Điểm nổi bật của khóa học là giảng viên được tiếp nhận kiến thức, phương pháp về giảng dạy khởi nghiệp kinh doanh, lập kế hoạch giảng dạy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo phương pháp trải nghiệp (CEFE), ứng dụng công cụ tư duy thiết kế (design thinking) trong giảng dạy khởi nghiệp và các học phần liên quan,…
Sáng ngày13/8/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn giảng dạy chương trình khởi nghiệp cho sinh viên. Tham dự khai giảng khóa học, về phía Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam có bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, ông Mai Hữu Tài – Phó Ban Cố vấn doanh nghiệp và kết nối đầu tư Hội đồng, cùng các thành viên. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, ThS. Phạm Thanh Dũng – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp, ThS. Trương Thị Thủy Tiên - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Hợp tác doanh nghiệp và khởi nghiệp, cùng hơn 40 giảng viên tham gia khóa đào tạo.
Phát biểu khai giảng khóa học, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, khóa đào tạo được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cao năng lực dành cho cán bộ, giảng viên trong công tác tham gia giảng dạy, cố vấn khởi nghiệp. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ chuyên môn vững mạnh, tăng cường tính hiệu quả trong giáo dục nghề nghiệp dành cho sinh viên. Để khóa học đạt hiệu quả cao, TS. Ngô Hồng Điệp đề nghị, các giảng viên tham gia khóa học nghiêm túc đầy đủ, tích cực trang bị, trau dồi kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm tạo nền tảng chuyên môn sâu để tham gia giảng dạy, cố vấn cho dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp,… đóng góp các giá trị trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của toàn trường.
Khóa đào tạo diễn ra trong bốn ngày (ngày 13,14,15 và 16/8/2024) do diễn giả là các chuyên gia, doanh nhân thuộc Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam giảng dạy. Tham gia khóa tập huấn các học viên sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng như: nhận thức về kinh doanh, sự khác biệt giữa khởi nghiệp truyền thống và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kỹ nâng giảng dạy theo phương pháp trải nghiệm (CEFE); khám phá tố chất kinh doanh; lập kế hoạch đào tạo; hướng dẫn viết thuyết minh bản kế hoạch kinh doanh; xây dựng chiến lược, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, mục tiêu, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp; các kế hoạch tổ chức vận hành;...
Hoàn thành khóa học, giảng viên được trường Đại học Thủ Dầu Một và Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam cấp chứng chỉ giảng dạy chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam tổ chức khóa đào tạo giảng viên nguồn giảng dạy chương trình khởi nghiệp cho sinh viên
TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, khóa đào tạo được tổ chức nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nâng cao năng lực dành cho cán bộ, giảng viên trong công tác tham gia giảng dạy, cố vấn khởi nghiệp
Bà Nguyễn Thị Thủy – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam giới thiệu các nội dung của khóa học
Diễn ra trong bốn ngày (ngày 13,14,15 và 16/8/2024), khi hoàn thành khóa học, giảng viên được trường Đại học Thủ Dầu Một và Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam cấp chứng chỉ giảng dạy chương trình khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
BBT