Tọa đàm là dịp để các nhà quản lý, giảng viên, doanh nghiệp và sinh viên cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các mô hình liên kết đào tạo hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp, góp phần đổi mới công tác tổ chức và quản lý thực tập, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kiến trúc, xây dựng và giao thông.
Sáng ngày 23/5/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông: Thực tiễn và hội nhập”. Tham dự buổi lễ, về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có PGS. TS. Lê Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc trường. Về phía Viện Đào tạo Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông có TS. Bùi Việt Thi – Phụ trách viện, cùng lãnh đạo các bộ môn, toàn thể giảng viên và sinh viên. Tọa đàm còn có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia, đến từ các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tỉnh thành khu vực phía Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng nhấn mạnh, trong bối cảnh cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển của kỷ nguyên mới, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước. Tại tỉnh Bình Dương, miền Đông Nam Bộ được đánh giá một trong những vùng kinh tế năng động hàng đầu cả nước. Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của giáo dục, kinh tế và dịch vụ, lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là kiến trúc, xây dựng và giao thông, giữ vị trí trung tâm trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình này không chỉ đem lại sự chuyển mình rõ nét cho ngành kiến trúc, xây dựng và giao thông gắn liền với tăng trưởng kinh tế của vùng, mà còn đòi hỏi việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới sáng tạo một cách toàn diện, đột phá, đồng thời phải kết hợp hài hòa với các yếu tố văn hóa, nhằm tạo nên sự phát triển bền vững, hài hòa giữa kỹ thuật và bản sắc xã hội. Trước những yêu cầu mới đó, việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trở thành nhiệm vụ trọng tâm và cần thiết để xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, kiến trúc sư có trình độ chuyên môn vững vàng, kỹ năng thực tiễn và khả năng hội nhập quốc tế. TS. Đoàn Ngọc Xuân khẳng định, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo trong đào tạo và nghiên cứu là những giải pháp then chốt góp phần phát triển bền vững các ngành kiến trúc, xây dựng và giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương cũng như cả nước trong tương lai. “Chủ đề tọa đàm là diễn đàn để các nhà quản lý, giảng viên, chuyên gia và doanh nghiệp cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các mô hình liên kết đào tạo hiệu quả, đồng thời thảo luận những xu hướng phát triển mới. Tọa đàm góp phần đổi mới công tác tổ chức, quản lý thực tập và hoàn thiện chính sách đào tạo sát thực tế. Qua đó, tọa đàm không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành kiến trúc, xây dựng và giao thông, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số sâu rộng hiện nay,” TS. Đoàn Ngọc Xuân bày tỏ.
Góp phần định hướng các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều tham luận tại hội thảo đã tập trung phân tích sâu sắc từ thực tiễn đến mô hình triển khai hiệu quả, tiêu biểu như: “Chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông: Thực tiễn và hội nhập” và “Ưu điểm nổi bật trong chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Xây dựng – Trường Đại học Thủ Dầu Một”. Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể giúp Viện Đào tạo Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông nâng cao chất lượng đào tạo, bao gồm: thường xuyên cập nhật giáo trình theo chuẩn quốc tế; áp dụng các phương pháp học hiện đại như học theo dự án, mô phỏng thực tế và nghiên cứu tình huống; tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh, đặc biệt ở các môn chuyên ngành, nhằm nâng cao năng lực hội nhập cho sinh viên; điều chỉnh nội dung đào tạo linh hoạt, tham khảo chương trình tiên tiến trong và ngoài nước phù hợp với thực tế từng ngành nghề; tích hợp kiến thức thực tiễn từ doanh nghiệp vào chương trình học; đưa công nghệ BIM (Building Information Modeling) vào giảng dạy với các cấp độ phát triển từ 2D đến 10D; đồng thời đầu tư nâng cao hệ thống E-learning và thư viện số, tạo điều kiện học tập và tự học hiệu quả cho người học. Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Tại tọa đàm, các nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều tham luận có giá trị thực tiễn cao. Trong đó, KTS Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA Tây Ninh (AA Corporation) – đã trình bày tham luận “Thiết kế nội thất – từ góc nhìn kinh doanh”, mang đến cách tiếp cận mới mẻ, kết hợp giữa yếu tố nghệ thuật và chiến lược kinh doanh trong lĩnh vực thiết kế nội thất. Diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai một dự án trọn gói theo quy trình chuyên nghiệp, từ nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược marketing phù hợp với định vị thương hiệu, đến lập kế hoạch kinh doanh và tổ chức triển khai từng giai đoạn của dự án. Quá trình thực hiện bao gồm phát triển ý tưởng thiết kế từ yêu cầu thực tế, hoàn thiện bản vẽ kỹ thuật, tổ chức thi công, ký kết hợp đồng và kiểm soát tiến độ, chất lượng thi công tại hiện trường. Đặc biệt, KTS Nguyễn Chánh Phương nhấn mạnh vai trò của dịch vụ hậu mãi – yếu tố thường bị bỏ quên trong đào tạo truyền thống – như chăm sóc khách hàng sau bàn giao, hỗ trợ bảo trì và duy trì mối quan hệ bền vững giữa doanh nghiệp và khách hàng. Cũng theo KTS Nguyễn Chánh Phương, chương trình đào tạo cần trang bị cho sinh viên không chỉ kỹ năng thiết kế mà còn cả kiến thức về quản trị, marketing và chăm sóc khách hàng. Điều này góp phần định hình nên một thế hệ kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất có tư duy tổng thể, có thể thích ứng linh hoạt với môi trường làm việc đa dạng và cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Nhằm cung cấp nguồn tư liệu thực tiễn quý báu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng và quản lý đô thị, TS. Nguyễn Thế Bảo – giảng viên Bộ môn Giao thông đã trình bày tham luận “Dự án tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên và các kinh nghiệm thực tiễn cho ngành quản lý dự án xây dựng trong đô thị”. Với góc nhìn từ một công trình hạ tầng giao thông đô thị quy mô lớn và phức tạp, tham luận đã phân tích chi tiết các bài học kinh nghiệm quý báu rút ra từ thực tiễn triển khai dự án. TS. Nguyễn Thế Bảo nhấn mạnh một số vấn đề then chốt mà các đơn vị đào tạo và nhà quản lý cần đặc biệt quan tâm, như: việc nhận diện các rủi ro tiềm ẩn ngay từ giai đoạn lập và xét duyệt hồ sơ mời thầu; sự cần thiết phải cập nhật thường xuyên các quy định pháp luật liên quan nhằm chủ động dự báo, ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực trong quá trình thực hiện; tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, TS. Nguyễn Thế Bảo còn lưu ý đến những rủi ro đến từ công tác di dời hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi thường là nguyên nhân dẫn đến kéo dài tiến độ, bên cạnh vấn đề giải phóng mặt bằng. Đồng thời, diễn giả cũng đề xuất tăng cường công tác quản lý an toàn lao động và kiểm soát chất lượng thi công theo từng giai đoạn, để bảo đảm tính bền vững và an toàn vận hành khi công trình đi vào sử dụng.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận sôi nổi về những xu hướng phát triển mới trong các ngành Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông hiện nay. Đặc biệt, các ý kiến đã tập trung làm rõ tác động mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI) đến công tác đào tạo và thực tiễn thiết kế. AI không chỉ mở ra những cơ hội đột phá trong việc tự động hóa quy trình thiết kế, tối ưu hóa mô hình xây dựng mà còn giúp cá nhân hóa phương pháp giảng dạy, nâng cao hiệu quả học tập thông qua các công cụ mô phỏng, phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định thông minh. Các đại biểu cũng đề cập đến những thách thức trong việc tích hợp AI vào chương trình đào tạo, đòi hỏi phải cập nhật liên tục kiến thức và kỹ năng cho giảng viên, sinh viên nhằm đảm bảo sự thích nghi và tận dụng hiệu quả công nghệ tiên tiến này trong tương lai. Qua đó, hội thảo góp phần định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng hội nhập và dẫn đầu trong kỷ nguyên số.
Phát biểu đúc kết tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của sự kiện trong việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa nhà trường, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành. TS. Đoàn Ngọc Xuân đánh giá cao những tham luận sâu sắc, những ý kiến đóng góp thiết thực đã giúp làm rõ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời khẳng định vai trò then chốt của đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong quá trình đào tạo và nghiên cứu. TS. Đoàn Ngọc Xuân cũng đề nghị các đơn vị chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo sát thực tế, bám sát yêu cầu phát triển của thị trường lao động, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển bền vững của ngành kiến trúc, xây dựng và giao thông trong tương lai.
Dịp này, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại dịch vụ Trúc Phương, Công ty AA Corporation - Công ty Cổ phần xây dựng và kiến trúc AA, Công ty Cổ phần kiến trúc xây dựng Đất Thủ, Công ty Cổ phần xây dựng Fairycons (FAC) đã trao học bổng cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, và các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Sáng ngày 23/5/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao chất lượng đào tạo Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông"
.JPG)
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng phát biểu khai mạc tọa đàm

TS. Bùi Việt Thi – Phụ trách Viện Đào tạo Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông phát biểu tham luận tại tọa đàm
.JPG)
Các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi, thảo luận sôi nổi về những xu hướng phát triển mới trong các ngành Kiến trúc, Xây dựng và Giao thông hiện nay

Đại diện doanh nghiệp phát biểu ý kiến trao đổi tại tọa đàm
.JPG)
TS. Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng tặng hoa cảm ơn sự tham gia trao đổi, thảo luận của các đại biểu khách mời
.JPG)
Tọa đàm còn có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia, đến từ các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tỉnh thành khu vực phía Nam

Kết thúc tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề nghị các đơn vị chuyên môn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo sát thực tế, bám sát yêu cầu phát triển của thị trường lao động, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng tốt các nhu cầu phát triển bền vững của ngành kiến trúc, xây dựng và giao thông trong tương lai
BBT