Sáng ngày 21/02/2025, nhân dịp kỷ niệm 05 năm Ngày thành lập khoa Công nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Xu hướng phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa trong bối cảnh Chuyển đổi số”.
Tọa đàm vinh dự đón tiếp nhiều chuyên gia, nhà khoa học nhà quản lý nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên cả nước tham dự, gồm: TS Trần Du Lịch – UV Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia; PGS. TS. Cao Đức Hải – Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS. Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia truyền thông sự kiện quốc tế - Đồng sáng lập Elte PR School; TS. Dương Đức Minh – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM; TS. Bùi Thị Hà – Viện Sử học Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị, doanh nghiệp là đối tác của nhà trường. Về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc và toàn thể CB-GV, sinh viên khoa Công nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Xu hướng phát triển ngành Công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa đã trở thành một trong những trọng tâm phát triển quốc gia. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh và đề ra nhiệm vụ là "khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam". Nhận định vai trò tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa trong kỷ nguyên số, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu "Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh". Gần đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Phát triển mạnh công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí; tạo lập môi trường thúc đẩy đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến toàn thể CB-GV, sinh viên khoa Công nghiệp Văn hóa Thể thao và Du lịch; đồng thời ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà khoa đã đạt được trên hành trình 05 năm xây dựng và phát triển. Nhấn mạnh xu hướng phát triền ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số, TS. Đoàn Ngọc Xuân cho biết, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa không chỉ được nhắc đến nhiều hơn mà đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của công nghệ số, các ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang chứng kiến những biến đổi căn bản về mô hình hoạt động cũng như cách tiếp cận. Sự chuyển đổi số không chỉ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới mà còn đặt ra những thách thức lớn trong việc định hướng và cải cách hệ thống đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực này. Để đáp ứng nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa, năm 2021, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tiên phong thành lập khoa Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên ngành đào tạo được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường lao động và phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
Chia sẻ về xu hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh Bình Dương, TS. Đoàn Ngọc Xuân cho biết thêm, Bình Dương đang hướng đến xây dựng đô thị thông minh và đô thị lễ hội nên việc đổi mới hệ thống đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi số là rất cần thiết nhằm phát triển nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh đổi mới sáng tạo. Từ thực tế này, “tọa đàm không chỉ là cơ hội để nhà trường nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong công tác đào tạo các ngành công nghiệp văn hóa, mà còn là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu ngành kinh tế, công nghiệp văn hóa truyền thông, văn hóa nghệ thuật trao đổi, thảo luận và hiến kế các giải pháp giúp trường Đại học Thủ Dầu Một kịp thời đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa nhằm thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, du lịch và các ngành công nghiệp sáng tạo tại Bình Dương.” – TS. Đoàn Ngọc Xuân nhấn mạnh.
Trao đổi về xu hướng phát triền ngành Công nghiệp văn hóa của tỉnh Bình Dương đặt trong bối cảnh chuyển đổi số, theo TS.Trần Du Lịch, Bình Dương có vị trí địa lý thuận lợi gần TP.Hồ Chí Minh, cùng nền tảng công nghiệp phát triển vững chắc, sự giao lưu văn hóa đa dạng. Đây là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển ngành Công nghiệp Văn hóa. Đề xuất các giải pháp nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ số, thúc đẩy ngành công nghiệp Văn hóa phát triển bền vững tại tỉnh Bình Dương, TS. Trần Du Lịch gợi mở một số giải pháp, như: chính quyền tỉnh cần xây dựng chính sách hỗ trợ cho người khởi nghiệp trong lĩnh vực này; triển khai các hoạt động thông qua mô hình đối tác công – tư trong hoạt động phát triển kinh doanh các ngành công nghiệp văn hóa là thế mạnh của địa phương, như: phát triển đô thị ven sông, làng nghề truyền thống, du lịch lễ hội,…; xây dựng chính sách phát triển không gian văn hóa sáng tạo và tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hoá, thể thao và du lịch. Cũng theo TS. Trần Du Lịch để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo tại tỉnh Bình Dương, bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, không thể thiếu sự đầu tư cho các nguồn lực, đặc biệt là nguồn nhân lực. Trong đó, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực của các trường đại học cần được đặt ở vị trí trung tâm bởi đây là hoạt động giáo dục, đào tạo mang tính căn bản, hệ thống, chính quy. Theo đó, trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở giáo dục đại học tiên phong thành lập khoa Công nghiệp văn hóa đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của nhà trường trong công tác đào tạo đội ngũ lao động làm việc trong lĩnh vực này. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, TS. Trần Du Lịch chia sẻ, việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin vào trong các ngành nghề của công nghiệp văn hóa, như âm nhạc, điện ảnh, truyền thông, hay thiết kế đồ họa, là điều không thể thiếu. Chính vì vậy, chương trình đào tạo của nhà trường cần chú trọng đến việc phát triển kỹ năng số, kỹ năng sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với những thay đổi của công nghệ. Bên cạnh đó, trường cần đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác với doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên tăng cường kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với xu hướng phát triển của ngành.
Đóng góp giải pháp phát triển công tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa tại trường Đại học Thủ Dầu Một
Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp triển công tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa tại trường Đại học Thủ Dầu Một trong bối cảnh chuyển đổi số. Theo PGS.TS. Cao Đức Hải, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có công nghiệp văn hóa thể thao và du lịch. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng những xu thế mới. Các chương trình đào tạo ngành công nghiệp văn hóa cần chú trọng vào việc khai thác sáng tạo tài nguyên văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở nhận thức chung về tài nguyên văn hóa, khai thác sáng tạo tài nguyên văn hóa, trường Đại học Thủ Dầu Một cần phát triển đào tạo các ngành công nghiệp văn hóa đặt trong bối cảnh/nhu cầu phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, khu vực và quốc tế. PGS. TS Cao Đức Hải nhấn mạnh, việc kết hợp các yếu tố văn hóa truyền thống với công nghệ số không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn mang lại giá trị thương mại lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như phim ảnh, âm nhạc, thời trang, và thiết kế. Cũng theo PGS, một trong những thách thức lớn mà các cơ sở đào tạo phải đối mặt là làm sao tạo ra được sự gắn kết giữa truyền thống và đổi mới sáng tạo, giúp các thế hệ trẻ hiểu và cảm nhận sâu sắc giá trị văn hóa dân tộc trong thời đại số.
Dưới góc nhìn của một nhà quản lý kinh tế về du lịch, TS. Dương Minh Đức - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch TP.HCM nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển đào tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số. TS. Dương Minh Đức cho rằng, việc đào tạo không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt kiến thức lý thuyết mà còn mở rộng ra quá trình bồi dưỡng kỹ năng thực tiễn, phát triển năng lực sáng tạo, ứng dụng công nghệ và rèn luyện tư duy phản biện cho sinh viên. Các chương trình đào tạo có những đặc trưng nổi bật, phản ánh xu hướng phát triển hiện đại của giáo dục đại học và đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động. Trước hết, các chương trình đào tạo có tỷ lệ thực hành cao; mô hình giảng dạy thường kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động trao đổi học thuật, nghiên cứu ứng dụng và thực tập tại doanh nghiệp. “Một xu hướng chủ đạo là sự chuyển đổi số trong giảng dạy và học tập. Các cơ sở đào tạo đang áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, Internet of Things và big data vào quá trình giảng dạy nhằm tạo ra các lớp học trực tuyến, mô phỏng và các phòng thí nghiệm ảo. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả đào tạo mà còn cho phép học viên làm quen với môi trường số từ sớm, từ đó dễ dàng thích ứng với yêu cầu công việc trong kỷ nguyên số” - TS. Dương Minh Đức chia sẻ.
Đánh giá về tiêu chí, trình độ cần có của đội ngũ nhân lực tham gia vào thị trường ngành công nghiệp văn hóa trong thời đại số, TS. Nguyễn Đình Thành - Chuyên gia truyền thông sự kiện quốc tế - Đồng sáng lập Elte PR School cho biết, công nghiệp văn hóa là các ngành có tính liên ngành cao, cần có sự kết hợp của văn hoá, nghệ thuật, công nghệ thông tin, thương hiệu marketing, kinh doanh. Chính vì vậy, đội ngũ những người làm văn hóa phải am hiểu về kinh tế, tài chính, tiếp thị, quản trị dự án thì mới có thể tạo ra được các sản phẩm cụ thể để thương mại hóa; có kiến kiến thức ngành chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý quy trình sáng tạo, sản xuất, dịch vụ, phân phối và tiêu dùng sản phẩm văn hóa trong các ngành công nghiệp văn hóa để có thể làm việc trong môi trường hiện đại, đa văn hóa, không gian sáng tạo và khởi nghiệp. Đồng thời, mỗi cá nhân cần chú trọng phát triển năng lực số, ứng dụng công nghệ số đáp ứng yêu cầu sáng tạo, sản xuất, phân phối sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Thành, nhà báo Lê Xuân Trung – Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ khẳng định, trong thời đại chuyển đổi số, công nghiệp văn hóa đang mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng cho người lao động, với xu hướng nghề nghiệp ‘Chuyện một, biết nhiều’. Đội ngũ tham gia thị trường các ngành công nghirpj văn hóa không chỉ phải nắm vững một kỹ năng chuyên sâu mà còn phải hiểu rõ về các lĩnh vực liên quan, từ quản lý văn hóa, truyền thông đến các công nghệ số mới. Việc đa dạng hóa kỹ năng sẽ giúp các cá nhân có thể linh hoạt thay đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của thị trường.
Khẳng định công nghiệp văn hoá được xem là một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. TS Bùi Thị Hà - Viện Sử học Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, trong cơ cấu ngành công nghiệp văn hóa thì cần phải chú trọng phát triển ngành du lịch văn hóa là một thành tố khá đặc biệt. Trong đó, du lịch văn hóa bao gồm du lịch di tích lịch sử, du lịch phố cổ, du lịch lễ hội, du lịch di sản văn hóa nổi tiếng… Việc khai thác các giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ giúp bảo tồn mà còn tạo ra các cơ hội du lịch văn hóa, gắn kết giữa phát triển ngành công nghiệp văn hóa và du lịch. Phân tích mô hình tiếp cận di tích lịch sử văn hóa theo phương thức công nghiệp văn hóa, TS Bùi Thị Hà đề xuất, tỉnh Bình Dương nên đầu tư phát triển du lịch di tích lịch sử, du lịch lễ hội là một trong những thế mạnh của địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị văn hóa, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Phát biểu tại tọa đàm, TS.Đoàn Ngọc Xuân - Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một khẳng định, việc đổi mới hệ thống đào tạo cho khối Công nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Việc xây dựng một chương trình đào tạo tích hợp, liên ngành với sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, ứng dụng công nghệ tiên tiến sẽ góp phần tối ưu hóa quy trình học tập, tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên. Những giải pháp được chia sẻ, đề xuất tại buổi toạ đàm sẽ là kinh nghiệm quý báu giúp trường Đại học Thủ Dầu Một và Khoa Công nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch nâng cao chất lượng đào tạo.
Trong khuôn khổ chương trình, trường Đại học Thủ Dầu Một, khoa Công nghiệp văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức lễ ký kết hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, báo chí, phát thanh truyền hình nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch.
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng phát biểu nêu bật ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ đề tọa đàm đối với công tác nâng cao chất lượng đào tạo các ngành công nghiệp văn hóa tại trường Đại học Thủ Dầu Một

TS. Trần Du Lịch đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh Bình Dương, công tác đào tạo các ngành công nghiệp văn hóa tại trường Đại học Thủ Dầu Một
.JPG)
Tại tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đã đóng góp nhiều giải pháp triển công tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa tại trường Đại học Thủ Dầu Một trong bối cảnh chuyển đổi số
TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng tặng hoa cảm ơn các chuyên gia, đại biểu đã dành tình cảm và đóng góp nhiều các giải pháp hữu ích nhà trường pháp triển công tác đào tạo nguồn nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa
BBT