTĐT; Ban Khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng nhận xét đánh giá về quy trình kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng CTĐT, rà soát mức độ phù hợp của phương pháp giảng dạy và đánh giá; Ban Tổ chức nhân sự, thanh tra và pháp chế đã rà soát nhân sự nhằm đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện CTĐT; Ban Thư viện và Học liệu đóng góp ý kiến đánh giá mức độ đáp ứng về tài liệu, học liệu phục vụ CTĐT; Ban Kế hoạch và cơ sở vật chất kỹ thuật đã tiến hành rà soát điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo,…
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng đề nghị, Tổ soạn thảo CTĐT, cần tập trung toàn bộ nguồn lực để chỉnh sửa, tối ưu hóa CTĐT nhằm đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra, cấu trúc chương trình hợp lý và khoa học. Việc thiết kế các học phần tự chọn cần theo hướng module, tăng tính linh hoạt và chuyên sâu. Đồng thời, cần đặc biệt quan tâm đến các học phần ngoại ngữ và công nghệ thông tin, cũng như tích hợp các học phần hiện có nhằm chừa không gian cho các học phần mới trong tương lai. Bên cạnh đó, việc thiết kế lại chương trình đào tạo cần tiếp thu ý kiến đóng góp từ các Ban tham mưu và các đơn vị chức năng có liên quan, đảm bảo chương trình xây dựng ra phù hợp với thực tiễn và yêu cầu đào tạo hiện nay.
Ngày 29/4/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức hội đồng thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng CTĐT trình độ đại học ngành Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng
.JPG)
KTS Huỳnh Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Kiến trúc An Thịnh An phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
BBT