Chiều ngày 14/11/2013, Trường Đại học Thủ Dầu Một tiến hành thẩm định đề cương chi tiết học phần tiếng Anh chuyên ngành Điện – Điện tử và Công nghệ Thông tin do TS. Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Tại buổi làm việc, ThS. Thái Bửu Tuệ đại diện nhóm tác giả biên soạn thuyết minh bảng đề cương chi tiết học phần tiếng Anh chuyên ngành Điện – Điện tử. Mục tiêu của học phần nhằm cung cấp cho sinh viên các kiến thức thuộc lĩnh vực là điện – điện tử dưới dạng các bài đọc hiểu bằng tiếng Anh như: kỹ thuật máy lạnh, tia laser, robot, bán dẫn, máy phát điện, điện thoại… Thông qua chương trình giảng dạy, sinh viên nắm được các thuật ngữ chuyên ngành được sử dụng phổ biến trong ngành, có kỹ năng đọc hiểu tài liệu chuyên ngành, biết cách trình bày và ghi các báo cáo khoa học, đồng thời có khả năng phán đoán và hiểu rõ sơ đồ nguyên lý được trình bày bằng tiếng Anh.
Chương trình giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành Điện – Điện tử dành cho sinh viên năm thứ 2 gồm 6 tín chỉ và được chia thành 2 học phần.
Nội dung học phần thứ nhất được nhóm tác giả cấu trúc thành 7 chương: Chương 1: Engineering materials (Vật liệu trong lĩnh vực kỹ thuật), Chương 2: Forces in engineering (Lực tác động trong kỹ thuật), Chương 3: Mechanisms (Máy móc tự động), Chương 4: The electric motor (Mô tơ điện), Chương 5: Washing machine (Máy giặt), Chương 6: Refrigerator (Tủ lạnh), Chương 7: Portable generator (Máy phát điện di động).
Nội dung học phần thứ hai gồm 9 chương: Chương 1: Robotics (Tự động hóa), Chương 2: Lasers (Tia lade), Chương 3: Batteries (Pin), Chương 4: Remote control (Điều khiển từ xa), Chương 5: Alarm systems (Hệ thống cảnh báo), Chương 6: Radio (Vô tuyến), Chương 7: Transistor characteristics (Đặc tính của trazito), Chương 8: Computers (Máy tính), Chương 9: Digital watch (Đồng hồ kỹ thuật số).
Nối tiếp chương trình làm việc, Hội đồng thẩm định cũng thông qua bảng đề cương chi tiết học phần tiếng Anh chuyên ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) do ThS. Nguyễn Xuân Tiến biên soạn. Mục tiêu của học phần nhằm cung cấp kiến thức cơ bản chương trình đào tạo hiện nay của bậc cử nhân CNTT, thông qua những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành giúp sinh viên học tập và nghiên cứu sâu hơn những tài liệu và tạp chí khoa học, đồng thời giúp sinh viên phát triển các kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết và các kĩnh vực ngôn ngữ: từ ngữ, ngữ pháp và phát âm của chuyên ngành CNTT.
Cấu trúc môn học được chia thành 2 học phần: Nội dung học phần thứ nhất gồm 6 chương: Chương 1: An introduction to the computer system (Giới thiệu về hệ thống máy tính), Chương 2: Computer hardware (Phần cứng máy tính), Chương 3: Computer software (Phần mềm máy tính), Chương 4: Operating systems operating environments (Hệ điều hành và môi trường hệ điều hành), Chương 5: Networks and the internet (Mạng và internet), Chương 6: Computer applications (Ứng dụng máy tính).
Nội dung học phần thứ 2 gồm 6 chương: Chương 1: A database management system (Hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu), Chương 2: Database design (Thiết kế cơ sở dữ liệu), Chương 3: Systems analysis and design (Phân tích và thiết kế hệ thống), Chương 4: Algorithms and data structures (Thuật giải và cấu trúc dữ liệu), Chương 5: Programming languages (Ngôn ngữ lập trình), Chương 6: Software engineering (Công nghệ phần mềm).
Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, cấu trúc của hai học phần tiếng Anh chuyên ngành Điện – Điện tử và CNTT có tính tích hợp, nội dung chương trình giảng dạy có tính khoa học, tính logic và tính khái quát cao, đáp ứng được nhu cầu nâng cao trình độ chuyên ngành cho sinh viên. Đồng thời, các thành viên Hội đồng cũng đưa ra ý kiến, góp ý để nhóm các tác giả điều chỉnh, bổ sung, hoàn thành bảng đề cương như: vận dụng linh hoạt các thuật ngữ chuyên ngành Điện – Điện tử và ngành CNTT trong quá trình giảng dạy nhằm phát triển khả năng tư duy ngôn ngữ tiếng Anh cho sinh viên, giảng viên chủ động cung cấp các nguồn tài liệu từ Internet, tạp chí, sách, báo chuyên ngành, giúp sinh viên phát huy tính tự học, và khả năng nghiên cứu sâu hơn về các lĩnh vực có liên quan tới chuyên ngành đang học. Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua nội dung hai bảng đề cương sau khi các tác giả biên soạn điều chỉnh, bổ sung những ý kiến đóng góp của Hội đồng.