Chương trình tọa đàm nhằm đã giúp sinh viên kết nối và tiếp cận với mô hình hoạt động của Câu lạc bộ Mentorning. Qua đó, sinh viên khi có ý tưởng khởi nghiệp phù hợp sẽ được các mentor là các thành viên của Câu lạc bộ Mentorning đồng hành, hỗ trợ chuyên môn để phát triển thành các dự án khởi nghiệp.
Ngày 28/11/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức chương trình tọa đàm “Mô hình Câu lạc bộ Mentorning”. Tham dự chương trình, về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc, cùng hơn 300 sinh viên tham dự. Tọa đàm còn có sự tham dự của diễn giả Lê Thị Thanh Lâm - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn - Hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam.
Giới thiệu về mô hình hoạt động của Câu lạc bộ Mentoring, diễn giả Lê Thị Thanh Lâm cho biết, CLB là một sáng kiến nổi bật trực thuộc Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, được thành lập từ năm 2019, nhằm hỗ trợ thế hệ trẻ, đặc biệt là những người mới bắt đầu sự nghiệp hoặc hành trình khởi nghiệp. Trong suốt 5 năm qua, CLB đã trở thành điểm sáng trong cộng đồng khởi nghiệp, hỗ trợ mentee (người được cố vấn) vượt qua những thử thách, phát triển sự nghiệp và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho thế hệ trẻ. Diễn giả Thanh Tâm cho biết, trong khởi nghiệp cũng như trong hoạt động đầu tư kinh doanh, vai trò của Mentoring là rất quan trọng trong việc định hướng đi đúng đắn cho sự phát triển của bản thân và doanh nghiệp. Theo đó, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp của sinh viên, cơ sở giáo dục đại học cần thiết phải thành lập CLB Mentoring. CLB đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa các mentor (người hướng dẫn) có kinh nghiệm và các mentee (người được hướng dẫn). Mô hình CLB Mentoring không chỉ giúp các mentee phát triển các kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp mà còn tạo ra một cộng đồng hỗ trợ, nơi các thành viên có thể học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Khẳng định những lợi ích to lớn của mô hình CLB Mentoring, diễn giả Lê Thị Thanh Lâm cho biết, Mentorning không chỉ là một chương trình hỗ trợ, CLB còn là hệ sinh thái phát triển toàn diện, nơi các mentee không chỉ tiếp cận kiến thức mà còn xây dựng kỹ năng, tư duy, và các mối quan hệ giá trị. Theo đó, đối với mentee, CLB sẽ giúp mentee định hướng nghề nghiệp, phát triển các kỹ năng mềm, xây dựng mạng lưới quan hệ và tăng cường sự tự tin. Đồng thời, hoạt động của CLB sẽ góp phần giúp mentor chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đóng góp cho cộng đồng. Đặc biệt, đối với tổ chức (cơ sở giáo dục), CLB sẽ tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên, nâng cao hiệu quả làm việc và thúc đẩy sự phát triển của tổ chức. “Thông qua các mùa Mentoring, các buổi hội thảo và chương trình kết nối, CLB giúp các mentee không chỉ trau dồi kỹ năng thực tiễn mà còn xây dựng tư duy sáng tạo và mở rộng các mối quan hệ giá trị. Đây là nơi thế hệ trẻ được truyền cảm hứng, rèn luyện bản lĩnh, và tự tin bước ra thế giới để chinh phục những mục tiêu lớn lao.” – Bà Thanh Lâm khẳng định.
Diễn giả Lê Thị Thanh Lâm đã giới thiệu về mô hình hoạt động của Câu lạc bộ Mentoring
TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng tặng hoa cảm ơn sự tham gia của diễn giả Lê Thị Thanh Lâm
Lãnh đạo nhà trường cùng chụp ảnh lưu niệm với diễn giả khách mời, và sinh viên
Tin, ảnh: Chí Trọng