Ngày 18/01/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo ngành Công nghệ dược phẩm, mã ngành 7720202.
Buổi họp thẩm định diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp với sự tham gia của các Giáo sư, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực dược học gồm: GS.TS Nguyễn Hải Nam – Hiệu trưởng trường Đại học Dược Hà Nội làm Chủ tịch hội đồng; GS.TS Nguyễn Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội – Phản biện 1; GS.TS Nguyễn Thị Hoài – Trưởng khoa Dược, trường Đại học Y Dược – Đại học Huế - Phản biện 2; BSCK2 Dưỡng Tấn Tài – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương - Ủy viên; TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – trường Đại học Thủ Dầu Một - Ủy viên thư ký. Tại điểm cầu phía trường Đại học Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Nguyễn Quốc Cường - Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, cùng cán bộ, giảng viên khoa Y dược.
Thay mặt Tổ đề án xây dựng CTĐT ngành Công nghệ dược phẩm, TS.BS. Lê Thị Thùy Dung - Phụ trách khoa Y dược trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, tháng 6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học. Trong đó, khối ngành đào tạo Dược có ngành Công nghệ dược phẩm là ngành học đầu tiên được Bộ Giáo dục thí điểm đưa vào tuyển sinh đào tạo. Nắm bắt xu hướng phát triển của ngành Công nghệ dược phẩm tại Việt Nam, đặc biệt là thế mạnh của tỉnh Bình Dương "Thủ phủ công nghiệp" của cả nước, trong đó ngành sản xuất dược phẩm và bào chế thuốc là một trong ngành được tỉnh quan tâm đầu tư phát triển. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển quy mô đào tạo khối ngành Y dược, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tiên phong trong khối trường đại học đào tạo ngành Y dược trong cả nước chuẩn bị các đầy đủ các tiêu chí, hoàn thiện hồ sơ mở mã ngành Công nghệ dược phẩm để trình Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép. Thuyết minh về mục tiêu CTĐT, TS.BS Lê Thị Thùy Dung mục tiêu CTĐT nhằm đào tạo đội ngũ nhân lực có trình độ cao về lý thuyết và vững về thực hành, có khả năng nhận định và giải quyết các vấn đề kỹ thuật, khoa học trong lĩnh vực Công nghệ dược phẩm, các cử nhân Công nghệ dược phẩm sau tốt nghiệp có thể làm việc trí trong các cơ quan nhà nước liên quan đến công nghệ dược; làm việc tại các viện nghiên cứu trong lĩnh vực y dược với tư cách là cán bộ nghiên cứu hoặc kỹ thuật viên; công tác tại các công ty doanh nghiệp lĩnh vực dược với tư cách cán bộ nghiên cứu phát triển, cán bộ quản lý sản xuất, nhân viên kinh doanh; tham gia giảng dạy tại các trường cao đẳng, đại học, trung cấp nghề chuyên nghiệp trên khắp cả nước. Đồng thời, người học có thể tiếp tục tham gia các chương trình đào tạo chuyên ngành sau đại học (Thạc sĩ, Tiến sĩ) hoặc các chương trình đào tạo đại học, sau đại học khác tương đương. Đồng thời, TS. BS Lê Thị Thùy Dung đã dành thời gian trình bày trước Hội đồng thẩm định về cấu trúc CTĐT, thời lượng CTĐT, chuẩn đầu ra CTĐT, đề cương chi tiết của học phần môn học,…
Tại buổi họp, các thành viên hội đồng thẩm định thống nhất đánh giá cao CTĐT ngành Công nghệ dược phẩm đảm bảo các yêu cầu về căn cứ xây dựng, cấu trúc, nội dung, đề cương chi tiết của các học phần, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của ngành. Đồng thời, Hội đồng thẩm định cũng nêu những góp ý, gợi ý với ban soạn thảo những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện CTĐT. Kết luận tại buổi thẩm định, thay mặt Hội đồng thẩm định GS.TS Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch hội đồng đánh giá cao sự chiến lược phát triển các ngành đào tạo khối ngành Y dược của trường Đại học Thủ Dầu Một. Đặc biệt là sự tâm huyết của đội ngũ giảng viên trong việc nỗ lực xây dựng Chương trình đào tạo ngành ngành Công nghệ Dược phẩm. CTĐT được chuẩn bị cẩn thận, chu đáo với đầy đủ các tiêu chuẩn, đúng với các điều kiện quy định đào tạo. Hội đồng thẩm định thống nhất ý kiến đề cương học phần của chương trình đào tạo ngành ngành ngành Công nghệ dược phẩm, mã ngành 7720202 của trường Đại học Thủ Dầu Một về cơ bản đảm bảo yêu cầu, chất lượng để thực hiện chương trình đào tạo trình độ đại học.
Buổi họp thẩm định diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp do GS.TS Nguyễn Hải Nam – trường Đại học Y Dược Hà Nội làm Chủ tịch hội đồng
Tại điểm cầu phía trường Đại học Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, cùng cán bộ, giảng viên khoa Y dược
BBT