Ngày 05/10/2024, Viện Đào tạo Công nghệ Thông tin và Chuyển đổi số (Viện CNTT và CĐS) trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức buổi tọa đàm với doanh nghiệp và cựu sinh viên.
Chương trình có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp công nghệ, như: TMA Solutions, Oryza Systems, Datahouse, Arena, giảng viên và sinh viên của Viện. Dự chương trình còn có cựu sinh viên đang làm việc tại các doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, các tỉnh thành Đông Nam Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Bùi Thanh Khiết - Phụ trách Viện CNTT và CĐS đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên tục cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn từ thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Đảm bảo sinh viên được trang bị đầy đủ kỹ năng thực tiễn và sẵn sàng tham gia thị trường lao động ngay sau khi tốt nghiệp. “Buổi tọa đàm không chỉ là dịp để giảng viên và doanh nghiệp cùng trao đổi về xu hướng công nghệ mới mà còn mở ra những thảo luận về các giải pháp giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Việc hợp tác chặt chẽ này tạo nền tảng vững chắc giúp Viện tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy, đồng thời tạo ra những cơ hội phát triển kỹ năng thiết thực cho sinh viên” – TS. Bùi Thanh Khiết bày tỏ.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Bình - Giám đốc Công ty Arena vui mừng bày tỏ việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường không chỉ giúp sinh viên chuẩn bị tốt hơn cho nghề nghiệp mà còn mở ra cơ hội hợp tác phát triển giữa hai bên. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhà trường trong việc xây dựng các chương trình thực tiễn, giúp sinh viên nhanh chóng bắt nhịp với công việc” – ông Lê Thanh Bình nhấn mạnh. Để đào tạo kỹ sư CNTT đáp ứng xu thế phát triển của thời đại công nghệ số, ông Lê Thành Hiếu - Giám đốc khối Sản phẩm của Oryza Systems cho rằng, chương trình đào tạo của nhà trường cần bổ sung các kiến thức về công nghệ hiện đại như React, Flutter và Angular để đáp ứng tốt yêu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Lê Thanh Phong - Delivery Director - Công ty TMA Solutions, đã chia sẻ về xu hướng phát triển phần mềm trong lĩnh vực y tế và IoT, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng tiếng Anh và khả năng sử dụng các công cụ AI trong công việc.
Mang đến những góc nhìn thực tế về thị trường lao động. Anh Phạm Tiến Thành – Cựu sinh viên ngành CNTT hiện là Project Manager tại TMA Solutions, nhấn mạnh rằng ngoài kỹ năng lập trình, sinh viên cần phát triển kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Anh đề xuất nhà trường tổ chức thêm các buổi seminar về công nghệ mới, nơi sinh viên có thể tham gia mini-project và thuyết trình. Anh cũng khuyến khích sinh viên học các framework phổ biến như React, Angular, và các công nghệ back-end như C# và PHP, đồng thời cải thiện tiếng Anh từ năm đầu.
Anh Nguyễn Vũ Linh đến từ CyberLogitec Việt Nam, cho rằng tiếng Anh là công cụ quan trọng để sinh viên giao tiếp và hợp tác với đối tác quốc tế. Anh Vũ Linh dành lời khuyên sinh viên, đó là cần mở rộng tư duy và nâng cao kỹ năng giao tiếp để sẵn sàng làm việc trong môi trường toàn cầu. Đồng quan điểm, chị Tô Thị Kim Ngân, TMA Solutions, bổ sung rằng sinh viên nên nắm vững kiến thức chuyên ngành, nhưng cũng cần cải thiện tiếng Anh và tiếp cận các framework mới để tăng cơ hội thực tập và việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, chị Trần Thị Quỳnh Nga, FPT Software, khuyến nghị sinh viên học tiếng Anh qua các trải nghiệm thực tế như tham gia phỏng vấn, đồng thời sinh viên cần sẵn sàng học hỏi nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau, không chỉ giới hạn ở ngôn ngữ đã học.
Tại buổi tọa đàm, nhiều cựu sinh viên khác cũng đồng tình rằng việc kết hợp giữa học tập và tham gia các dự án thực tế từ sớm sẽ giúp sinh viên hiểu rõ hơn về giá trị của kiến thức đã học. Họ khuyến nghị nhà trường nên tổ chức thêm nhiều cuộc thi và hội thảo chuyên đề (seminar) để sinh viên có nhiều cơ hội phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng giải quyết vấn đề một cách linh hoạt.
Thông qua buổi tọa đàm, doanh nghiệp, nhà tuyển dụng và cựu sinh viên cũng đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo. Ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu của đại biểu, Viện CNTT và CĐS dự kiến sẽ điều chỉnh cấu trúc chương trình học, tích hợp các chuyên đề nhỏ và tổ chức thêm các cuộc thi như Hackathon, cuộc thi học thuật để sinh viên có cơ hội thử sức, học hỏi từ thực tiễn và tăng cường kết nối với cựu sinh viên. Các doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp tục đồng hành cùng nhà trường trong việc hỗ trợ sinh viên thực tập và phát triển sự nghiệp.
Chương trình có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp công nghệ, như: TMA Solutions, Oryza Systems, Datahouse, Arena, giảng viên, cựu sinh viên và sinh viên ngành CNTT
TS. Bùi Thanh Khiết - Phụ trách Viện CNTT và CĐS phát biểu trân trọng cảm ơn sự tham dự của doanh nghiệp, cựu sinh viên; đồng thời nêu bật ý nghĩa của tọa đàm
Ông Lê Thanh Phong - Delivery Director - Công ty TMA Solutions phát biểu tại chương trình tọa đàm
Tin: Viện Đào tạo CNTT và CĐS; Ảnh: BBT