Từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2025, Viện Kỹ thuật Công nghệ – trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức chuyến học tập thực tế cho sinh viên năm thứ hai ngành Công nghệ thực phẩm tại các vùng nguyên liệu và cơ sở sản xuất thuộc khu vực Phan Thiết – Phan Rang – Đà Lạt – Bảo Lộc. Đây là một trong những hoạt động chuyên đề thuộc các học phần thực tập, thực tế góp phần tăng cường kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn đào tạo.
Chuyến đi là hành trình xuyên suốt từ duyên hải đến cao nguyên, qua nhiều vùng sản xuất đặc trưng. Tại Phan Thiết, sinh viên đã tham quan vùng chuyên canh thanh long tại Hàm Thuận Nam – địa phương nổi tiếng về xuất khẩu trái cây tươi, đồng thời khảo sát mô hình canh tác, thu hoạch và bảo quản nguyên liệu sau thu hoạch. Di chuyển đến Phan Rang-Ninh Thuận (tỉnh Khánh Hoà mới), đoàn tiếp tục tìm hiểu quy trình trồng, chuỗi quy trình sản xuất các sản phẩm giá trị từ nho tại vườn nho Ba Mọi. Ngoài ra, sinh viên còn tham quan dây chuyền sản xuất nước mắm tại Công ty Thực phẩm & Gia vị JiJi – đại diện ngành chế biến truyền thống địa phương. Đặc biệt, tại Phan Rang, sinh viên đã đến tham quan học tập tại Công ty Cánh Đồng Việt – một mô hình sản xuất các sản phẩm từ nha đam theo hướng hữu cơ và liên kết vùng nguyên liệu, nơi cung cấp sản phẩm sạch cho nhiều hệ thống siêu thị và chuỗi thực phẩm tiêu dùng lớn. Tại đây, sinh viên được hướng dẫn quy trình thu hoạch, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm đảm bảo vệ sinh và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
Trên hành trình đến Đà Lạt, đoàn sinh viên đã tiếp cận các mô hình sản xuất thực phẩm tại vùng cao nguyên: Nông trại bò sữa Dalatmilk (huyện Đơn Dương) và trang trại cà phê Moonshine Coffee Farm (canh tác – sơ chế, chế biến cà phê chất lượng cao). Các địa điểm này không chỉ cung cấp kiến thức về công nghệ sau thu hoạch mà còn giúp sinh viên hiểu thêm về thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và chuỗi giá trị đặc sản địa phương. Tại Bảo Lộc, đoàn tiếp tục tham quan và học tập quy trình sản xuất trà ô long, từ khâu thu hái, chế biến đến bảo quản, nhằm đảm bảo chất lượng và hương vị đặc trưng của sản phẩm. Ở mỗi điểm đến, sinh viên được phân công khảo sát thực địa, ghi chép dữ liệu, quan sát quy trình công nghệ và phân tích mối liên hệ giữa điều kiện tự nhiên, kỹ thuật sản xuất và chất lượng sản phẩm. Các nhóm sinh viên cũng tiến hành phản biện nhanh, đưa ra những nhận định bước đầu về tiềm năng phát triển sản phẩm thực phẩm mới dựa trên nguyên liệu địa phương.
Chia sẻ tại chuyến đi, ThS. Trương Nguyễn Phương Vi – Giảng viên phụ trách học phần cho biết, chuyến học tập thực tế tại các vùng nguyên liệu không chỉ mang lại kiến thức chuyên ngành, mà còn giúp sinh viên hình thành tư duy thiết kế sản phẩm gắn với địa phương, từ đó tiếp cận được những vấn đề thực tế của thị trường trong nước và xuất khẩu. Sau chuyến đi, các nhóm sinh viên sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo chuyên đề, đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm thực phẩm mới dựa trên nguyên liệu đã khảo sát, làm nền tảng cho các đồ án tốt nghiệp trong thời gian tới.
Sinh viên được hướng dẫn quy trình thu hoạch, chế biến, đóng gói và bảo quản sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh
.jpg)
Ở mỗi điểm đến, sinh viên được phân công khảo sát thực địa, ghi chép dữ liệu, quan sát quy trình công nghệ và phân tích mối liên hệ giữa điều kiện tự nhiên, kỹ thuật sản xuất và chất lượng sản phẩm

Sau chuyến đi, các nhóm sinh viên sẽ tiếp tục xây dựng báo cáo chuyên đề, đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm thực phẩm mới dựa trên nguyên liệu đã khảo sát, làm nền tảng cho các đồ án tốt nghiệp trong thời gian tới

Chuyến học tập thực tế tại các vùng nguyên liệu không chỉ mang lại kiến thức chuyên ngành, mà còn giúp sinh viên hình thành tư duy thiết kế sản phẩm gắn với địa phương, từ đó tiếp cận được những vấn đề thực tế của thị trường trong nước và xuất khẩu
Thu Hiền