HỢP TÁC ĐỐI NGOẠI


Chia sẻ kinh nghiệm về mô hình quản trị đại học với trường Đại học Hùng Vương

15/03/2024 16:21 — 652
Ngày 14/03/2024, lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một đã có buổi tiếp đón Đoàn công tác trường Đại học Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) đến thăm và học tập mô hình quản trị đại học, cũng như kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động về chuyển đổi số, khoa học công nghệ, kiểm định chất lượng,…

Đoàn công tác trường Đại học Hùng Vương do ThS. Tạ Quốc Thịnh – Phó Hiệu trưởng làm trưởng đoàn, cùng dự có PGS.TS. Phan Thị Tình - Phó Hiệu trưởng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc trường. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một, tiếp và làm việc với đoàn công tác có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trường, cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng.

Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo trường Đại học Hùng Vương trân trọng cảm ơn lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một đã tạo điều kiện tiếp đón, cởi mở trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học và triển khai các mặt hoạt động của nhà trường. PGS.TS Phan Thị Tình – Phó Hiệu trưởng chia sẻ, giữa hai trường có nhiều nét tương đồng khi đều là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc tỉnh, phát triển theo định hướng ứng dụng, đào tạo đa ngành đa lĩnh vực. “Dù vậy, trong quá trình phát triển, trường Đại học Thủ Dầu Một đã được biết đến là trường có tốc độ phát triển bứt phá, ghi dấu ấn với nhiều thành tựu ấn tượng trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học, đảm bảo chất lượng, chuyển đổi số,… Đặc biệt, trường còn là một trong những trường đại học tại địa phương tiên phong trong công tác tự chủ đại học” - PGS.TS Phan Thị Tình nhận định. Chính vì vậy, trường Đại học Hùng Vương mong muốn nhận được những chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học, công tác tự chủ, các ứng dụng hiệu quả về chuyển đổi số và định hướng phát triển của trường.

Trên tinh thần cởi mở, sẵn sàng trao đổi những kinh nghiệm trong điều hành, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng đã chia sẻ những tâm huyết, kinh nghiệm mà lãnh đạo, tập thể Trường đã thực hiện trong công tác quản lý, công tác đào tạo – tuyển sinh, ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị đại học, công tác kiểm định chất lượng, chính sách phát triển hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ, tiêu chí xếp hạng đại học, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp,… TS. Ngô Hồng Điệp cho biết thêm, là trường đại học có “tuổi đời trẻ”, trong quá trình hoạt động nhà trường đã khai thác, tận dụng tối đa các nguồn lực, dám nghĩ – dám làm để tạo ra những tiền đề quan trọng cho sự phát triển theo lộ trình đề ra.

Chia sẻ về hình thức quản trị đại học trong bối cảnh số hóa, TS. Đoàn Ngọc Xuân cho biết, khoảng cách địa lý không còn là rào cản cho việc thúc đẩy thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức giáo dục trong nước, quốc tế. Theo đó, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề nghị, trong thời gian tới, hai trường có thể triển khai các chương trình hợp tác sâu rộng thể hiện qua việc công nhận chương trình đào tạo, công nhận tín chỉ để cùng tạo ra sản phẩm mới trong liên kết đào tạo; hợp tác khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, lợi thế của hai trường trong việc đẩy mạnh năng lực đào tạo quốc tế kết hợp đào tạo trong nước nhằm cung cấp nguồn nhân lực làm việc tại nước ngoài; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học tạo ra các sản phẩm phục vụ công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ, hiến kế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.

Xuyên suốt quá trình làm việc, lãnh đạo hai trường cùng các đơn vị chức năng cũng dành thời gian trao đổi, chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai tự chủ đại học; chính sách thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực; hoạt động triển khai chuyển đổi số trong đào tạo và khoa học công nghệ; quy chế hoạt động của Hội đồng trường theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thảo luận các chương trình hợp tác giữa hai đơn vị trong thời gian tới,… Để đạt được hiệu quả tích cực trong công tác quản trị đại học, nhất là trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, mỗi cơ sở giáo dục cần phải có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong quan niệm “trường đại học địa phương” để chủ động nâng cao năng lực quản trị đại học, xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động xứng tầm với tầm nhìn và sứ mạng của đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao uy tín của cơ sở giáo dục về chất lượng dịch vụ, sản phẩm đào tạo, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao giữa các cơ sở đào tạo giáo dục đại học.

Trong khuôn khổ chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, đoàn công tác trường Đại học Hùng Vương đã tìm hiểu môi trường học tập, giảng dạy, nghiên cứu, hạ tầng công nghệ, không gian sáng tạo khởi nghiệp tại trường Đại học Thủ Dầu Một.

Lãnh đạo hai trường trao đổi kinh nghiệm trong triển khai mô hình quản trị đại học và các mặt hoạt động của nhà trường

ThS. Tạ Quốc Thịnh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hùng Vương trân trọng cảm ơn lãnh đạo trường Đại học Thủ Dầu Một đã tạo điều kiện tiếp đón, cởi mở trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản trị đại học

TS. Đoàn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một trao đổi, chia sẻ trình nghiệm triển khai mô hình quản trị đại học trong bối cảnh số hóa

Lãnh đạo hai trường thống nhất các thỏa thuận triển khai các chương trình hợp tác khoa học giáo dục của hai đơn vị

Trong thời gian tới, hai trường đẩy mạnh
 các chương trình hợp tác sâu rộng thể hiện qua việc công nhận chương trình đào tạo, công nhận tín chỉ để cùng tạo ra sản phẩm mới trong liên kết đào tạo, các sản phẩm nghiên cứu khoa học,...
Trong khuôn khổ chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm, đoàn công tác trường Đại học Hùng Vương đã tìm hiểu môi trường học tập, giảng dạy, nghiên cứu, hạ tầng công nghệ, không gian sáng tạo khởi nghiệp tại trường Đại học Thủ Dầu Một
BBT

Bài đăng cùng danh mục

Đang tải...