Ngày 14/1/2022, trường Đại học (ĐH) Thủ Đô Hà Nội và trường Đại học Thủ Dầu Một phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Tự chủ đại học và xây dựng mô hình đại học thông minh – Từ lý luận đến thực tiễn”.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, và trực tiếp tại hai điểm cầu điều hành là trường ĐH Thủ Đô Hà Nội (Hà Nội) và trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương). Hội thảo vinh dự đón tiếp GS.TS Lê Thị Thanh Nhàn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam. Đại điện đơn vị đồng tổ chức tham gia điều hành hội thảo, về phía trường ĐH Thủ đô TS Đỗ Hồng Cường – Chủ tịch Hội đồng Trường, PGS.TS Nguyễn Vũ Bích Hiền – Hiệu trưởng; về phía trường ĐH Thủ Dầu Một có PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường, TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng. Hội thảo đón tiếp hơn 500 đại biểu, nhà khoa học đến từ Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên các trường đại học, cao đẳng, trong cả nước.
Tự chủ đại học và xây dựng mô hình đại học thông minh – Đáp ứng nhu cầu thực tiễn của giáo dục đại học Việt Nam
Bám sát chủ đề từ nhiều khía cạnh nghiên cứu, 78 báo cáo khoa học đã đề cập hầu hết các vấn đề quan trọng về tự chủ đại học, từ cơ chế, chính sách, nhận thức pháp luật đến những thuận lợi, khó khăn của các trường đại học khi vận hành theo cơ chế tự chủ. Các tham luận đã trình bày cụ thể các lợi ích và nhân tố liên quan đến tự chủ đại học, kinh nghiệm tự chủ đại học của các nước trên thế giới, mối quan hệ trên giữa nhà trường, nhà nước và cộng đồng xã hội trong tự chủ đại học, mối quan hệ giữa tự chủ đại học và xây dựng đại học thông minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Đỗ Hồng Cường – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Đô Hà Nội cho biết, vấn đề tự chủ đại học, đặc biệt là tự chủ đối với các trường đại học địa phương hiện nay rất cấp thiết. Cùng với đó là xu hướng xây dựng mô hình giáo dục thông minh, mô hình đại học thông minh trong thời đại 4.0. Chính vì vậy, chủ đề hội thảo được kỳ vọng là diễn đàn khoa học nhằm ghi nhận những bài học kinh nghiệm thực tiễn, các định hướng, giải pháp cho việc tự chủ đại học, xây dựng mô hình đại học thông minh, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục đại học nước nhà.
Đồng quan điểm, trong báo cáo đề dẫn, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một cho biết chủ đề hội thảo đã phản ánh mong muốn thực tiễn giáo dục đại học hiện nay, được nhiều chuyên gia giáo dục bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn học thuật. PGS khẳng định, các tham luận được gửi tới hội thảo rất sát hợp với chủ đề yêu cầu, phong phú về nội dung, không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, công phu của các tác giả mà còn thể hiện tình cảm của các tác giả dành các đơn vị tổ chức hội thảo. Các tác giả tham luận đã thực sự đặt niềm tin vào đơn vị tổ chức, vào diễn đàn học thuật này. Đây cũng là điều kiện cơ bản góp phần to lớn để hội thảo thành công và tạo tiếng vang.
Phát biểu chúc mừng hội thảo, GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo của hai đơn vị. Vụ trưởng khẳng định, chủ đề hội thảo đã thực sự nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học trong nước. Hội thảo đã nêu lên được những vấn đề cơ bản trong thực hiện tự chủ đại học hiện nay và xu hướng phát triển mô hình đại học thông minh, phát triển giáo dục số đáp ứng yêu cầu thời đại. “Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của hội thảo, của trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH Thủ Đô Hà Nội đối với ngành giáo dục. Trong thời gian tới, mong rằng hai đơn vị sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh tổ chức các diễn đàn học thuật, góp phần đẩy mạnh tự chủ đại học theo hướng toàn diện, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục hướng tới đại học thông minh, và thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam” – GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn đặt kỳ vọng.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn về thực trạng tự chủ đại học, xây dựng mô hình đại học thông minh
Quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học công lập được đưa vào Luật giáo dục Đại học, chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2019. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học được phép tự chủ về hoạt động học thuật, về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản. Đối với thế giới, “tự chủ đại học” đã trở nên quen thuộc nhưng tại Việt Nam, đây là vấn đề mới về lý luận lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục để hội nhập quốc tế và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0). Vì vậy, giáo dục đại học Việt Nam đang từng bước chuyển đổi từ giáo dục truyền thống sang giáo dục thông minh. Theo đó, trường đại học thông minh được xem là mục tiêu mà các trường đại học tại Việt Nam nói chung và Trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng đang hướng đến. Đại học thông minh là gì? Các nguồn lực cần thiết để xây dựng đại học thông minh? Kinh nghiệm xây dựng và vận hành đại học thông minh ra sao?... Đó là những vấn đề cần bàn luận để tiến tới xây dựng một tài liệu tài liệu tổng hợp toàn diện về lý luận và thực tiễn để các trường đại học Việt Nam có thể tham khảo trong việc đưa chiến lược phát triển của nhà trường.
Ở phiên làm việc chuyên sâu với chủ đề “Tự chủ đại học”, hội thảo đã lắng nghe 3 tham luận của các tác giả đến từ điểm cầu Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, tham luận “Tự chủ tài chính cho giáo dục đại học, thực tiễn từ trường Đại học Ngân hàng TP.HCM” của PGS.TS. Trần Mai Ước, ĐH Ngân hàng TP.HCM; tham luận “Vấn đề tự chủ tổ chức và nhân sự trong chiến lược phát triển bền vững của các trường đại học công lập địa phương của Việt Nam hiện nay” của TS. Nguyễn Mậu Hùng - Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; tham luận “Tự chủ đại học và một số khuyến nghị thực hiện tự chủ của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội hiện nay” của nhóm tác giả Nguyễn Xuân Hải, TS. Phạm Trung Kiên - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Qua các báo cáo tham luận được trình bày, các đại biểu tham dự đã cung cấp nhiều thông tin ở các mức độ khác nhau về cơ chế, chính sách liên quan đến tự chủ đại học, làm rõ những khái niệm cơ bản của tự chủ đại học và những quy định của pháp luật cho tự chủ giáo dục đại học trong bối cảnh hiện nay. Một số ý kiến bàn thảo về những thuận lợi, khó khăn của các trường đại học khi vận hành theo cơ chế tự chủ liên quan đến nhận thức và thực thi luật pháp của từng cơ sở giáo dục đại học, nhấn mạnh đến những khác biệt về nhận thức từ chính cơ sở giáo dục đại học đối với quyền hạn và trách nhiệm trong tự chủ. Không chỉ riêng phần trình bày tại hội thảo, mà qua các báo cáo tham luận gửi về cho thấy, vấn đề nhận thức về cơ chế, chính sách tự chủ đại học ở nước ta hiện nay vẫn còn thiếu nhất quán và khá lúng túng.. Đây cũng là nội dung được các đại biểu tham dự hội thảo trao điểu nhiều ý kiến với mong muốn góp phần làm cho cơ chế luật pháp đi vào thực tiễn một cách thuận lợi, thuần thục hơn.
Ở chủ đề thứ 2, mô hình đại học thông minh, hội thảo lắng nghe 3 tham luận tiêu biểu trình bày những nội dung liên quan đến lý thuyết và thực tiễn phát triển đại học thông minh. Cụ thể, tham luận “Nghiên cứu thông minh trong trường đại học thông minh: Một góc nhìn từ trường Đại học Thủ Dầu Một” (PGS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, PGS.TS. Võ Văn Ớn - Trường ĐH Thủ Dầu Một); Tham luận “Nghiên cứu xây dựng mô hình hệ sinh thái giáo dục thông minh tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội” (TS. Đỗ Hồng Cường, TS. Đinh Thị Kim Thương- Trường ĐH Thủ Đô Hà Nội); Tham luận “Thực tiễn triển khai đại học thông minh tại các trường đại học trên thế giới: (TS. Trương Hoàng Trương, TS. Nguyễn Như Khánh - Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM). Thông qua phần trình bày và các báo cáo gửi về, mô hình đại học thông minh ở một số nước trên thế giới đã được phân tích trong tương quan với bối cảnh Việt Nam, mối liên hệ giữa giáo dục thông minh và chiến lược xây dựng mô hình dạy học thông minh, về học tập thông minh trong trường đại học thông minh, về không gian đổi mới sáng tạo trong trường đại học thông minh… Về thực tiễn, các báo cáo khoa học đã dành sự quan tâm, nghiên cứu đến từng trường hợp cụ thể trong quá trình phát triển đại học thông minh ở Việt Nam, trong đó đề xuất hệ sinh thái giáo dục thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý thông tin hướng tới mô hình đại học thông minh, mô hình thư viện thông minh ở một số trường hiện nay.
Qua 2 phiên làm việc chuyên sâu, các đại biểu đồng nhất khẳng định, cũng như ở các nước khác, giáo dục đại học Việt Nam đang trải qua nhiều thách thức và áp lực, một bên là kỳ vọng ngày càng cao của tất cả các bên liên quan và một bên là nguồn lực có hạn của nhà trường. Cơ chế tự chủ đại học và xây dựng đại học thông minh là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích chính đáng của người học. Với cơ chế tự chủ đại học và xây dựng đại học thông minh, lợi ích của người học sẽ được đảm bảo tốt nhất, dài hạn thông qua việc hài hòa với lợi ích của các bên liên quan. Vấn đề tự chủ đại học cần được nhìn theo lăng kính này. Trong bối cảnh nguồn lực của các trường đại học còn hạn chế như hiện nay, tự chủ đại học cũng là những nỗ lực thể nghiệm đổi mới nhằm thích ứng với thực tiễn, tận dụng được tất cả điều kiện và nguồn lực để xây dựng và phát triển nhà trường một cách hiệu quả nhất.
Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom, và trực tiếp tại hai điểm cầu điều hành là trường ĐH Thủ Đô Hà Nội (Hà Nội) và trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương)
Từ điểm cầu ĐH Thủ Dầu Một, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp phát biểu báo cáo đề dẫn hội thảo
TS. Đỗ Hồng Cường – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Đô Hà Nội phát biểu nêu bật sáng kiến tổ chức hội thảo của hai đơn vị
Từ điểm cầu Hà Nội, GS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chúc mừng thành công của hội thảo
Các đại biểu, tác giả tham luận trình bày các ý kiến, giải pháp tháo gỡ khó khăn về thực trạng tự chủ đại học, vấn đề xây dựng mô hình đại học thông minh
Trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH Thủ Đô Hà Nội trân trọng cảm ơn các cơ quan báo đài đã quan tâm và viết bài, đăng tin về hội thảo:
- https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/ban-thao-ve-tu-chu-va-xay-dung-mo-hinh-dai-hoc-thong-minh-rf3Gh2J7g.html
- https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-chu-la-tang-quyen-tu-quyet-tai-chinh-cho-cac-truong-dai-hoc-post223751.gd
- https://www.binhduong.gov.vn/tin-tuc/2022/01/222-dai-hoc-thu-dau-mot-huong-den-mo-hinh-truong-dai-hoc-thong-min
- https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/1022456/ban-giai-phap-thuc-hien-tu-chu-xay-dung-mo-hinh-dai-hoc-thong-minh
- https://kinhtedothi.vn/tu-chu-va-xay-dung-mo-hinh-dai-hoc-thong-minh.html
BBT