Chiều ngày 27/3/2025, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức diễn đàn chia sẻ xoay quanh chuyên đề "Chuyển đổi số trong giáo dục đại học – Đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên số", nhằm thảo luận các giải pháp và định hướng chiến lược giúp nhà trường thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả.
Tham dự và chia sẻ về chủ đề "Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kỷ nguyên số của Trường Đại học Thủ Dầu Một" có PGS.TS. Nguyễn Anh Thi – Chuyên gia cấp cao của Trung tâm CMCN 4.0 Việt Nam; TS. Bùi Quốc Anh – Đại học Quốc gia TP.HCM. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có PGS. TS. Lê Tuấn Anh – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và toàn thể cán bộ, giảng viên nhà trường.
Tại chương trình, cán bộ, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một đã lắng nghe PGS.TS. Nguyễn Anh Thi – Chuyên gia cấp cao của Trung tâm CMCN 4.0 Việt Nam chia sẻ về chuyên đề “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kỷ nguyên số của trường Đại học Thủ Dầu Một”. Trao đổi về bối cảnh chuyển đổi số tại nước ta hiện nay, PGS.TS. Nguyễn Anh Thi cho biết, Đề án 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Những văn bản này đã có tác động rất mạnh mẽ đến ngành Giáo dục trong thực hiện chuyển đổi số. Riêng đối với giáo dục đại học, tại Luật 34/2018/QH14 còn đề cập rõ đến việc “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học; kiểm định, đánh giá, quản lý, giám sát và đáp ứng nhu cầu thông tin cho cá nhân, tổ chức có liên quan”. Chính vì vậy, chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục đại học. Quá trình này không chỉ mang lại những thay đổi tích cực mà còn đặt ra nhiều thách thức trong quản lý giáo dục, giảng dạy, học tập, kiểm tra và đánh giá. Trước bối cảnh đó, trường Đại học Thủ Dầu Một cần tiên phong trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào đào tạo và quản trị vận hành, hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trường đại học hàng đầu với mô hình đại học số thành công.
Trao đổi chi tiết về khung chuyển đổi số trong giáo dục đại, PGS.TS Nguyễn Anh Thi cho biết, khung chuyển đổi số trong giáo dục đại học bao gồm ba trụ cột chính: chuyển đổi số trong quản trị, chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập, và chuyển đổi số trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. PGS.TS. Nguyễn Anh Thy nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh kỷ nguyên số, việc triển khai chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ mà còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy, phương pháp quản lý và mô hình đào tạo. Cụ thể: (1) Chuyển đổi số trong công tác quản trị cần áp dụng hệ thống quản lý học tập (LMS), trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để tối ưu hóa quy trình vận hành, quản lý sinh viên, giảng viên và chương trình đào tạo. (2) Đối với hoạt động chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập cần tập trung đẩy mạnh tăng cường mô hình học tập trực tuyến kết hợp trực tiếp (blended learning), sử dụng các nền tảng học tập số để chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang mô hình cá nhân hóa. Giải pháp này giúp sinh viên phát huy khả năng tự học, học tập linh hoạt mọi lúc, mọi nơi. (3) Chuyển đổi số trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo triển khai ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, khai thác dữ liệu lớn phục vụ phân tích và phát triển các sản phẩm khoa học – công nghệ có giá trị thực tiễn.
Qua trao đổi và chia sẻ, PGS.TS Nguyễn Anh Thi đã đề xuất một số định hướng và lộ trình nhằm giúp Trường Đại học Thủ Dầu Một chuyển đổi số thành công, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số và hiện thực hóa mô hình đại học số, thông minh, hạnh phúc. Theo đó, nhà trường cần tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, như: Củng cố hạ tầng công nghệ, đảm bảo hệ thống mạng, máy chủ, bảo mật dữ liệu và các nền tảng số hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu; Phát triển năng lực số cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ trong giảng dạy và quản lý; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giáo dục bằng việc hoàn thiện và nâng cấp hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để tối ưu hóa trải nghiệm dạy và học; xây dựng kho học liệu số phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận, hỗ trợ người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi; đổi mới phương pháp giảng dạy trên môi trường số theo hướng tăng cường tính tương tác, cá nhân hóa lộ trình học tập; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hỗ trợ giảng dạy, đánh giá kết quả học tập và tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên; Ứng dụng các hệ thống quản lý thông minh để nâng cao hiệu quả điều hành, tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch; Xây dựng hệ sinh thái số toàn diện nhằm phát triển hệ thống hỗ trợ sinh viên, cổng thông tin số kết nối doanh nghiệp, thư viện số và các nền tảng nghiên cứu khoa học mở. "Với lộ trình chiến lược và giải pháp đồng bộ, trường Đại học Thủ Dầu Một không chỉ bắt kịp xu hướng chuyển đổi số mà còn hướng đến xây dựng một môi trường học thuật tiên tiến, thông minh và hạnh phúc" - PGS. TS Nguyễn Anh Thi khẳng định.
Phát biểu tại chương trình, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng đã bày tỏ sự trân trọng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS.TS. Nguyễn Anh Thi vì những chia sẻ quý báu. Những ý kiến đóng góp của các chuyên gia không chỉ giúp nhà trường định hướng rõ ràng hơn trong quá trình chuyển đổi số mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển mô hình đại học số, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. TS. Đoàn Ngọc Xuân cũng khẳng định, chuyển đổi số là một nhiệm vụ đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng từ toàn thể đội ngũ nhà trường. Tuy nhiên, với quyết tâm cao, Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ chủ động nâng cao năng lực nội tại, thích ứng linh hoạt với thị trường đào tạo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và tận dụng tối đa các cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, hướng tới một môi trường giáo dục hiện đại, thông minh và bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, TS. Bùi Quốc Anh đã giới thiệu về ứng dụng AI nhằm hỗ trợ cho công tác tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Thủ Dầu Một. Giải pháp này giúp cá nhân hóa trải nghiệm của thí sinh, cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác về ngành học, chương trình đào tạo, cơ hội nghề nghiệp và chính sách tuyển sinh. Đồng thời, AI còn hỗ trợ phân tích dữ liệu, dự đoán xu hướng lựa chọn ngành học, từ đó giúp nhà trường xây dựng chiến lược tuyển sinh hiệu quả, nâng cao chất lượng đầu vào và tối ưu hóa quy trình hỗ trợ thí sinh.
Chiều ngày 27/3/2025, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức diễn đàn chia sẻ xoay quanh chuyên đề “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kỷ nguyên số của trường Đại học Thủ Dầu Một”
.JPG)
PGS.TS. Nguyễn Anh Thi – Chuyên gia cấp cao của Trung tâm CMCN 4.0 Việt Nam chia sẻ về chuyên đề “Chuyển đổi số trong giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu phát triển kỷ nguyên số của trường Đại học Thủ Dầu Một"

TS. Bùi Quốc Anh đã giới thiệu về ứng dụng AI nhằm hỗ trợ cho công tác tư vấn tuyển sinh tại trường Đại học Thủ Dầu Một

TS. Nguyễn Minh Giám - Giảng viên khoa Sư phạm phát biểu trao đổi về nội dung ứng dụng công nghệ trí tuệ AI trong dạy và học
.JPG)
Phát biểu tại chương trình, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng đã bày tỏ sự trân trọng và gửi lời cảm ơn sâu sắc đến PGS.TS. Nguyễn Anh Thy vì những chia sẻ quý báu
BBT