Sáng 23/3/2016, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Hiệu trưởng cùng tập thể giảng viên khoa Công nghệ thông tin đã tiếp và làm việc với GS. Hồ Tú Bảo - Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản về việc trao đổi hợp tác đào tạo ngành Công nghệ thông tin.
Mở đầu buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho biết, trong thời gian qua, Đại học Thủ Dầu Một chủ trương đẩy mạnh việc hợp tác với các đơn vị, tổ chức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, đồng thời tranh thủ kinh nghiệm của các chuyên gia đầu ngành nhằm nâng cao chất lượng đào tạo các ngành. Trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, xác định đây là ngành đào tạo mũi nhọn của Trường, trong thời gian tới, lãnh đạo Nhà trường mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của GS. Hồ Tú Bảo trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về lĩnh vực này.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Hồ Tú Bảo bày tỏ niềm vui được đến thăm và hợp tác với Đại học Thủ Dầu Một. Đáp lại lời đề nghị của Lãnh đạo Trường, Giáo sư sẽ tạo điều kiện và giúp đỡ giảng viên đi học nghiên cứu sinh theo Đề án 911 tại Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản; đồng thời nhận lời làm cố vấn chương trình đào tạo của khoa CNTT, hợp tác phát triển các hướng nghiên cứu khoa học về khoa học dữ liệu lớn, thành phố thông minh…
Trong khuôn khổ buổi làm việc, GS. Hồ Tú Bảo cũng dành thời gian trao đổi, chia sẻ thông tin với cán bộ, giảng viên và sinh viên khoa Công nghệ thông tin về các nội dung: khoa học tính toán, khoa học phân tích dữ liệu lớn. GS cho biết, cách tiếp cận truyền thống “Knowledge driven” sẽ kiểm nghiệm các giả thuyết khoa học hình thành từ tri thức. Tuy nhiên, khoa học với dữ liệu lớn sẽ dùng cách tiếp cận “data driven” nhằm tìm thông tin và tri thức từ dữ liệu, dùng máy toán học và tính toán để làm nghiên cứu trong các ngành khoa học khác, và giải quyết các bài toán phức tạp. Khoa học máy tính hòa trộn 3 thành phần: (1), các thuật toán và phần mềm về mô hình hóa và mô phỏng để giải quyết các bài toán về khoa học, công nghệ và xã hội; (2), khoa học máy tính và thông tin nhằm phát triển tối ưu các hệ thống tiên tiến về phần cứng, phần mềm, mạng máy tính và quản trị dữ liệu để giải quyết các vấn đề cần tính toán; (3), hạ tầng cơ sở tính toán cần cho việc giải quyết các tính toán khoa học và kỹ thuật cũng như để phát triển khoa học máy tính và thông tin. Đối với lĩnh vực khoa học phân tích dữ liệu lớn (Big-Data), GS chia sẻ các nội dung, bản chất khái niệm về Big-Data, các kỹ thuật chính trong Big-Data và các thách thức công nghệ cần nghiên cứu, giải quyết.
Kết thúc buổi trao đổi, GS. Hồ Tú Bảo nhấn mạnh, khoa học của thế kỷ 21 phát triển dựa rất nhiều vào khoa học tính toán và khoa học phân tích dữ liệu lớn. Không có phương pháp và công cụ vạn năng trong khoa học dữ liệu lớn, chỉ có việc lựa chọn mô hình (model selection) là cốt lõi. Bên cạnh đó, mỗi bài toán cần lời giải đáp riêng thích hợp, trong đó, thống kê, máy học và khai phá dữ liệu là chìa khóa của phân tích dữ liệu.
GS. Hồ Tú Bảo sinh năm 1952, tại Hà Nội. GS là cựu sinh viên Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Nhập ngũ 6-9-1971, chiến sĩ trinh sát Sư đoàn 325 (C20, F325) chiến đấu tại mặt trận Quảng Trị 1972 – 1974, và xuất ngũ tháng 9-1974. Năm 1978, ông tốt nghiệp ngành Toán, khoa Toán - Lý, Ðại học Bách khoa Hà Nội. Năm 1987, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Tin học Ðại học Paris 6 và Tiến sĩ khoa học về Tin học tại Ðại học Paris 9 vào năm 1998. Năm 1991, ông được phong Phó Giáo sư tại Viện Công nghệ Thông tin, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm 1998, Viện Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology) phong ông là Giáo sư và hiện tại ông đang công tác tại đây.
Toàn cảnh buổi làm việc

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp tặng quà lưu niệm cho GS Hồ Tú Bảo
GS Hồ Tú Bảo chụp hình lưu niệm cùng Lãnh đạo Nhà trường
Toàn cảnh buổi trao đổi của GS Hồ Tú Bảo với cán bộ giảng viên và sinh viên khoa CNTT
BBT