ĐỀ ÁN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Sự cần thiết của đề án

Trường Đại học Thủ Dầu Một là cơ sở đào tạo đại học công lập của tỉnh Bình Dương. Sứ mệnh của trường là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho thị trường. Trong Chiến lược phát triển đến năm 2020 (đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt), định hướng hoạt động khoa học, công nghệ của Trường Đại học Thủ Dầu Một là phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần phục vụ công tác đào tạo của trường, góp phần giải quyết các vấn đề khoa học và thực tiễn về kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương, các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Qua 5 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự lớn mạnh về quy mô đào tạo, Trường Đại học Thủ Dầu Một đã tập hợp được tiềm năng khoa học cả về xây dựng đội ngũ, xác lập định hướng hoạt động, xây dựng cơ chế chính sách, tài chính, phổ biến thông tin khoa học công nghệ. Đến năm 2014, đội ngũ cán bộ khoa học của trường có 1 giáo sư, 4 phó giáo sư tiến sĩ, 50 tiến sĩ, 400 thạc sĩ; 40 cán bộ, giảng viên đang làm nghiên cứu sinh cả trong và ngoài nước, 64 học viên cao học; song song với việc xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học cơ hữu, nhà trường còn tranh thủ sự hậu thuẫn của cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao ở các trường thuộc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhất là đối với lĩnh vực trường có thế mạnh về các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Theo kế hoạch chiến lược, Trường Đại học Thủ Dầu Một không chỉ trở thành đại học trọng điểm của tỉnh Bình Dương mà còn là trường đại học trọng điểm của các tỉnh Đông Nam Bộ. Hiện tại, Trường Đại học Thủ Dầu Một đang nỗ lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tạo bước chuyển từ loại hình đại học định hướng ứng dụng thực hành sang loại hình đại học nghiên cứu. Vì thế, việc xây dựng một đề án nghiên cứu khoa học của trường có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt, cả lâu dài là hết sức cần thiết.

Với định hướng trở thành đại học trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, Trường Đại học Thủ Dầu Một xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ để khuyến khích những công trình khoa học có ý nghĩa thiết yếu đáp ứng sứ mạng, mục tiêu của nhà trường đồng thời đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, gắn việc đào tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một với việc phát triển kinh tế, xã hội ở miền Đông Nam Bộ. Nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ của Trường Đại học Thủ Dầu Một sẽ đem lại thông tin, tri thức nhằm định hình cho hoạt động giảng dạy của nhà trường đồng thời xây dựng cộng đồng học thuật mạnh mẽ, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng đại học nghiên cứu.

Về khách quan, Đông Nam Bộ là một khu vực lịch sử, văn hóa, nơi chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn về tài nguyên, đất đai và các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong công cuộc đổi mới, Đông Nam Bộ thuộc địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, có tốc độ phát triển kinh tế cao, có chuyển biến mạnh về cơ sở hạ tầng, xã hội, văn hóa; hầu hết các tỉnh ở Đông Nam Bộ đang chuyển biến mạnh mẽ từ nền kinh tế xã hội nông nghiệp, nông thôn sang xã hội công nghiệp và đô thị.

Phát triển bền vững kinh tế, xã hội đã và đang là xu thế chủ đạo của các quốc gia trên thế giới. Trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Việt Nam cũng không ngừng nỗ lực phấn đấu theo mục tiêu phát triển bền vững. Từ năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định ban hành "Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam" (còn gọi là Chương trình nghị sự 21). Qua 10 năm thực hiện định hướng phát triển bền vững, Việt Nam đạt được một bước tiến quan trọng trên con đường đi đến mục tiêu phát triển bền vững nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Công tác nghiên cứu khoa học nhằm tổng kết thực tiễn, đúc kết các vấn đề về phát triển bền vững, đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế, xã hội đang trở thành nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan khoa học ở cả trung ương và địa phương.

Căn cứ những định hướng phát triển bền vững của Chính phủ ban hành, quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở Đông Nam Bộ đặt ra nhiều vấn đề cả về khoa học và thực tiễn rất cần được nghiên cứu, tổng kết nhằm phục vụ cho việc xây dựng chính sách, giải pháp phát triển bền vững ở Đông Nam Bộ đồng thời góp phần tổng kết những vấn đề lý luận về phát triển bền vững ở Việt Nam.

Xuất phát từ những điều kiện khách quan và chủ quan trên đây, việc thực hiện đề án nghiên cứu khoa học về miền Đông Nam Bộ không những rất cần thiết cho công tác đào tạo của Trường Đại học Thủ Dầu Một và còn có ý nghĩa quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, của đất nước.