Ngày 22/04/2014, PGS.TS. Hà Minh Hồng đã có buổi báo cáo chuyên đề về “Điện Biên Phủ và Trí Tuệ Việt Nam” tại Trường Đại học Thủ Dầu Một. PGS đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về Chiến dịch Điên Biên Phủ và sức mạnh triệt để của trí tuệ Việt Nam khi làm nên chiến thắng lừng lẫy địa cầu. Chiến thắng ấy không chỉ có trí tuệ, tài thao lược của những người lãnh đạo, chỉ huy, cùng sức mạnh đánh địch của các binh đoàn chủ lực được trang bị vũ khí hiện đại, mà còn có sự đóng góp to lớn của những con người bình dị, với những trang bị và vũ khí thô sơ, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng kẻ thù.
Tham vọng của Pháp và những bước chuẩn bị kỹ càng cho Điện Biên Phủ
Tháng 5/1953, tướng 4 sao Henri Navarre (Tổng tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương NATO) sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, đưa ra Kế hoạch 18 tháng để hướng tới một giải pháp chính trị trên thế mạnh. Đông-xuân 1953-1954, Pháp giữ thế phòng thủ ở phía bắc vĩ tuyến 18, tiến công ở phía Nam, ổn định miền Trung và nam Đông Dương, tập trung quân thành lực lượng lớn tạo ưu thế về quân sự. Thu đông 1954, Pháp bắt đầu thực hành tiến công Việt Bắc, tạo ra tình thế quân sự cho phép đưa ra giải pháp chính trị thích hợp giải quyết chiến tranh. Navarre quyết định đánh chiếm Điện Biên Phủ (tháng 11-1953, mở cuộc hành quân “Hải ly”, ném 6 tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ) nhằm rảnh tay để triển khai cuộc tiến công chiến lược ở miền Trung cắt đôi Đông Dương. Theo Cogny: “Điện Biên Phủ là căn cứ bộ binh - không quân lý tưởng, là chiếc chìa khoá của Thượng Lào”, là một cái bẫy để thách thức quân chủ lực Việt Minh tấn công vào đây, theo kế hoạch đó, Việt Minh sẽ bị nghiền nát. Còn Navarre thì cho rằng: “Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả xâm phạm”; Điện Biên Phủ sẽ làm vai trò “chiếc nhọt tụ độc”, phải đủ mạnh để đối phương không dám tấn công.
Nguyễn Khắc Viện (Kể chuyện đất nước): "Từ trên máy bay nhìn xuống, người ta tự hỏi: Không hiểu vì sao Navarre, một trong những tướng tài ba nhất của Pháp lại đem quân nhốt mình vào cái "chậu“ bốn bề bịt kín thế này. Đúng, từ máy bay nhìn xuống đồng bằng Mường Thanh với căn cứ Điện Biên Phủ quả là một cái chậu bốn bề núi cao, vào đấy là hết đường thoát". "Vì sao Tướng Giáp lại dẫn những đơn vị chủ lực của mình từ xa xôi đến đây để giao tranh trong hoàn cảnh vô cùng không thuận lợi ?"
Vì sao không thuận lợi cho phái quân đội Việt Nam? Bởi “Con nhím" Điện Biên Phủ được chuẩn bị một cách hung hậu với phương tiện hiện đại:16.200 quân (17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh với 40 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 10 chiếc) giăng thành một tập đoàn cứ điểm gồm 8 trung tâm đề kháng, 49 cứ điểm, hầm hào, lô cốt, dây kẽm gai, bãi mìn bảo vệ; 2 sân bay, hàng ngày có 100 máy bay từ Hà Nội, Hải Phòng chở 200-300 tấn lương thực, súng đạn, thuốc men, yểm trợ. Na-va 9 lần lên Điện Biên kiểm tra; Cogny, tư lệnh quân Pháp tại Bắc Kỳ đến nhiều hơn. Các bộ trưởng, quan chức cao cấp từ Paris sang, tướng lãnh được cử tới thị sát tại chỗ. Tổng thống Eisenhower cử tướng O'Daniel, Thomas Trapnell đến Điện Biên Phủ, ở lại làm cố vấn cho Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm. Điện Biên Phủ - tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương (Thế chiến thứ 2, Pháp chưa xây dựng trận địa phòng thủ dã chiến lớn) - một pháo đài không thể tấn công.
Douglas Johnson, Viện nghiên cứu chiến lược Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ khẳng định: “Đó là nỗ lực nhằm cắt hậu phương địch, ngăn nguồn tiếp tế và chi viện để thiết lập vị trí cố thủ tại hậu phương và cắt đứt phòng tuyến của địch. Như vậy, kẻ địch sẽ bị lừa vào trận địa chết”. Hy vọng kéo các binh sĩ của Hồ Chí Minh vào chiến trận cổ điển, Pháp bắt đầu đồn trú tại Điện Biên Phủ, đặt pháo đài tại điểm trũng nhất của thung lũng hình chảo, những trọng điểm trên các quả đồi xung quanh có khả năng trút đạn pháo xuống đầu những kẻ tấn công.
Robert Guillain - phóng viên Le Monde cho rằng: "chẳng khác gì một hố nhốt sư tử", "một sân vận động mà Việt Minh chiếm lĩnh các bậc thang pháo đài xung quanh”.
De Catries - trả lời nhà báo Henri Amourouk khi lo ngại rằng, nếu Việt Minh chiếm được các cao điểm xung quanh và bắn xuống: Nếu quân Việt Minh tấn công, các anh sẽ thấy chúng tôi đón tiếp họ như thế nào? Mọi thứ đều sẵn sàng… Nếu họ bắn xuống ư? Vậy thì sao nào?! Tôi sẽ đội chiếc ca-lô đỏ lên đầu để cho họ trông được rõ hơn.
Những trăn trở của người trong cuộc
Lúc này lực lượng của Pháp hơn 44 vạn, trong đó hơn 14 vạn là lính Âu Phi, còn lại là ngụy quân (lính Âu Phi là đội quân xâm lược nhà nghề, được trang bị tốt). Tính theo đơn vị, địch có 345 tiểu đoàn, gồm 267 tiểu đoàn bộ binh, 33 tiểu đoàn pháo binh, 45 tiểu đoàn cơ giới, hơn 600 máy bay và gần 500 tàu hải quân lớn nhỏ.
Phía Việt Nam : 19 vạn, gồm 6 đại đoàn bb (là các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320, 325), 18 trung đoàn và 19 tiểu đoàn. Về pháo binh có 2 trung đoàn và 8 tiểu đoàn. Về phòng không có 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn. Chưa có không quân, hải quân. Song có khoảng 2 triệu dân quân du kích, hỗ trợ đắc lực cho bộ đội chủ lực trong từng trận đánh và các chiến dịch, nguồn bổ sung dồi dào cho quân chủ lực. Tham gia: 4/6 đại đoàn BB (304, 308, 312, 316), 1 đại đoàn công pháo 351, (320 giữ đồng bằng, 325 giữ Bình Trị thiên và trung hạ Lào)
Chúng ta hãy làm một phép so sánh: số tiểu đoàn BB 31/17 (quân số tiểu đoàn 632/750-900); trang bị tiểu đoàn súng trường 144/372, tiểu liên 95/196, trung liên 18/36, đại liên 4/8, cối 60 2/4, cối 81 2/4, DKZ 57 0/4; không quân ném bom 0/70, không quân chiến đấu 0/150, xe tăng 0/10. Cố vấn TQ: đánh 3 đêm 2 ngày; VNG đánh 45 ngày
(Đầu tháng 1/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, không chắc thắng không đánh “; “Tổng tư lệnh ra mặt trận, "Tướng quân tại ngoại". “Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Được giao phó trách nhiệm rất nặng nề như vậy nên đòi hỏi đại Tướng Võ Nguyên Giáp phải thận trọng trước vận mệnh của dân tộc.
Trong Tổng tập Hồi ký, tr.923-924, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Đêm ngày 25.1.1954, tôi không sao chợp mắt. Đầu đau nhức. Đồng chí Thùy, y sĩ, buộc lên trán tôi một nắm ngải cứu. Tôi đã hiểu vì sao mọi người đều lựa chọn phương án đánh nhanh? Vấn đề tiếp tế khó khăn chỉ là một lý do. Chúng ta không phải hoàn toàn không có cách khắc phục khó khăn này. Lý do chính là e thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, tập đoàn cứ điểm ngày càng mạnh, sẽ làm ta mất cơ hội tiêu diệt địch. Nhiều người cho rằng sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ sẽ làm quân địch choáng váng. Nhưng chúng ta chỉ có vài ngàn viên đạn? Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ với sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Chúng ta cũng không thể giành thắng lợi với bất kể giá nào, vì phải giữ gìn vốn liếng cho cuộc chiến đấu lâu dài”. (VNG Tổng tập Hồi ký, tr.923-924).
“Ông Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi. Đồng chí ân cần hỏi thăm sức khỏe, rồi nói: Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình tới lúc này ra sao? Tôi đáp: Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự, mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định... Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận:
- Nếu đánh là thất bại
- Vậy nên xử trí thế nào?
- Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”.
Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói: Tôi đồng ý với Võ Tổng, tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.
- Thời gian gấp. Tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và đã có dự kiến cho 308 tiến về phía Luông Pha Băng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi quân ta kéo pháo ra...
Cuộc trao đổi giữa tôi với đồng chí Vi diễn ra khoảng hơn nửa giờ”. (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.925, 926).
Và đến sáng 26/01/1954: “Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng", cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh thắng nhanh" sang "đánh chắc tiến chắc".
Đại Tướng Võ Nguyên Giáp "Trước sau, Điện Biên Phủ chỉ giữ một vai trò thứ yếu trong kế hoạch, nhưng vẫn là một nước cờ chiến lược đã được Nava tính trước những hệ quả một cách tỉnh táo - Công bằng mà nói, tới lúc này Nava không đáng chê trách như nhiều người sau đó đã lên án !"
Tướng Nava cho rằng “Trường hợp bị tấn công cơ may chiến thắng của chúng ta ra sao ? Mới hai tuần lễ trước, tôi đánh giá nó là 100%… Nhưng với sự xuất hiện những phương tiện mới … tôi không thể … bảo đảm chắc chắn thắng lợi … Dù sao đi nữa Điện Biên Phủ sẽ giữ vai trò chiếc nhọt tụ độc và sẽ cho phép tránh cuộc tổng giao chiến ở đồng bằng”
Nava: “Nếu tướng Giáp tiến công vào khoảng ngày 25/01 như ý đồ ban đầu thì chắc chắn ông sẽ thất bại. Nhưng không may cho chúng ta, ông đã nhận ra điều đó”.
Trước giờ G, Pháp từng nhận định “Việt Minh không thể tiếp tế được tới Điện Biên Phủ, muốn tới được đó thì sẽ ăn hết 4 phần 5 những gánh lương thực, thực phẩm của họ, việc cung cấp đạn dược cũng sẽ không cho phép lợi dụng số lượng quân nhiều hơn quân Pháp mà chúng có thể tập hợp được, không quân với những phương tiện có thể phá hủy những đường tiếp tế của Việt Minh”
Và sự thật khi chiến dịch diễn ra Pháp gặp 3 bất ngờ của Pháp lớn:
Việt Minh có được pháo lớn và pháo cao xạ. Không những vậy ta còn đưa được trọng pháo vượt qua đường xa và núi đèo vào sâu trong mặt trận, bắn với độ chính xác cao dù lượng đạn ít hơn hẳn đối phương. Với việc phân tán hỏa khí và sử dụng các hầm pháo, phía Việt Minh đã bảo vệ rất tốt các cỗ pháo của mình trước phản pháo cũng như máy bay của địch. Đại tá Piroth chỉ huy pháo binh Pháp thất kinh trước hiệu quả của pháo binh Việt Minh đã phải tự sát bằng lựu đạn vào ngày 15/3 (chỉ 2 ngày sau khi chiến dịch Điên Biên Phủ bắt đầu).
Việt Nam giải quyết được khâu hậu cần dù chỉ có phương tiện vận tải thô sơ.
Theo Thống kê của Trung Quốc, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam hơn 200 ô tô, 10.000 thùng dầu, hơn 3.000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực, ngoài ra còn có một lượng lớn thuốc y tế, khí tài, thuốc nổ. Trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp 1950 – 1954, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 155.000 khẩu súng các loại, 57.850.000 viên đạn, 3.692 khẩu pháo, hơn 1.080.000 quả đạn pháo, hơn 840.000 quả lựu đạn, 1.231 ô tô, hơn 1.400.000 bộ quân phục, hơn 140.000 tấn lương thực và thực phẩm phụ, hơn 26.000 tấn dầu và một lượng lớn thuốc men và vật tư quân dụng khác
Nhưng thực tế hệ thống chiến hào chằng chịt (dài 400km) của quân ta như thòng lọng thít dần cổ quân Pháp mà chúng không tài nào khắc chế được. Đường tiếp tế duy nhất của quân Pháp là cầu hàng không cũng gặp muôn vàn khó khăn do (1) hỏa lực của cả pháo cao xạ và pháo mặt đất của Việt Minh, (2) thời tiết sương mù nhiều mây ở Điện Biên Phủ, và (3) địa hình rừng núi khu vực Tây Bắc.
Chiến thắng của trí tuệ Việt Nam
Chiến thắng Điện Biên Phủ do nhiều nguyên nhân cụ thể từ phía ta, cả từ những toan tính sai lầm của địch, nhưng quy đến ngọn nguồn thì đó là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ của Bác Hồ, của Đảng, của những vị chỉ huy tài ba cũng như của toàn thể quân và dân Việt Nam. 8 năm chiến tranh (1945-1953), khoảng 90.000 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng chục vạn quân viễn chinh đang bị giam chân trên chiến trường Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam; tiêu tốn khoảng hơn 2000 tỷ frăng, nội các thay đổi 18 lần. Pháp chủ trương dựa vào viện trợ của Mỹ để tìm “một lối thoát danh dự”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trả lời một chính khách nước ngoài: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những biến đổi phi thường của lịch sử Việt Nam trong mấy chục năm qua đều gắn liền với công lao và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch”. Còn Đại tướng H. Nava: “Phía Việt Nam chiến thắng là đúng. Vì trong suốt 9 năm chiến tranh, họ chỉ có một người chỉ huy quân sự duy nhất là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và một người chỉ huy chính trị cao nhất là Hồ Chí Minh”. Trong khi đó, phía Pháp có tới 20 Chính phủ, 7 Tổng tư lệnh, 8 Cao ủy thay nhau liên tiếp chỉ huy ở Đông Dương mà vẫn thất bại”.
Chiến thắng ấy đi từ những yếu tố quan trọng : sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn quân, toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Địch bị căng kéo ra khắp toàn Đông Dương, ta bao vây, áp sát, Pháp ở Điện Biên Phủ bị đặt vào thế bị động phòng ngự, điểm mạnh trở thành điểm yếu vì không thể phát huy. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” để tận dụng thời gian làm chuyển hóa lực lượng. Với tư tưởng và quyết tâm đánh chắc thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh (nguyên tắc cơ bản trong chỉ đạo chiến tranh Cách mạng Việt Nam). Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành huyền thoại trong lịch sử với những nghệ thuật Tổ chức hệ thống giao thông hào, hệ thống trận địa tiến công và bao vây, tạo điều kiện cho bộ đội triển khai vận động dưới hỏa lực của đối phương; pháo binh vận chuyển vào gần để khống chế sân bay; pháo cao xạ đối phó có hiệu quả với không quân Pháp…
Chống ngoại xâm không phải là đặc điểm riêng của một nước nào nhưng hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải chống ngoại xâm nhiều lần với tần số và thời lượng lớn như Việt Nam (17 cuộc kháng chiến). Nghệ thuật quân sự truyền thống “dĩ đoản binh chế trường trận” (Trần Quốc Tuấn), “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” (Nguyễn Trãi), dựa trên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện chiến tranh nhân dân. Đứng vị trí thứ 14/17 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. So với những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử giữ nước của dân tộc, Điện Biên Phủ nổi bật 2 đặc điểm quan trọng: Trận quyết chiến mà cả hai phía đều chấp nhận, biết trước và ra sức chuẩn bị để quyết tâm giành thắng lợi.Thay đổi cách đánh, chuyển từ phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chiến thắng ấy làm nên Bản lĩnh và trí tuệ Việt. Và chúng ta có quyền hy vọng sẽ có nhiều chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ được khơi dậy, phát huy sẽ thành sức mạnh vĩ đại trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.