Sáng ngày 26/7/2023, Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức buổi tọa đàm học thuật mang tên “Chuyển đổi số và Liên thông thư viện phục vụ nhu cầu bạn đọc - từ thực tiễn tại trường Đại học Thủ Dầu Một” do thạc sĩ Nguyễn Thị Hương - Trung tâm học liệu trình bày.
Buổi tọa đàm do PGS.TS Phạm Ngọc Trâm - Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ chủ trì, cùng sự tham dự của các cán bộ, viên chức Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ, Trung tâm học liệu và sinh viên đến từ nhiều chương trình khác nhau của trường Đại học Thủ Dầu Một.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS.TS Phạm Ngọc Trâm cho biết chủ đề của buổi tọa đàm nằm trong chuỗi sinh hoạt học thuật định kỳ do Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ đề xướng và chủ trì. Với chủ đề sinh hoạt lần này, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ hi vọng tọa đàm sẽ cung cấp bối cảnh chung về chuyển đổi số trong hoạt động của thư viện hiện nay, cũng như thực tiễn áp dụng và kết quả quá trình chuyển đổi số, liên thông thư viện của trung tâm học liệu trường Đại học Thủ Dầu Một nhằm phục vụ nhu cầu của giảng viên và sinh viên.
Trình bày tại buổi tọa đàm, ThS. Nguyễn Thị Hương nhận định công nghệ thông tin và truyền thông với cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đã làm thay đổi thế giới, trong đó có ngành thư viện. Nếu trước đây, chức năng của các thư viện chủ yếu là thu thập và bảo quản các vật mang thông tin thì ngày nay vai trò của các thư viện đã được mở rộng sang cung cấp khả năng truy cập và phổ biến thông tin. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số cung cấp khả năng tiếp cận tài liệu và thông tin, cung cấp dịch vụ trực tuyến thuận tiện, quản lý dữ liệu và phân tích, và hỗ trợ nghiên cứu và học tập cho người dùng. Nhờ vào chuyển đổi số, thư viện trường đại học có thể cung cấp trải nghiệm hiện đại và tối ưu cho người dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu.
Nhận thức được xu thế đó, Trung tâm Học liệu trường ĐH Thủ Dầu Một đã từng bước thực hiện chiến lược chuyển đổi số trong hoạt động thư viện như: trang bị hệ thống cơ sở vật chất hiện đại (máy scan, máy photocopy, máy mượn trả tự động…), hệ thống phần mềm quản lý thư viện tổng hợp Libol 6.0 với cơ sở dữ liệu toàn văn của 10 tạp chí chuyên ngành và cơ sở dữ liệu Đông Nam Bộ với 3.089 file. Ngoài ra, thư viện cũng cung cấp các dịch vụ thông tin bao gồm: dịch vụ đọc tại chỗ theo hình thức kho mở, dịch vụ sao chụp, scan tài liệu, dịch vụ tư vấn hỏi đáp thông tin (thông qua điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội), dịch vụ truy cập internet, dịch vụ tra cứu thông tin, dịch vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu, dịch vụ phát hành (mua giúp và giao tài liệu theo yêu cầu),... Kết quả của chiến lược chuyển đổi số là số lượt sử dụng tài liệu của người dùng tại trung tâm học liệu trong giai đoạn 2017 - 2022 đã tăng từ 33,4% lên 99,1%.
Bên cạnh chiến lược chuyển đổi số, Trung tâm Học liệu cũng đã triển khai chiến lược liên thông thư viện để kết nối và tích hợp dữ liệu thư mục của nhiều thư viện số độc lập thành một hệ thống thống nhất, liên thông dữ liệu thông qua hệ thống tìm kiếm tập trung. Hiện nay, Trung tâm Học liệu trường ĐH Thủ Dầu Một là thành viên của Trung tâm Thư viện - Tri thức số (VNU-LIC). Ngoài ra, Trung tâm còn liên thông với nhiều với thư viện của các trường như Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Trâm phát biểu khai mạc tọa đàm
Báo cáo viên Nguyễn Thị Hương có nhiều năm gắn bó với Trung tâm Học liệu trường ĐH Thủ Dầu Một, đang nỗ lực cùng các thành viên Trung tâm đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số để đưa thư viện tiếp cận nhiều chiều dễ dàng đến bạn đọc
Tọa đàm thu hút các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên quan tâm đến sự phát triển của văn hóa đọc và nâng cao chất lượng dạy học của trường
Tin, ảnh: Quang Huy