Góp phần nâng cao năng lực của giảng viên trong việc xây dựng, thiết kế, cải tiến chuẩn đầu ra chương trình đào tạo (CTĐT), đề cương chi tiết (ĐCCT); thiết kế phương pháp giảng dạy và đánh giá học phần tương thích với chuẩn đầu ra CTĐT; nâng cao năng lực đo lường kết quả học tập của người học và đo lường chuẩn đầu ra của CTĐT, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực xây dựng và phát triển chương trình đào tạo gắn với mô hình Đại học Số - Thông minh - Hạnh phúc”.
Khóa tập huấn diễn ra trong hai ngày, từ ngày 02/11 đến ngày 03/11/2024. Tham dự buổi tập huấn có TS. Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng, lãnh đạo, giảng viên thuộc đơn vị có chức năng đào tạo. Về phía chuyên gia đào tạo có PGS. TS. NGƯT. Đinh Thành Việt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Đông Á.
Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng nhấn mạnh, trên cơ sở dự báo những biến động của thị trường lao động, sẽ có thêm nhiều ngành học mới được mở nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội. Từ những thay đổi về nhu cầu của các doanh nghiệp/nhà tuyển dụng và yêu cầu khắt khe của các ngành nghề mới, TS. Đoàn Ngọc Xuân cho rằng, việc thay đổi phương pháp giảng dạy, xây dựng thêm các chương trình đào tạo mới, cải tiến những chương trình đào tạo hiện hữu là một yêu cầu bắt buộc, phục vụ cho sự phát triển không chỉ của các ngành đào tạo, mà còn tạo nền tảng để nhà trường thúc đẩy chiến lược xây dựng và phát triển CTĐT theo mô hình phát triển đại học số - thông minh - hạnh phúc. Để khóa học đạt hiệu quả cao, TS. Đoàn Ngọc Xuân đề nghị, CB-GV tham gia khóa học nghiêm túc đầy đủ, tích cực trang bị, trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp về xây dựng, thiết kế CTĐT, và xây dựng các học phần. Từ đó, vận dụng linh hoạt các kiến thức của chương trình tập huấn vào thực tiễn công tác đào tạo, góp phần nâng cao kỹ năng giảng dạy, cải tiến các phương pháp đánh giá, và tạo ra được những CTĐT phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động hiện nay.
Chia sẻ về mục tiêu của khóa tập huấn, PGS.TS. NGƯT. Đinh Thành Việt cho biết, nội dung và mục tiêu chính của chương trình tập huấn là để nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên trong việc xây dựng, thiết kế và vận hành các học phần và CTĐT. Đặc biệt là nâng cao năng lực xây dựng đo lường đánh giá chuẩn đầu ra học phần, làm bước đệm quan trọng để hỗ trợ đắc lực cho việc đo lường đánh giá chuẩn đầu ra CTĐT. Đồng thời, đây còn là công tác giúp nhà trường rà soát, hoàn thiện hoạt động tự đánh giá chất lượng CTĐT để đáp ứng yêu cầu của các Bộ tiêu chuẩn kiểm định. Triển khai các nội dung của chương trình tập huấn, PGS. TS. Đinh Thành Việt đã trao đổi với cán bộ, giảng viên trường Đại học Thủ Dầu Một về nội dung cải tiến các CTĐT. Cụ thể, chuyên gia Đinh Thành Việt đã giới thiệu về các nguyên tắc thiết kế, cải tiến và phát triển CTĐT; Hướng dẫn xây dựng đề thi gắn kết với chuẩn đầu ra học phần, thiết kế các bài thi/kiểm tra đánh giá học phần đáp ứng chuẩn đầu ra; Phương pháp đánh giá mức đạt các chuẩn đầu ra của CTĐT (PLO) đối với từng người học; Xác định các điểm thành phần dùng để đo lường đánh giá mức đạt PLO của các học phần cốt lõi, xây dựng báo cáo dữ liệu để đánh giá mức đạt PLO; Quy trình đo lường đánh giá mức đạt PLO; Xây dựng kế hoạch đánh giá mức độ người học đạt được các PLO; Phân tích kết quả đo lường đánh giá mức đạt PLO và đề xuất cải tiến PLO và học phần; Các lưu ý khi xây dựng đề cương học phần (CLO); Nguyên tắc viết chuẩn đầu ra học phần (LLO);…
Trong khuôn khổ các hoạt động của khóa tập huấn, chuyên gia Đinh Thành Việt đã dành thời gian trao đổi, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của giảng viên trong quá trình thực hiện đánh giá mức đạt PLO, các lưu ý khi xây dựng chuẩn đầu ra của học phần (CLO) trong đề cương học phần, các giải pháp cải tiến CTĐT đáp ứng theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục,… Đồng thời, các giảng viên tham gia nghiên cứu tài liệu, thực hiện các bài tập thực hành về xây dựng kế hoạch đánh giá các PLO theo phương pháp trực tiếp và gián tiến; cách xây dựng các báo cáo kết quả đạt CLO, PLO…
BBT