Từ ngày 11/01 đến ngày 12/01/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức khóa tập huấn về “Xây dựng ngân hàng câu hỏi/ngân hàng đề kiểm tra đáp ứng chuẩn đầu ra” dành cho cán bộ, giảng viên các đơn vị thuộc, trực thuộc có chức năng đào tạo.
Khóa tập huấn có sự tham dự của TS Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng, TS Ngô Hồng Điệp - Phó Hiệu trưởng, cùng hơn 300 CB-GV các đơn vị thuộc, trực thuộc có chức năng đào tạo. Về phía chuyên gia đào tạo có PGS.TS. NGƯT Đinh Thành Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Á.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một nhấn mạnh, công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi/ngân hàng đề kiểm tra (NHCH/NHĐKT) chất lượng cao sẽ góp phần đảm bảo tính khách quan và đáng tin cậy trong quá trình đánh giá năng lực người học. Đây không chỉ là yếu tố quan trọng trong đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập, phản ánh chính xác hiệu quả dạy - học mà còn cải tiến và nâng cao chất lượng chất lượng đào tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới giáo dục hiện nay. Với quyết tâm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, TS Đoàn Ngọc Xuân chỉ đạo “tháng 02/2025 triển khai kế hoạch biên soạn NHCH/NHĐKT, đến tháng 08/2025 sẽ nghiệm thu và học kỳ 1 năm học 2025-2026 triển khai đánh giá học phần”. Để thực hiện đúng lộ trình, mục tiêu kế hoạch, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề nghị, tất cả CB-GV tham gia khóa tập huấn nghiêm túc đầy đủ, tích cực trao đổi nhiều ý kiến, chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để buổi tập huấn diễn ra thành công tốt đẹp. Qua đó, áp dụng những kiến thức, kỹ năng trở thành công cụ hữu ích để hoàn thành kế hoạch đề ra về vận hành NHCH/NHĐKT trong đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra học phần (CLO) và chuẩn đầu ra CTĐT (PLO), đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khảo thí, kiểm định và đảm bảo chất lượng.
Trực tiếp hướng dẫn khóa tập huấn, PGS.TS Đinh Thành Việt cho biết mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên về xây dựng, thiết kế NHCH/NHĐKT đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, chuyên gia tập trung vào các nội dung: Các nguyên tắc, kỹ thuật xây dựng và thiết kế NHCH/NHĐKT với các tiêu chí đáp ứng các CLO và PLO; Các quy trình, phương pháp soạn thảo và đánh giá câu hỏi đảm bảo tính phân hóa cao của câu hỏi, phù hợp với đối tượng sinh viên, với các mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra; Hướng dẫn chuyên sâu về công tác quản lý và triển khai đánh giá bằng NHCH/NHĐKT. Bên cạnh đó, PGS.TS Đinh Thành Việt cũng hướng dẫn các cán bộ giảng viên sử dụng các công cụ công nghệ hiện đại để nâng cao tính chính xác và hiệu quả trong công tác này. Chuyên gia nhấn mạnh các nguyên tắc, kỹ thuật soạn NHCH/NHĐKT với các loại câu hỏi, các cấp độ khác nhau, phải dựa vào thang Bloom taxonomy để đo lường mức độ đạt các CLO. Đây không chỉ là một yêu cầu bắt buộc trong đào tạo hiện đại, mà còn là công cụ đặc biệt quan trọng giúp Nhà trường đánh giá được chính xác mức độ đạt chuẩn đầu ra của sinh viên.
Trong chương trình tập huấn, CB-GV đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn và vướng mắc trong quá trình thiết kế NHCH/NHĐKT, đặc biệt là việc xây dựng ngân hàng đề thi đáp ứng các CLO. Việc thực hành, chỉnh sửa, phân tích ngân hàng đề thi với các loại câu hỏi khác nhau (trắc nghiệm, tự luận, vấn đáp, …) đã giúp giảng viên thành thạo hơn cách xây dựng câu hỏi phù hợp với các CLO và đảm bảo tính khoa học, tính giá trị, độ tin cậy, công bằng, khách quan trong đánh giá.
TS Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác NHCH/NHĐKT đáp ứng chuẩn đầu ra
PSG.TS Đinh Thành Việt trình bày các nguyên tắc, cách thức xây dựng NHCH/NHĐKT
Giảng viên Viện Kỹ thuật công nghệ tham gia phát biểu tại buổi tập huấn
Sau khóa thập huấn, CB-GV sẽ áp dụng những kiến thức, kỹ năng trở thành công cụ hữu ích để hoàn thành kế hoạch đề ra về vận hành NHCH/NHĐKT
Tin: Đinh Yến, Ảnh: BBT