Đó là chủ đề năm 2022 của hội thảo khoa học về “Kiến trúc và xây dựng hướng đến phát triển bền vững”do trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức sáng ngày 3/6/2022. Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương, những người làm công tác trong ngành Kiến trúc, Xây dựng, Qui hoạch đô thị và Kỹ nghệ gỗ.
Được tổ chức hàng năm để thảo luận những giải pháp cho kiến trúc và xây dựng hướng đến phát triển biền vững, hội thảo năm nay chọn chủ đề “Giải pháp kỹ thuật tiên tiến cho ngành xây dựng trong kỷ nguyên công nghệ 4.0”. Đóng góp các nghiên cứu liên quan đến chủ đề này, các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục trong nước đã gửi đến hội thảo hơn 30 báo cáo. Sau quá trình phản biện, có 22 bài được chọn đăng trong kỷ yếu hội thảo ở định dạng sách xuất bản có chỉ số ISBN của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một khẳng định, phát triển bền vững đang là xu hướng tất yếu của phát triển. Không nằm ngoài xu hướng đó, tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển kinh tế gắn với ổn định xã hội và bảo vệ môi trường. Trong đó, ngành Xây dựng, công tác Quy hoạch đô thị, thiết kế Kiến trúc và Kỹ thuật xây dựng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các cơ sở vật chất cũng như nền tảng kỹ thuật của nền kinh tế. Một vấn đề được đặt ra là làm thế nào để phát triển xây dựng nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, sử dụng một cách tiết kiệm nguồn tài nguyên. Xuất phát từ chủ đề hội thảo, “các nhà khoa học sẽ trao đổi cởi mở, thẳng thắn để hội thảo của chúng ta thực sự là một ngày hội trí tuệ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành. Kết quả của hội thảo không chỉ đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Kiến trúc, Xây dựng, Quy hoạch đô thị và Kỹ nghệ gỗ gắn với quá trình phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương, mà còn là tiền đề để các nhà khoa học có thêm nhiều ý tưởng nghiên cứu mới” - TS. Nguyễn Quốc Cường kỳ vọng.
Tại hội thảo, BTC đã mời các tác giả của của 06 tham luận trình bày trực tiếp, để từ đó gợi mở các hướng thảo luận cho tất cả đại biểu tham dự. Các tham luận chia sẻ có nội dung về: Đặc tính xanh trong tổ chức không gian sử dụng vật liệu tự nhiên của kiến trúc nhà ở Tây Nam Bộ; Nghiên cứu kết cấu tường chắn bảo vệ mái dốc khu vực đồi núi; Kết cấu áo đường mềm sử dụng nhựa đường mô đun cường độ cao chịu tác dụng của tải trọng thay đổi sử dụng lý thuyết đàn hồi nhớt tuyến tính; Bê tông HSC sử dụng phụ gia kết hợp nano sio2 và tro bay đề xuất thiết kế mặt đường ô tô,… Các báo cáo khoa học cũng đã đề xuất các phương pháp tính toán, giải pháp kết cấu, ứng dụng công nghệ - kỹ thuật trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế kiến trúc, quy hoạch không gian đô thị và sản xuất vật liệu trên nhiều lĩnh vực ngành nghề.
Từ các tham luận gợi mở, các đại biểu đã trao đổi cởi mở, sinh động từ chính kinh nghiệm làm nghề, làm nghiên cứu thực tế của mình. Cùng với đó, những gợi mở, kiến nghị, được đề xuất tại hội thảo sẽ góp phần vào việc khơi gợi cảm hứng sáng tạo và nghiên cứu của tập thể giảng viên và sinh viên khoa Kiến trúc của nhà trường và là nguồn học liệu phong phú cho công tác đào tạo các kiến trúc quy hoạch, các kiến trúc sư công trình và kỹ sư xây dựng của trường ĐH Thủ Dầu Một.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của các nhà khoa học trong và ngoài địa bàn tỉnh Bình Dương, những người làm công tác trong ngành Kiến trúc, Xây dựng, Qui hoạch đô thị và Kỹ nghệ gỗ
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường ĐH Thủ Dầu Một nêu bật ý nghĩa chủ đề hội thảo
ThS. Lê Duy Phương - Công ty TNHH Kiến Sài Gòn trình bày tham luận tại hội thảo
TS. Nguyễn Kiến Tường trình bày tham luận "Nghiên cứu kết cấu tường chắn bảo vệ mái dốc khu vực đồi núi"
BBT