Ngày 16/1/2014, Hội đồng khoa học Trường Đại học Thủ Dầu Một tiến hành xét duyệt đề cương “Biên soạn giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975” do TS. Nguyễn Ngọc Hiền làm chủ biên, cùng với TS. Nguyễn Văn Đông ThS. Nguyễn Thị Kim Út khoa Ngữ Văn Trường Đại học Thủ Dầu Một.
Hội đồng xét duyệt đề cương do TS. Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng, TS. Hà Thanh Vân - Ủy viên phản biện 1, ThS. Đào Quốc Lương – Trường Đại học Bình Dương - Ủy viên phản biện 2, cùng các ủy viên Hội đồng.
Văn học Việt Nam sau năm 1945 là một bộ phận trong tiến trình phát triển của văn học dân tộc và cũng là một bộ phận văn học được dạy và học nhiều nhất trong chương trình môn Văn học phổ thông. Hơn nửa thế kỷ qua, bộ môn Văn học Việt Nam sau năm 1945 chiếm vị trí hàng đầu trong chương trình đào tạo sinh viên ngành Ngữ văn ở các trường đại học và cao đẳng. Mục tiêu “Biên soạn giáo trình văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975” nhằm cung cấp cho sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một những kiến thức cơ bản về văn học Việt Nam từ 1945 – 1975 như: bối cảnh ra đời, quá trình phát triển, các đặc điểm chính, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Giáo trình nhằm giúp sinh viên thực hành và phân tích một số tác phẩm trong giai đoạn này, nhất là các tác phẩm đã có trong sách giáo khoa, thảo luận những ưu khuyết điểm của văn học cách mạng và định hướng cho sinh viên những kỹ năng cần thiết để giảng dạy môn văn học ở bậc phổ thông, tạo cho sinh viên có những kiến thức nền tảng về văn học sử.
Giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 được biên soạn với khối lượng kiến thức gồm 2 tín chỉ. Nội dung của giáo trình và được nhóm tác giả biên soạn cấu trúc thành 5 chương: chương 1: khái quát văn học Việt Nam 1945 – 1975; chương 2: thơ ca Việt Nam 1945 – 1975; chương 3: văn xuôi Việt Nam 1945 – 1975; chương 4: kịch và lý luận phê bình văn học Việt Nam 1945 – 1975; chương 5: vài nét về văn học đô thị Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954 và văn học miền Nam giai đoạn 1955 – 1975.
Việc viết và biên soạn cuốn giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 mang dấu ấn của giảng viên trong khoa, và phù hợp với trình độ của sinh viên Trường Đại học Thủ Dầu Một là rất cần thiết. Nội dung của giáo trình được cấu trúc thành 5 chương là khá đầy đủ vì đã bao quát nền văn học theo các thể loại, đồng thời kết hợp được cái nhìn toàn cảnh về một giai đoạn văn học bằng cách tập trung vào một số tác giả tiêu biểu. Nội dung của giáo trình có ưu điểm vượt trội so với những giáo trình đã xuất bản của những tác giả trước đó ở chỗ có chương 5 đề cập đến văn học đô thị Việt Nam 1945 – 1975.
TS. Hoàng Trọng nhấn mạnh việc “Biên soạn giáo trình Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975” không chỉ bổ sung nguồn giáo trình và tài liệu tham khảo phục vụ cho việc dạy và học của giảng viên và sinh viên Nhà trường trong các học phần có liên quan, mà còn góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, từ đó nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học của Nhà trường. TS. Hoàng Trọng Quyền đề nghị nhóm tác giả biên soạn phải có cách tiếp cận, và cách diễn đạt thể hiện nội dung của giáo trình ở những kiến thức cơ bản, cốt lõi trong mỗi giai đoạn của nền văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám, đồng thời phải thể hiện rõ quan điểm đổi mới giáo dục bậc đại học trong việc viết giáo trình, tránh trình bày những kiến thức mà sinh viên đã được học ở bậc phổ thông.