KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


PGS.TS Phạm Hữu Nghị chia sẻ chủ đề “Quyền con người”

09/09/2020 16:36 — 2339
Nhân chuyến công tác tại các trường đại học phía Nam, PGS.TS Phạm Hữu Nghị– Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật, đã ghé thăm và trao đổi với CBGV- SV chuyên ngành Luật, ngành Quản lý nhà nước về chủ đề “Quyền con người”. 

Sáng 7/9/2020, gần 100 CBGV-GV khoa Khoa học Quản lý đã có dịp lắng nghe, trao đổi với PGS.TS Phạm Hữu Nghị – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật. Bằng kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực nhà nước và pháp luật, PGS.TS Phạm Hữu Nghị đã nêu các nội dung trọng tâm về quyền con người được quy định trong Hiến pháp năm 2013. PGS cho biết, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Hiến pháp năm 2013 gồm 11 chương, 120 điều, riêng chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Chương II từ Điều 14 đến Điều 49 gồm 36/120 điều, là chương chứa đựng nhiều điều nhất và nhiều điểm mới nhất. Tuy nhiên, quyền con người không chỉ được quy định tập trung trong Chương II mà còn là quan điểm, nội dung xuyên suốt trong toàn bộ Hiến pháp năm 2013.

Nhìn ở góc độ khái niệm, PGS nhấn mạnh, quyền con người là quyền của thành viên trong xã hội loài người - quyền của tất cả mọi người. Đó là nhân phẩm, nhu cầu, lợi ích và năng lực của con người được thể chế hoá (ghi nhận) trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Chính vì vậy, quyền con người là tiếng nói chung, mục tiêu chung của xã hội loài người. Pháp luật về quyền con người ghi nhận các tư tưởng và lý luận về quyền con người, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển tự do, nhân phẩm và hạnh phúc của mỗi người, mỗi quốc gia và văn minh nhân loại. Sự ghi nhận các quyền và tự do cơ bản của con người trong Hiến pháp Việt Nam thể hiện quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước Việt Nam: quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển đất nước, vì dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.

Trên cơ sở quy định của pháp luật về quyền con người, PGS Phạm Hữu Nghị cũng chỉ rõ các đặc điểm của quyền con người trong Hiến pháp, là: tình phổ quát, tính đặc thù, tính giai cấp. Từ việc phân tích nội hàm về đặc điểm quyền con người, PGS nhấn mạnh, tại Việt Nam, quyền con người con người được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Bộ tuật tố tụng hình sự, Bộ luật lao động, Luật hôn nhân và gia đình, các luật về bầu cử, Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo... Mặt khác, để bảo vệ quyền con người, Hiến pháp năm 2013 đã đề ra các nguyên tắc chung của pháp luật nhằm thực thi và bảo vệ quyền con người, gồm: (1) Nguyên tắc dân tộc tự quyết - nguyên tắc nền tảng; (2) Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ; (3) Nguyên tắc bình đẳng giới. (4) Nguyên tắc cấm hồi tố.

Cùng với những điểm nhấn mạnh về nội dung quyền con người được nêu trong Hiến pháp năm 2013, PGS khẳng định, nội dung 36 điều của Chương II Hiến pháp năm 2013 đã có thể quán xuyến được hầu hết các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được ghi nhận trong Bộ luật nhân quyền quốc tế (International Bill of Human Rights). “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cao, được đưa lên vị trí trang trọng hàng đầu trong Hiến pháp (Chương II). Đó vừa là kế thừa Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh - Trưởng Ban soạn thảo, vừa thể hiện nhận thức mới, đầy đủ, sâu sắc hơn trong việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về đề cao nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển” – PGS.TS Phạm Hữu Nghị dẫn lời của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Trưởng Ban soạn thảo sửa đổi Hiến pháp.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Hữu Nghị đã có nhiều trao đổi, gợi mở các chủ đề học tập, nghiên cứu về Nhà nước và pháp luật nói chung, quyền con người nói riêng; đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của CBGV-SV về: cơ chế quyền, tính pháp lý, tính hợp hiến, hợp pháp,… xoay quanh nội dung quyền con người được nêu trong Hiến pháp năm 2013.

Kết thúc buổi tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường - ThS. Trần Văn Nam đã trân trọng gửi lời cảm ơn đến PGS.TS Phạm Hữu Nghị đã dành thời gian chia sẻ những nội dung quan trọng về quyền con người. ThS bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới trường ĐH Thủ Dầu Một sẽ nhận được sự hợp tác của PGS.TS Phạm Hữu Nghị trong các hoạt động chia sẻ học thuật, tọa đàm về lĩnh vực Nhà nước và Pháp luật.   

PGS.TS Phạm Hữu Nghị – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nhà nước và Pháp luật trao đổi với CBGV - SV về chủ đề "Quyền con người"

Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của nhiều CBGV-SV khoa KHQL
BBT
 

Bài đăng cùng chủ đề