Ngày 09/11/224, trường Đại học Thủ Dầu Một tiếp tục tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực xây dựng và phát triển chương trình đào tạo gắn với mô hình Đại học số - Thông minh - Hạnh phúc”. Tham dự buổi tập huấn có TS. Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo, giảng viên các đơn vị có chức năng đào tạo.
Trao đổi về nội dung khóa tập huấn, TS. Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng đã trình bày về định hướng chung trong công tác xây dựng chương trình đào tạo (CTĐT) tại trường Đại học Thủ Dầu Một. TS. Ngô Hồng Điệp nhấn mạnh, với tầm nhìn phát triển trường thành một Đại học số - Thông minh - Hạnh phúc, nhà trường đặt mục tiêu xếp hạng trong TOP 1000 trường có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới về chất lượng giáo dục theo bảng xếp hạng THE Impact. Để thực hiện chiến lược trên, thì CTĐT chính là thành tố cốt lõi. CTĐT tại trường được thiết kế, xây dựng phải đảm bảo: (1) Đào tạo gắn liền với nhu cầu thị trường lao động, có sự tham gia của các chuyên gia từ doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp; (2) CTĐT luôn được cập nhật, đổi mới theo xu hướng phát triển nghề nghiệp, tiến bộ khoa học công nghệ yêu cầu của nhà tuyển dụng; áp dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến lấy người học làm trung tâm, chú trọng tương tác, rèn luyện kỹ năng mềm, tư duy phản biện, khả năng sáng tạo của sinh viên; (3) CTĐT linh hoạt với nhiều lựa chọn, cho phép sinh viên dễ dàng chọn khóa học phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp cá nhân. Sinh viên có thể linh hoạt trong việc chuyển đổi ngành học, mở rộng cơ hội học tập suốt đời với nhiều hình thức đào tạo; (4) CTĐT được thiết kế dựa trên sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp sinh viên có cơ hội thực hành và tích lũy kinh nghiệm thực tế,…; (5) CTĐT đáp ứng được yêu cầu về hội nhập và hợp tác quốc tế như: trao đổi giảng viên, sinh viên giảng dạy và học tập, nghiên cứu ở nước ngoài; hoặc mời các chuyên gia, doanh nghiệp, giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy và hướng nghiên cứu cho sinh viên…
Trình bày chi tiết về công tác xây dựng, thiết kế CTĐT, ThS. Nguyễn Thị Vinh - Phụ trách Ban Quản lý Đào tạo Đại học đã chỉ ra những điểm mới trong quy trình thực hiện xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra của CTĐT. Trong đó, yêu cầu các chuẩn đầu ra phải rõ ràng và cụ thể, đáp ứng được Khung trình độ Quốc gia Việt Nam, cũng như khung năng lực nghề nghiệp (nếu có). Để đạt được chuẩn đầu ra của CTĐT thì việc thiết kế CĐR của các học phần thể hiện trong Đề cương chi tiết là rất quan trọng. Giảng viên cần cân nhắc trong các phát biểu chuẩn đầu ra vừa đảm bảo theo nguyên tắc SMART (Specific - tính cụ thể, Measurable - đo lường được, Achievable - khả năng thực hiện, Realistic - tính thực tế, Time-bound - khung thời gian), vừa đảm bảo được các quy định hiện hành của TDMU, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Trong khuôn khổ khóa học, TS. Trần Cẩm Thi - Phụ trách Ban Khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng, chia sẻ về các phương pháp khảo thí sẽ áp dụng trong thời gian tới để đảm bảo tính khách quan và minh bạch trong đánh giá.
Triển khai các nội dung của khóa tập huấn, TS. Lê Anh Vũ - Phụ trách Khoa Quản lý phát triển xã hội, trường Luật và Quản lý phát triển chia sẻ về kinh nghiệm và kỹ năng thiết kế khóa học trên hệ thống LMS. Theo TS, thiết kế khóa học theo từng buổi học, tuy phải đầu tư rất nhiều thời gian và “chất xám” nhưng lại thu được hiệu ứng tích cực từ sinh viên, giúp sinh viên nắm bắt được cụ thể nội dung cần học tập, từ đó có thể đạt được chuẩn đầu ra của bài học, góp phần đạt chuẩn đầu ra của học phần. Ngoài ra, giảng viên cũng nên cung cấp đa dạng các nguồn học liệu (sách, slide bài giảng, video, hình ảnh,…) lên hệ thống LMS, để sinh viên có thể có nhiều nguồn tiếp cận với nội dung bài học. Giảng viên cũng nên đưa những bài nghiên cứu của mình có liên quan đến nội dung môn học vào giảng dạy, chia sẻ cho sinh viên, vừa là để sinh viên thấy được tính thực tiễn của ngành học, vừa là khơi gợi cho sinh viên hứng thú tự học, tự nghiên cứu. TS. Lê Anh Vũ cũng chia sẻ thêm quy trình thực hiện xây dựng bài giảng trực tuyến.
Chủ đề tập huấn nằm trong chuỗi các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng và phát triển CTĐT gắn với mô hình Đại học số - Thông minh - Hạnh phúc
TS. Lê Anh Vũ trình bày về quy trình xây dựng bài giảng trực tuyến
Hơn 200 cán bộ, giảng viên các đơn vị có chức năng đào tạo đã tham dự khóa tập huấn
Tin ảnh: Ban Quản lý Đào tạo Đại học