TIN TỨC

Từ phòng thí nghiệm đến sản phẩm hữu cơ

20/10/2023 13:52 — 1035
Để tạo ra sản phẩm chất lượng có nguồn gốc hữu cơ, nâng cao giá trị thương mại, cần có vai trò của nhà nghiên cứu. Những thành quả của Viện Phát triển ứng dụng là một ví dụ.
 
Gia đình anh Vương Văn Minh ở phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, mỗi năm trồng 2 mùa nấm linh chi đỏ trên diện tích hơn 300 m2; mỗi mùa trồng nhiều nhất 20.000 phôi nấm. Bình quân, gia đình anh thu về khoảng 200-300 triệu đồng/năm sau khi trừ hết chi phí đầu tư. Ngoài ra, sau khi thu hoạch nấm linh chi, gia đình còn tận dụng các giá thể để lên men làm nấm rơm. Số nấm rơm này đã cho gia đình anh thu hoạch mỗi ngày được 1 triệu đồng. Sau khi thu hoạch nấm rơm, phần các giá thể còn lại được anh tận dụng làm phân vi sinh bán cho các chủ vườn trồng cây bon sai, cây cảnh.

Từ chủ trương nghiên cứu ứng dụng

Gia đình anh Minh là một trong những nông dân đã hợp tác với Viện Phát triển ứng dụng (PTƯD), Trường Đại học Thủ Dầu Một (trường công lập trực thuộc UBND tỉnh Bình Dương) để được chuyển giao công nghệ trồng nấm linh chi đỏ và nấm rơm.

TS Ngô Hồng Điệp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết hiện nay, Viện PTƯD (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm; hoạt động từ năm 2016, chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nhằm mang lại lợi ích và giá trị cộng đồng) chủ yếu nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội địa phương, khu vực và cả nước; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao các cấp; tổ chức thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao mở rộng quy mô cho cá nhân tổ chức có nhu cầu; hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh hoạt động chuyển giao và sản xuất thực nghiệm…

Các sản phẩm được viện thực hiện bắt nguồn từ nhu cầu tạo ra các sản phẩm chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Thế mạnh hiện có của đơn vị là các nhóm nghiên cứu liên quan đến công nghiệp dược như nghiên cứu dược liệu mới, chủ yếu là họ trà, gừng, các họ cây thuốc; nghiên cứu hoạt tính sinh học (kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus) của chiết xuất dược liệu tự nhiên; nghiên cứu công dụng chuyển hóa của dược liệu Việt Nam (trong hỗ trợ điều trị các bệnh tiểu đường, mỡ máu, tái tạo phục hồi…); công nghệ sản xuất nấm dược liệu và dược liệu tạo chiết xuất ứng dụng trong công nghiệp dược và mỹ phẩm, thực phẩm chức năng; công nghệ lên men từ dược liệu và vi sinh tạo chế phẩm nguyên liệu dược; công nghệ sản xuất nguyên liệu và sản phẩm sức khỏe và chiết xuất dược liệu từ thực vật và nấm; công nghệ vật liệu nano trong dẫn truyền và tải thuốc trúng đích (ức chế tế bào ung thư)…

Linh hồn của viện này phải kể đến TS Nguyễn Thị Liên Thương, Giám đốc Viện PTƯD. Sinh ra và lớn lên tại Bình Dương nên sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ công nghệ sinh học từ học bổng toàn phần của Chính phủ Hàn Quốc chuyên ngành công nghệ sinh học môi trường, chị chọn trở về công tác, giảng dạy tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. TS Thương đã thành công khi nghiên cứu các loại nấm dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao.

Theo TS Thương, cơ duyên để nghiên cứu các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ là bắt nguồn từ nhu cầu tạo ra các sản phẩm sức khỏe chất lượng và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tăng khả năng thương mại cho sản phẩm ở các phân khúc thị trường khó tính trong và ngoài nước. "Để thực hiện, cần chuẩn hóa từ khâu nuôi trồng nguyên liệu (nấm dược liệu/cây dược liệu) theo hướng hữu cơ bằng các công nghệ và phương pháp kiểm soát chất lượng sinh học, công nghệ chế biến sau thu hoạch phù hợp" - TS Thương cho hay.

Dấu ấn chuyển giao công nghệ

Thời gian qua, viện đã và đang hợp tác chuyển giao với nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất cá nhân trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc sức khỏe, công nghệ sản xuất nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao, tốt cho sức khỏe.

Đơn cử như các sản phẩm cao được chiết xuất từ nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi hợp tác với Công ty CP MHD Inocare; quy trình nuôi trồng các loại nấm dược liệu và nấm ăn hợp tác với Công ty CP Dược phẩm Khang Minh…

Theo TS Nguyễn Thị Liên Thương, hoạt động chuyển giao công nghệ của viện tập trung vào hướng công nghệ chế biến để nâng chuỗi giá trị nông sản. Tiêu biểu như việc viện này đã nghiên cứu thành công công nghệ chế biến trà, hợp tác với Công ty Trà Biển Hồ ứng dụng sản xuất 600 ha tại Gia Lai. Đây là dự án được đánh giá thành công, đưa vào ứng dụng sản xuất mang lại giá trị kinh tế.

TS Nguyễn Thị Liên Thương cho rằng sau khi viện chuyển giao kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ đưa vào ứng dụng ngay trên dây chuyền sản xuất. Ngoài việc chuyển giao các quy trình công nghệ, viện này còn tư vấn nghiên cứu về bố trí dây chuyền sản xuất phù hợp với nhà máy, phối hợp với doanh nghiệp nghiên cứu sâu hơn về các sản phẩm.

"Hiện, ngoài trà đen đang phục vụ ngành thực phẩm, viện đang nghiên cứu sâu hơn các công nghệ kế tiếp như chế suất lên men trà đen để có những giá trị tốt hơn. Viện cũng đang hướng đến tạo sự kết nối, xây dựng chuỗi khép kín liên tục thành hệ sinh thái, mang lại lợi ích chung cho cộng đồng" - TS Thương tâm đắc. 

Đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ

Kết quả nghiên cứu và chuyển giao của viện theo định hướng của nhà trường đã tạo được niềm tin với doanh nghiệp và người tiêu dùng, khẳng định định hướng đúng đắn của trường trong hỗ trợ phát triển ứng dụng. Thời gian qua, viện đã ký kết MOU với Công ty TNHH Sơn Hoa Việt, Công ty CP Công nghệ cao PT, Trường THCS-THPT Khai Minh, Khoa Agro-Industry - Trường Đại học Chiang Mai (Thái Lan); hợp tác với các doanh nghiệp: Công ty CP Công nghệ sinh học Cây giống Việt Nam, Công ty CP Công nghệ sinh học TPECO, Công ty TNHH Thương mại Sản xuất Thực phẩm Phú Mỹ A, Công ty TNHH Vương Ngọc Vegan... để hợp tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ.

TS Nguyễn Thị Liên Thương giới thiệu với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về các sản phẩm của Viện Phát triển ứng dụng, trưng bày tại triển lãm Kết nối cung cầu Đông Nam Bộ, tổ chức tại Bình Dương

Nghiên cứu công nghệ nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Viện Phát triển ứng dụng
Tin, bài: Nguyên Thảo
(Bài viết được trích từ Báo Người Lao động, cập nhật ngày 20/10/2023: Từ phòng thí nghiệm đến sản phẩm hữu cơ - Báo Người lao động (nld.com.vn)
 
 
 

Bài đăng cùng chủ đề

Phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng xanh, bền vững cho tỉnh Bình Dương 16/11/2024 9:53:57 PM — 219
Góp phần đóng góp các định hướng, giải pháp công nghệ giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới phát triển bền vững nền nông nghiệp Bình Dương, sáng ngày 16/11/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Phát triển nông nghiệp thông minh theo hướng xanh, bền vững cho tỉnh Bình Dương.
AI – Cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học 16/11/2024 6:56:21 PM — 257
Là diễn đàn khoa học do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức nhằm trao đổi, gợi mở định hướng nghiên cứu về AI cùng những cơ hội và thách thức trong đổi mới giáo dục đại học, đặc biệt là chia sẻ các giải pháp nhằm khai thác những cơ hội mà AI mang lại đáp ứng sự phát triển của giáo dục đại học, nhất là trong giáo dục đào tạo ngành luật của các trường đại học hiện nay.
Khai mạc Chuỗi sự kiện khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo TDMU năm 2024 16/11/2024 4:34:50 PM — 297
Sáng ngày 16/11/2024, tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra nhiều sự kiện hội thảo, tọa đàm, triển lãm về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nông nghiệp, sản xuất thông minh, công nghệ xanh, ký kết với các đối tác doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và chuyển giao tri thức,…
Tổ chức thành công hội thảo quốc tế “Tài nguyên và môi trường bền vững hướng tới thành phố thông minh” lần thứ XIV 15/11/2024 5:25:28 PM — 407
Ngày 15/11/2024, tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra hội thảo khoa học Quốc tế Quản lý và Công nghệ xanh IFGTM lần thứ XIV - năm 2024 với chủ đề “Tài nguyên và môi trường bền vững hướng tới thành phố thông minh”. Hội thảo do trường Đại học Thủ Dầu Một và Mạng lưới Nghiên cứu Quản lý và Công nghệ xanh (CGTMR) phối hợp tổ chức.
Nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế 13/11/2024 2:46:26 PM — 339
Sáng ngày 13/11/2024, trường Kinh tế tài chính thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức thành công tọa đàm khoa học với chủ đề “Nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế”.
Tọa đàm khoa học “Phương pháp tư liệu và nghiên cứu khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc” 30/10/2024 6:05:38 PM — 1096
Sáng ngày 30/10/2024, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng Đông Nam Bộ trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Phương pháp tư liệu và nghiên cứu khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”.
Nghiệm thu thành công đề tài cấp Quốc gia “Nghiên cứu công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học làm giấy bao gói thực phẩm từ nước quả dừa khô” 15/10/2024 4:05:07 PM — 1218
Đề tài cấp Quốc gia ĐTĐL.CN – 15/19: “Nghiên cứu công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học làm giấy bao gói thực phẩm từ nước quả dừa khô” do PGS.TS Hoàng Xuân Niên làm chủ nhiệm, trường Đại học Thủ Dầu Một đơn vị chủ trì đề tài đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu thành công.
Sinh hoạt học thuật “Nghiệp vụ Logistics trong xuất - nhập khẩu” 14/10/2024 9:31:11 AM — 2183
Giúp giảng viên và sinh viên tìm hiểu các quy trình xử lý hàng hóa thực tế tại các Cảng cạn và Cảng thủy nội địa, ngày 12/10/2024, Khoa Logistics và Quản lý công nghiệp thuộc trường Kinh tế Tài chính đã tổ chức buổi sinh hoạt học thuật với chủ đề: “Nghiệp vụ Logistics trong xuất - nhập khẩu”.
Hội thảo "Trách nhiệm của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững" 08/10/2024 4:22:16 PM — 1175
Ngày 08/10/2024, tại Trung tâm Hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương, Báo Thanh Niên phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững”.
Công nghệ sinh học và nông nghiệp thông minh 05/10/2024 8:34:21 PM — 1363
Chủ đề tọa đàm là diễn đàn để các nhà quản lý và khoa học trao đổi, thảo luận, công bố các nghiên cứu ứng dụng mới về công nghệ sinh học và nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh chuyển đổi số.