Đó là chủ đề hội thảo khoa học sáng nay do trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thảo góp phần sơ kết, đánh giá dưới góc độ khoa học về việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ngày 27/5/2022, trường ĐH Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam hiện nay”. Được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, hội thảo đã quy tụ 48 bài tham luận của các nhà khoa học từ 28 cơ quan, đơn vị giáo dục trong cả nước, đó là: ĐH Nguyễn Huệ, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ĐH Nội vụ Hà Nội – Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh, ĐH Đà Lạt, ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Cảnh sát nhân dân, ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện An ninh nhân dân, Trường Sĩ quan Đặc công, ĐH,Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ĐH Quảng Bình, CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Cảnh sát nhân dân II, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam, Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Đồng Nai,Tỉnh đoàn Bến Tre,…
Trong phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường ĐH THủ Dầu Một ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là hội tụ đẹp nhất và trọn vẹn nhất về phẩm chất đạo đức cách mạng, là kết tinh trí tuệ và tư tưởng, tình cảm và đạo đức, nhân cách và lối sống của con người và dân tộc Việt Nam. “Người tiêu biểu cho cốt cách và bản lĩnh, lương tâm và khí phách của thời đại. Người để lại cho Đảng ta, nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau một di sản tư tưởng vô cùng quý báu; một tấm gương đạo đức và phong cách, lối sống sáng ngời. Tư tưởng, đạo đức phong cách của Người là giá trị tinh thần quý giá của toàn Đảng, toàn dân tộc” – TS Nguyễn Quốc Cường khẳng định.
Để khắc họa và làm sâu sắc thêm giá trị, ý nghĩa tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh trong tiến trình cách mạng Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, hội thảo đã lắng nghe 06 tham luận của các tác giả. Cụ thể, TS. Lê Quang Cần – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai trình bày tham luận “Việt Nam khát vọng phát triển đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh”, ThS. Hà Tiến Linh - Học viện An ninh nhân dân với tham luận “Nhận diện và phê phán những quan điểm sai trái, chống phá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay”, TS. Nguyễn Mậu Hùng – trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng với tham luận “Tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh trong vai trò người thầy”; TS. Lương Thy Cân – trường ĐH Thủ Dầu Một trình bày tham luận “Một góc nhìn về “dĩ bất biến ứng vạn biến” mà Hồ Chí Minh vận dụng sau cách mạng tháng Tám năm 1945”, TS. Lê Trung Kiên - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tham luận “Phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái phủ nhận tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ThS. Hoàng Mạnh Cường – trường ĐH Nguyễn Huệ trình bày tham luận “Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên sự vận dụng của Đảng ta nhằm xây dựng thanh niên Việt Nam đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Trao đổi về chủ đề hội thảo, các tác giả tham luận và đại biểu tham dự đều khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh đã trở thành di sản lớn lao của dân tộc Việt Nam. Do vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vô cùng thiết thực và có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới. Trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, Đảng và nhân dân Việt Nam luôn trung thành, kiên định lý tưởng, mục tiêu và con đường cách mạng: “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”, lấy Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, kim chỉ nam cho mọi hành động. Trong bối cảnh hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã và đang tích cực học tập và làm theo Người, quyết tâm thực hiện cho được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Người từng mong muốn.
Được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, hội thảo đã quy tụ 48 bài tham luận của các nhà khoa học từ 28 cơ quan, đơn vị giáo dục trong cả nước
TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường ĐH THủ Dầu Một phát biểu nêu bật những công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ Quốc
ThS. Phan Thanh Bằng phát biểu đề dẫn hội thảo
TS. Nguyễn Mậu Hùng – trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trình bày tham luận tại hội thảo
Các đại biểu tham gia theo hình thức trực tuyến trao đổi ý kiến về chủ đề của hội thảo
Chủ đề hội thảo khoa học sáng nay do trường ĐH Thủ Dầu Một tổ chức nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
BBT