Sáng ngày 15/12/2023, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Mô hình và mô phỏng theo hướng dữ liệu quá trình gia công chế tạo” DaMaS 2023.
Được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, khoa học chế tạo: trường ĐH Thủ Dầu Một, Học viện Kỹ thuật quân sự, Viện Vũ khí – Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, ĐH Kỹ thuật Lê Quý Đôn, ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Quốc tế TP.HCM, Công ty TNHH Kỹ thuật công nghệ điện tự động Biển Đông ESTEC,… Quy tụ 21 báo cáo tham luận, các tác giả đã đóng góp nhiều giải pháp công nghệ vào việc nâng cao năng suất và cạnh tranh của công ty Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất gia công cơ khí, chế tạo máy, đồng thời cải thiện chất lượng giảng dạy và đào tạo nguồn lực tại các cơ sở giáo dục.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, Việt Nam hiện có hơn 350 khu công nghiệp và khu chế xuất, đang bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng công nghiệp 4.0. Chiến lược “Make-in-Vietnam” đặt mục tiêu thúc đẩy các công ty tại Việt Nam tự thiết kế, sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn nhân lực và liên kết giữa các nhóm nghiên cứu, thiếu hụt về cơ sở vật chất và kinh phí thực hiện thí nghiệm là những thách thức nổi bật, yêu cầu việc đẩy mạnh kết hợp mô phỏng số học với thực nghiệm trong tối ưu hóa quá trình chế tạo công nghiệp. Đặt mục tiêu hướng đến một chương trình nghiên cứu tích hợp, có ứng dụng cao trong sản xuất thông minh, trường ĐH Thủ Dầu Một đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh “Mô hình và mô phỏng theo hướng dữ liệu các quá trình gia công chế tạo”. “Trong khuôn khổ dự án DaMas, hội thảo lần này được tổ chức nhằm tạo diễn đàn trao đổi học thuật chuyên sâu, thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia, thúc đẩy nghiên cứu khoa học về sản xuất thông minh và chế tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tối ưu hóa quá trình chế tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” – TS. Ngô Hồng Điệp nhấn mạnh.
Triển khai nội dung hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày, trao đổi, thảo luận về thực trạng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ in 3D kim loại tại Việt Nam; Phân tích quá trình biến dạng khi ép chảy nóng chi tiết dạng cốc có thành mỏng trên phần mềm Qform; Đánh giá ảnh hưởng của một số tham số công nghệ chính tới độ nhám bề mặt rãnh khương tuyến nòng pháo 30MM của thép OXH3MΦΑ bằng quy trình ECM; Đặc điểm luyện kim và tính chất cơ học của chi tiết thép chế tạo bằng công nghệ in 3D sử dụng nguồn năng lượng hồ quang; Điều khiển ánh sáng thông qua công nghệ IOT: Ứng dụng hệ thống đèn thông minh,… Đồng thời, trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo tối ưu hóa các quá trình gia công chế tạo, hội thảo cũng đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm gia công và chế tạo trong sản xuất thực tế của ngành công nghiệp cơ khí.
Chủ đề hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, khoa học chế tạo
TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc tại hội thảo
Tham gia bằng hình thức trực tuyến, TS. Lê Văn Thảo trình bày tham luận "Công nghệ in 3D kim loại - thực trạng nghiên cứu và ứng dụng tại VN"
Đại biểu tham dự đã thảo luận, đóng góp các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm gia công và chế tạo trong sản xuất thực tế của ngành công nghiệp cơ khí
BBT