Nhằm tạo động lực và chia sẻ phương pháp, kinh nghiệm cải thiện hai kỹ năng nghe – nói tiếng Anh hiệu quả, ngày 21/4/2024, Câu lạc bộ tiếng Anh – trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức talkshow với chủ đề “Strategies for improving speaking and listening skill”.
Tọa đàm có sự tham gia của TS. Trần Thanh Dũ – Trưởng khoa Ngoại ngữ, cùng toàn thể CB-GV, học viên, sinh viên khoa Ngoại ngữ.
Nghe – nói - đọc - viết luôn là bốn kỹ năng quan trọng cần rèn luyện đối với mỗi ngôn ngữ. Đặc biệt, hai kỹ năng nghe – nói đóng vai trò rất quan trọng trong việc học tập và giao tiếp tiếng Anh hiệu quả. Khi thành thạo hai kỹ năng này sẽ giúp chúng ta có thể truyền đạt suy nghĩ, cảm xúc, ý tưởng của bản thân đến người đối diện. Tuy nhiên hiện nay, sinh viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập tiếng Anh, đặc biệt là kỹ năng nghe và kỹ năng nói khi giao tiếp. Do thiếu phương pháp học tập, kinh nghiệm rèn luyện hai kỹ năng này, từ đó dẫn đến việc sinh viên cho rằng kỹ năng nghe - nói là thử thách khó khăn nhất trong các kỳ thi ngoại ngữ. Để giúp sinh viên có thể cải thiện, nâng cao kỹ năng nghe – nói và tăng vốn từ vựng, talkshow với chủ đề “Strategies for improving speaking and listening skill” với sự tham gia của chuyên gia, giảng viên, cùng các học viên cao học ngành Ngôn ngữ Anh trường Đại học Thủ Dầu Một đã chia sẻ đến sinh viên một số kỹ năng “chiến lược”, phương pháp học hiệu quả, cũng như giúp các bạn sinh viên giải đáp những thắc mắc liên quan đến kinh nghiệm và động lực học tập tiếng Anh.
Qua quá trình giảng dạy, nghiên cứu, các giảng viên, học viên cao học ngành Ngôn ngữ Anh trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định, trong bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết, kỹ năng nghe – nói đòi hỏi sự tập trung nhiều nhất. Nếu không tập trung vào bài nghe, bài nói thì các bạn sẽ bỏ lỡ thông tin cốt lõi đang được truyền đạt. Chính vì vậy, sự tập trung là ưu tiên hàng đầu, cùng với đó là tính kiên trì trước áp lực “độ khó” của tài liệu. Theo đó, một vài “chiến lược” được các giảng viên gợi mở trong talkshow để cải thiện kỹ năng nghe - nói đó là, (1) Chiến lược siêu nhận thức: Kỹ năng nghe - nói, giống như tấ cả các hoạt động khác cần được dành thời gian để phát triển. Hai kỹ năng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: thời gian học, lượng nghe, độ sâu của từ vựng. Do đó, sinh viên cần lập kế hoạch học tập khoa học, lựa chọn tài liệu học tập phù hợp, tập trung dành nhiều thời gian nghe tài liệu/thực hành bài nói (có thể lặp lại nhiều lần), kiểm tra, xác minh tính chính xác của tài liệu và sửa các lỗi sai. (2) Chiến lược ảnh hưởng: quản lý cảm xúc, tránh những cảm giác tiêu cực trước sự thất vọng khi không tiếp nhận kiến thức một cách hoàn hảo. (3) Chiến lược xã hội: mạnh dạn lên tiếng nhờ sự hỗ trợ của giảng viên, bạn bè giúp đỡ. Bên cạnh đó, sử dụng một số kỹ năng, “mẹo” trong khi nghe, như: nhận dạng từ, đoán nội dung, đọc môi, ngôn ngữ cơ thể,… Đối với kỹ năng nói, việc thực hành kỹ năng nói thường xuyên cũng giúp sinh viên nhận ra những điểm cần cải thiện của mình trong quá trình học, nâng cao vốn hiểu biết của bản thân. Đồng thời, sinh viên cũng có thể thử shadowing (kỹ thuật nói theo) bằng việc lắng nghe một người bản ngữ nói và bắt chước cách phát âm của họ. Ngoài ra, một cách hay để giúp sinh viên luyện kỹ năng nghe – nói là dùng những phương tiện văn hóa đại chúng. Sử dụng những bài hát, chương trình truyền hình, xem phim, nghe podcast hay sử dụng các ứng dụng học tiếng Anh để rèn luyện kĩ năng nghe - nói,…
Talkshow với chủ đề “Strategies for improving speaking and listening skill” do CLB tiếng Anh – trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức

GV, cùng các anh chị học viên cao học ngành Ngôn ngữ Anh trường Đại học Thủ Dầu Một đã chia sẻ đến sinh viên một số kỹ năng “chiến lược”, phương pháp học hiệu quả, cũng như giúp các bạn sinh viên giải đáp những thắc mắc liên quan đến kinh nghiệm và động lực học tập tiếng Anh
BBT