Nhằm triển khai lấy ý kiến phản hồi của các chuyên gia, giảng viên, cựu học viên và các nhà tuyển dụng về chuẩn đầu ra chương trình đào tạo (CTĐT), ngày 01/4/2025, khoa Điện – Điện tử - Viện Kỹ thuật công nghệ đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Đánh giá nhu cầu năng lực nghề nghiệp và khảo sát ý kiến các bên liên quan về cải tiến CTĐT ngành Kỹ thuật điện và ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa.
Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội thảo đã thu hút sự tham dự của gần 50 đại biểu là giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia phát triển CTĐT và đảm bảo chất lượng giáo dục của các trường đại học, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp hợp tác đào tạo, đơn vị sử dụng lao động, cựu người học và người học. Cụ thể, về phía các trường đại học có TS. Đỗ Trí Nhựt - trường Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Phan Xuân Lễ - Khoa Công nghệ Điện, trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Dương Minh Thiện - Bộ môn Tự động điều khiển, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh; ThS. Mai Văn Tánh – trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore. Về phía hiệp hội, doanh nghiệp hợp tác đào tạo, đơn vị sử dụng lao động có ông Nguyễn Đức Thông - Công ty CP Giáo dục Quốc tế SUN Edu; ông Nguyễn Bá Nhạ - Công ty TNHH Kỹ Thuật Cơ Điện Metech; ông Trần Hưng Đạo - Công ty TNHH Điện Tử Foster; ông Đào Trần Bằng - Công ty TNHH EoH; ông Nguyễn Anh Cường - Công ty Green Ecosystem; ông Phạm Tấn Quang – Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật tự động hóa Sài Gòn UNITANS.
Triển khai các phiên làm việc tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe khoa Điện – Điện tử trình bày tổng quan về các yêu cầu trong quá trình rà soát, đánh giá và cải tiến CTĐT, bao gồm mục tiêu, chuẩn đầu ra, cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy, chương trình đối sánh, đội ngũ giảng viên, cũng như những điểm nổi bật và đổi mới trong CTĐT của ngành Kỹ thuật điện và Kỹ thuật điều khiển – tự động hóa. Đồng thời, khoa cũng tiến hành lấy ý kiến từ các bên liên quan về chuẩn đầu ra, nội dung chương trình và thảo luận kế hoạch hợp tác đào tạo với các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện – điện tử và kỹ thuật điều khiển – tự động hóa.
Tham gia đánh giá và góp ý về cải tiến CTĐT, các đại biểu đã đánh giá cao nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên khoa Điện - Điện tử trong công tác rà soát, đánh giá, cập nhật và phát triển CTĐT ngành Kỹ thuật điện và ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Đặc biệt, các đại biểu cũng đánh giá cao nội dung CTĐT không chỉ đảm bảo nền tảng kiến thức vững chắc mà còn tích hợp các công nghệ mới, phương pháp giảng dạy tiên tiến, giúp sinh viên phát triển tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thực hành chuyên sâu. Bên cạnh đó, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện đơn vị sử dụng lao động đã đề xuất một số giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng CTĐT, bao gồm việc tăng cường hợp tác với doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển công nghệ, mở rộng các hoạt động thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, cũng như đẩy mạnh đào tạo kỹ năng mềm và kỹ năng số cho sinh viên.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, khoa Điện – Điện tử sẽ bổ sung, chỉnh sửa, đề xuất hướng xây dựng, hoàn thiện các CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra, thể hiện được tầm nhìn, sứ mạng của nhà trường, khoa chuyên ngành đào tạo. Đồng thời, trong thời gian tới, khoa sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan để hoàn thiện và triển khai các cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kỹ thuật điện và Kỹ thuật điều khiển – tự động hóa.

Ngày 01/4/2025, khoa Điện – Điện tử - Viện Kỹ thuật công nghệ đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Đánh giá nhu cầu năng lực nghề nghiệp và khảo sát ý kiến các bên liên quan về cải tiến CTĐT ngành Kỹ thuật điện và ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
TS. Lê Trường An - Trưởng khoa Điện - Điện tử trình bày tổng quan về các yêu cầu trong quá trình rà soát, đánh giá và cải tiến CTĐT ngành Kỹ thuật điện

Tại hội thảo, TS. Hồ Đức Chung giới thiệu chương trình Đào tạo sau cải tiến ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa
BBT