Diễn ra tại trường Đại học Thủ Dầu Một vào sáng ngày 6/5/2025, chủ đề tọa đàm do trường Luật và quản lý phát triển tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật giữa các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, chuyên gia về những vấn đề xoay quanh định hướng phát triển ngành Luật trong bối cảnh phát triển đại học hiện nay.
Được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, tham dự tại điểm cầu trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Trần Thị Anh Thư – Phụ trách Trường Luật và quản lý phát triển, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc trường, giảng viên, cán bộ chuyên môn của ngành Luật. Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đào tạo luật học, nghiên cứu khoa học và hoạt động tư vấn pháp luật, gồm: PGS.TS. Phạm Minh Tuyên, Nguyên Chánh án, Giám đốc Học viện Toà án, PGS.TS. Đinh Thị Mai - Học viện Tòa án, TS. Nguyễn Thị Tố Uyên, Học viện Chính trị Quốc gia HHồ Chí Minh, TS. Lê Tường Vy - trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh,...
Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Anh Thư cho biết, ngành Luật tại Trường Đại học Thủ Dầu Một được chính thức tuyển sinh từ năm 2013. Sau hơn một thập kỷ xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo trên 2.500 cử nhân Luật, đóng góp tích cực vào đội ngũ nhân lực pháp lý cho các lĩnh vực quản lý nhà nước, tư vấn pháp luật, pháp chế doanh nghiệp, cũng như hoạt động của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trường Luật và quản lý phát triển đang tổ chức đào tạo ngành Luật ở cả bậc đại học và sau đại học, với quy mô hơn 1.800 sinh viên và học viên. Nhà trường đặc biệt chú trọng đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan nhà nước, tổ chức tư pháp, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nâng cao tính ứng dụng, gắn kết đào tạo với thực tiễn. Những nỗ lực này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực pháp lý chất lượng, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là tại Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. TS. Trần Thị Anh Thư khẳng định, trước yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục đại học, các cơ sở đào tạo cần không ngừng thích ứng, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh đó, tọa đàm lần này là cơ hội quan trọng để nhà trường nhìn nhận rõ hơn thực trạng, xu hướng và đề xuất định hướng phát triển ngành Luật phù hợp với yêu cầu mới. “Thông qua diễn đàn học thuật này, các đại biểu sẽ cùng chia sẻ, đóng góp những ý kiến thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật tại trường Đại học Thủ Dầu Một theo hướng hiện đại, hội nhập và gắn chặt với thực tiễn xã hội” - TS. Trần Thị Anh Thư nhấn mạnh.
Triển khai nội dung tọa đàm, các đại biểu đã lắng nghe các báo cáo tham luận do các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực quản lý nhà nước, đào tạo luật học, nghiên cứu khoa học và hoạt động tư vấn pháp luật trình bày. Nội dung các tham luận tập trung phân tích thực trạng công tác đào tạo ngành Luật trong bối cảnh các trường đại học thực hiện cơ chế tự chủ, đặt ra nhiều yêu cầu mới về tổ chức chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm định chất lượng và gắn kết với nhu cầu xã hội. Bên cạnh việc nhận diện thách thức, các chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian trao đổi, gợi mở giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Các vấn đề được đề cập gồm: mô hình giá trị của trường đại học trong giai đoạn phát triển mới; vai trò và giá trị khác biệt của Trung tâm tư vấn pháp luật trong môi trường đại học; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trong đào tạo luật học; xu hướng nghề nghiệp mới của ngành Luật trong nền kinh tế tri thức; và chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên cùng chương trình đào tạo phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học hiện nay.
Trong khuôn khổ tọa đàm, trường Luật và Quản lý phát triển đã giới thiệu đội ngũ chuyên gia cố vấn cho hai đề án chiến lược: mở mã ngành đào tạo sau đại học ngành Luật hình sự và Tố tụng hình sự, và thành lập Trung tâm Tư vấn pháp lý tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Hai đề án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường tính ứng dụng của kiến thức pháp lý vào thực tiễn, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực pháp lý trình độ cao cho Bình Dương, khu vực Đông Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh mới và cả nước. Khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Trung tâm Tư vấn pháp lý, các chuyên gia đều nhất trí cho rằng, trung tâm này sẽ trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái đào tạo và phục vụ cộng đồng của nhà trường. Với đội ngũ giảng viên, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, Trung tâm sẽ là cầu nối hiệu quả giữa giảng dạy – nghiên cứu và thực tiễn đời sống pháp lý. Không chỉ góp phần khẳng định uy tín học thuật của nhà trường, Trung tâm còn mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương thông qua việc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và người lao động trong việc tiếp cận thông tin pháp lý, giải quyết tranh chấp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp. Qua đó, Trung tâm Tư vấn pháp lý sẽ góp phần nâng cao năng lực pháp lý toàn xã hội, phục vụ mục tiêu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương và khu vực.
Trao đổi tại tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một nhấn mạnh, trong bối cảnh Bình Dương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện để tiến tới sáp nhập với TP. Hồ Chí Minh, hình thành TP. Hồ Chí Minh mới – siêu đô thị trung tâm vùng Đông Nam Bộ và của cả nước thì yêu cầu xây dựng một hệ thống pháp lý đồng bộ cùng đội ngũ nhân sự pháp luật chuyên nghiệp, am hiểu hội nhập quốc tế là nhiệm vụ cấp thiết. Với vị trí chiến lược nằm tại trung tâm tỉnh Bình Dương – địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tương lai sẽ là một phần của TP. Hồ Chí Minh mới, trường Đại học Thủ Dầu Một có nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức trong lĩnh vực pháp luật. Từ đó, nhà trường có thể đóng góp trực tiếp vào quá trình hoạch định chính sách và quản lý siêu đô thị mới, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình hội nhập quốc tế. TS. Đoàn Ngọc Xuân cũng cho biết, đề án thành lập Trung tâm Tư vấn pháp lý tại trường là bước đi chiến lược không chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo mà còn phát huy vai trò phục vụ cộng đồng. Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật cho người dân, người lao động và doanh nghiệp; hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý trong nhiều lĩnh vực, từ hành chính công đến pháp chế doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng sẽ là địa chỉ tin cậy để phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao nhận thức và năng lực pháp lý cho các đối tượng trong xã hội, góp phần giảm thiểu khoảng cách tiếp cận dịch vụ pháp lý trong cộng đồng.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, nhà khoa học và giảng viên đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực. “Các nội dung được trình bày và thảo luận tại tọa đàm không chỉ có giá trị học thuật mà còn mang tính định hướng cao, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược phát triển ngành Luật tại trường Đại học Thủ Dầu Một trong giai đoạn tới” - TS. Đoàn Ngọc Xuân khẳng định.
Chủ đề tọa đàm do trường Luật và quản lý phát triển tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật giữa các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, chuyên gia về những vấn đề xoay quanh định hướng phát triển ngành Luật trong bối cảnh phát triển đại học hiện nay
TS. Trần Thị Anh Thư – Phụ trách Trường Luật và quản lý phát triển phát biểu khai mạc tọa đàm
.JPG)
TS. Lê Tường Vy - trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phát biểu trao đổi, gợi mở giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo ngành Luật tại trường Đại học Thủ Dầu Một

TS. Bác sĩ thương hiệu Nguyễn Khánh Trung trao đổi về chuyên đề mô hình giá trị của trường đại học trong giai đoạn phát triển mới
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng phát biểu tổng kết tọa đàm
Các nội dung được trình bày và thảo luận tại tọa đàm không chỉ có giá trị học thuật mà còn mang tính định hướng cao, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược phát triển ngành Luật tại trường Đại học Thủ Dầu Một trong giai đoạn tới
BBT