Sáng ngày 08/7/2025, tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Thực trạng an sinh xã hội đối với mẹ đơn thân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hội thảo là diễn đàn khoa học để các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng xã hội tiếp tục chung tay hỗ trợ mẹ đơn thân, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Hội thảo do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng tổ chức. Tham dự hội thảo có PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội KHKT Việt Nam, PGS.TS Nguyễn An Lịch – Viện trưởng Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng; ThS. Lê Chí An – Nguyên Viện phó Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng; nhà nghiên cứu, chuyên gia trong lĩnh vực lao động, an sinh xã hội, bình đẳng giới trong nước. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, TS. Trần Thị Anh Thư – Phụ trách trường Luật và Quản lý phát triển; cùng đại diện lãnh đạo, giảng viên các đơn vị thuộc, trực thuộc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng cho biết, trong bối cảnh phát triển kinh tế mạnh mẽ, các khu công nghiệp và khu chế xuất tại Việt Nam đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức xã hội, đặc biệt là vấn đề an sinh xã hội cho các nhóm lao động yếu thế, trong đó có những người mẹ đơn thân. Mẹ đơn thân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là một nhóm đối tượng đặc biệt, thường phải đối mặt với nhiều khó khăn như thu nhập thấp, thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, áp lực công việc, và đặc biệt là trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái một mình. Thực trạng này đặt ra những câu hỏi lớn về việc đảm bảo quyền tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, từ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đến các dịch vụ giáo dục, nhà ở và hỗ trợ chăm sóc trẻ em. TS. Ngô Hồng Điệp nhấn mạnh, trước những thách thức đặt ra, việc thúc đẩy thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội dành cho mẹ đơn thân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất cần được xem là ưu tiên trong chiến lược phát triển toàn diện và bền vững. Để làm được điều đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, giới học thuật, doanh nghiệp và toàn thể cộng đồng. Trường Đại học Thủ Dầu Một cam kết sẽ tiếp tục phát huy vai trò của một cơ sở giáo dục đại học trong nghiên cứu, đào tạo và kết nối nguồn lực xã hội, nhằm góp phần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội nhân văn, bao trùm và công bằng hơn, nhất là đối với các nhóm lao động dễ bị tổn thương như mẹ đơn thân.
Tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày nhiều báo cáo khoa học chuyên sâu, tập trung làm rõ thực trạng an sinh xã hội đối với mẹ đơn thân đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam. Các tham luận chỉ ra rằng, bên cạnh vai trò là lao động trực tiếp đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế công nghiệp, mẹ đơn thân còn gánh trên vai trách nhiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái trong hoàn cảnh thiếu vắng sự hỗ trợ từ người bạn đời và đôi khi là cả gia đình. Điều này khiến họ thường xuyên rơi vào trạng thái quá tải về thể chất, tinh thần và tài chính. Các diễn giả, đại biểu cũng nêu rõ các vấn đề nổi bật mà mẹ đơn thân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang đối mặt bao gồm: thu nhập thấp và thiếu ổn định; điều kiện làm việc áp lực, kéo dài; hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục, nhà ở; thiếu các cơ chế hỗ trợ chăm sóc trẻ em; và đặc biệt là sự kỳ thị xã hội còn tồn tại ở một số môi trường sống và làm việc. Những rào cản này khiến nhiều mẹ đơn thân không thể tiếp cận đầy đủ các chính sách phúc lợi vốn dành cho người lao động, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Từ những phân tích sâu sắc về bối cảnh, nguyên nhân và tác động, các diễn giả đã chỉ ra những khoảng trống trong chính sách hiện nay, như: sự thiếu vắng các quy định đặc thù dành riêng cho mẹ đơn thân trong khu công nghiệp, sự phân tán trong việc triển khai chính sách giữa các cấp quản lý, cũng như sự thiếu liên kết giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong hỗ trợ nhóm lao động yếu thế này. Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp đã được đề xuất, tập trung vào ba nhóm chính: (1) Hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng nhạy cảm giới và bao trùm hơn, đảm bảo quyền tiếp cận của mẹ đơn thân đến các dịch vụ công cơ bản và phúc lợi xã hội; (2) Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện làm việc linh hoạt, xây dựng môi trường thân thiện với người lao động nữ có con nhỏ, đặc biệt là mẹ đơn thân; (3) Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, các tổ chức xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ về tâm lý, pháp lý và chăm sóc trẻ em, nhằm giảm bớt gánh nặng cho mẹ đơn thân trong hành trình mưu sinh và nuôi dạy con cái.
Những kết quả đạt được từ hội thảo không chỉ góp phần nhận diện rõ hơn bức tranh thực trạng an sinh xã hội dành cho mẹ đơn thân trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa, mà còn tạo nền tảng khoa học quan trọng cho việc hoạch định và điều chỉnh chính sách trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ sở để các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách, tổ chức xã hội và cộng đồng cùng chung tay xây dựng các giải pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn. Qua đó, góp phần giúp mẹ đơn thân vượt qua rào cản, ổn định cuộc sống, phát huy vai trò trong gia đình và xã hội, và quan trọng hơn cả là đóng góp tích cực vào tiến trình phát triển bền vững và bao trùm của đất nước trong giai đoạn mới.
Hội thảo do trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp với Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng tổ chức

TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng phát biểu khai mạc hội thảo

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên Hiệp Hội KHKT Việt Nam phát biểu ý kiến tại hội thảo

PGS.TS Nguyễn An Lịch – Viện trưởng Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng trình bày tham luận với chủ đề "Công tác xã hội với trẻ em trong gia đình đơn thân"

ThS. Lê Chí An – Nguyên Viện phó Viện An sinh xã hội và phát triển cộng đồng trình bày tham luận với chủ đề "Vai trò của công tác xã hội trong an sinh xã hội"

TS. Đỗ Mạnh Tuấn - trường Đại học Thủ Dầu Một trình bày tham luận "Kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ mẹ đơn thân và gợi ý đối với Việt Nam"

Những kết quả đạt được từ hội thảo không chỉ góp phần nhận diện rõ hơn bức tranh thực trạng an sinh xã hội dành cho mẹ đơn thân trong bối cảnh phát triển công nghiệp hóa, mà còn tạo nền tảng khoa học quan trọng cho việc hoạch định và điều chỉnh chính sách trong thời gian tới
BBT