Sáng ngày 30/10/2024, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng Đông Nam Bộ trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Phương pháp tư liệu và nghiên cứu khoa học về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”.
Chủ đề tọa đàm nằm trong chuỗi công trình nghiên cứu khoa học “Quá trình hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Thủ Dầu Một (1923-1926) và những giá trị, di sản văn hóa của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế tỉnh Bình Dương hiện nay” do Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng Đông Nam Bộ trường Đại học Thủ Dầu Một chủ trì thực hiện.
Tọa đàm do PGS.TS Phạm Ngọc Trâm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng Đông Nam Bộ chủ trì. Cùng dự có nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học lịch sử, khoa học xã hội của trường Đại học Thủ Dầu Một, Bảo tàng lịch sử tỉnh Bình Dương.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS. Phạm Ngọc Trâm – Chủ nhiệm đề tài cho biết, công trình nghiên cứu với mục tiêu dựng lại bức tranh lịch sử hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Thủ Dầu Một trong giai đoạn 1923-1926 và những giá trị, di sản văn hóa của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay. Bám sát mục tiêu nghiên cứu, nội dung đề tài được cấu trúc với 3 chương, gồm: Chương 1: Bối cảnh xã hội Việt Nam những nhân tố tác động tư tưởng và sự nghiệp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Chương 2: Hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Thủ Dầu Một (1923-1926); Chương 3: Giá trị di sản văn hóa của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay. Để phản ánh súc tích nội dung các chương nêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài hình thành 15 nội dung nghiên cứu. Cụ thể: Cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề nghiên cứu; Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đề tài; Phân tích bối cảnh xã hội Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 tác động tư tưởng, nhân cách Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Những nhân tố tác động lý tưởng, lập trường cứu nước của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Tại sao Thủ Dầu Một là điểm đến của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1923?; Tư tưởng yêu nước của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong giai đoạn 1923-1926; Quá trình hành nghề y của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong giai đoạn 1923-1926; Những đóng góp của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với phong trào yêu nước ở Bình Dương ; Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với phong trào chấn hưng Phật giáo Nam kỳ ở Thủ Dầu Một; Ảnh hưởng của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đối với sự hình thành, nhân cách, chí hướng các mạng của Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh); Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Sinh Sắc ở Bình Dương; Tấm lòng người dân Bình Dương thể hiện sự tôn kính, tri ân qua việc tổ chức lễ giỗ của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hằng năm; Kế thừa, phát huy giá trị đạo đức, tính cách nhà nho yêu nước Nguyễn Sinh Sắc trong thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên tỉnh Bình Dương hiện nay; Phát huy giá trị yêu nước, thương dân của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong xây dựng văn hoá và con người Bình Dương nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Trao đổi tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho rằng, công tác sưu tầm, xác minh, bổ sung tư liệu, các hiện vật có liên quan về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong thời gian ở Thủ Dầu Một là một trong những công tác có ý nghĩa quan trọng để nhóm nghiên cứu đạt được hiệu quả nghiên cứu của đề tài, cũng như phản ánh một cách chân thật, khoa học và chính xác nhất về lịch sử và quá trình hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không gian địa ở Thủ Dầu Một và trong phạm vi thời gian liên tục từ năm 1923 đến năm 1926. Theo đó, nhóm tác giả nghiên cứu có thể tiếp cận tư liệu dưới góc độ khai thác tư liệu Hán Nôm, di chỉ Hán Nôm, sách Địa chí, công trình địa danh tại Thủ Dầu Một vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,… Mặt khác, đề tài cần chú trọng cách tiếp cận lịch sử và văn hóa, đồng thời sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội để tái hiện và phân tích các giá trị mà Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đóng góp.
Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đồng thuận cho rằng, công trình sẽ góp phần quan trọng vào việc phục vụ cho việc nghiên cứu và giảng dạy tại TDMU và các trường đại học trong và ngoài nước; có giá trị tham khảo trong việc đề xuất chính sách phát huy giá trị di sản Nguyễn Sinh Sắc ở Bình Dương. Đồng thời, đề tài cũng là hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 95 năm (1929 - 2024) và 100 năm ngày mất Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (1929-2029).
Chủ đề tọa đàm nằm trong chuỗi công trình nghiên cứu khoa học “Quá trình hoạt động của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở Thủ Dầu Một (1923-1926) và những giá trị, di sản văn hóa của Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, y tế tỉnh Bình Dương hiện nay”
PGS.TS Phạm Ngọc Trâm – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Vùng Đông Nam Bộ nhấn mạnh mục tiêu của đề tài nghiên cứu
ThS. Trần Ngọc Duyệt phát biểu gợi mở giải pháp khai thác tư liệu dựa trên cuộc đời hoạt động giáo dục, y học, truyền bá tư tưởng yêu nước của Cụ Phó bảng gắn liền với các địa phương mà Cụ đã gắn bó, trong đó có vùng đất Thủ Dầu Một
ThS.Trần Đức Thuận - Cán bộ Bảo tàng lịch sử tỉnh Bình Dương phát biểu đề xuất khai thác tài liệu về Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dựa trên tài liệu Hán Nôm, sách Đại chí, công trình đại danh của Thủ Dầu Một vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX