Ngày 13/01/2025, trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo ngành Dinh Dưỡng, mã ngành 7720401.
Buổi họp thẩm định diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp do PGS.TS. Nguyễn Đỗ Huy - trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội làm chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phạm Văn Phú - trường Đại học Y Hà Nội - Phản biện 1; TS. Phạm Văn Doanh – trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – Phản biện 2; TS. Nguyễn Chí Tân - Phòng khám đa khoa Thuận Kiều - Ủy viên; TS. Nguyễn Thị Thu Hiền – trường Đại học Thủ Dầu Một - Ủy viên thư ký. Tham dự buổi họp thẩm định, về phía trường Đại học Thủ Dầu Một có TS. Đoàn Ngọc Xuân – Hiệu trưởng, TS. Trần Thị Cẩm Thi – Trưởng Ban Khảo thí, Kiểm định và Đảm bảo chất lượng, ThS. Nguyễn Thị Vinh – Phụ trách Ban Quản lý Đào tạo Đại học, cùng cán bộ, giảng viên khoa Y dược.
Thay mặt Tổ đề án ngành Dinh dưỡng thuộc khoa Y dược, TS.BS. Lê Thị Thùy Dung - Phụ trách khoa đã trình bày thuyết minh tóm tắt đề cương CTĐT ngành Dinh dưỡng. TS.BS. Lê Thị Thùy Dung cho biết, từ tháng 10 năm 2015, với việc Bộ Y tế - Bộ Nội vụ ban hành thông tư liên tịch số 28/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, Dinh dưỡng đã chính thức được công nhận là một nghề trong hệ thống ngành nghề y tế. Vai trò quan trọng của các dinh dưỡng viên làm công tác dinh dưỡng tiết chế tại các cơ sở y tế, phù hợp với xu hướng chung của thế giới hiện nay trong việc đáp ứng nhu cầu cấp thiết về đội ngũ cán bộ dinh dưỡng trình độ cao, được trang bị kiến thức bài bản cho các công tác dinh dưỡng, không chỉ trong các bệnh viện mà còn trong các cơ sở y tế, trường học, cộng đồng. Đặc biệt, theo Thông tư 18/2020/TT-BYT Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện; đối với bệnh viện có quy mô từ 100 giường bệnh trở lên phải thành lập khoa Dinh dưỡng. Mỗi 100 giường bệnh phải có tối thiểu 01 người làm chuyên môn về dinh dưỡng. Đối với bệnh viện có quy mô dưới 100 giường bệnh, nếu không thành lập được khoa Dinh dưỡng thì phải có bộ phận Dinh dưỡng hoặc có người phụ trách dinh dưỡng làm việc toàn thời gian. Do đó, nguồn nhân lực về dinh dưỡng hiện nay đang rất thiếu.
Thuyết minh về mục tiêu CTĐT, TS.BS Lê Thị Thùy Dung cho biết, mục tiêu CTĐT hướng đến đào tạo cử nhân Dinh dưỡng có kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức chuyên ngành và kỹ năng thực hành cơ bản để giải quyết các vấn đề dinh dưỡng cộng đồng, an toàn thực phẩm và dinh dưỡng lâm sàng - tiết chế; có khả năng độc lập thực hiện một số kỹ thuật cơ bản của chuyên ngành để phục vụ cho công tác dinh dưỡng dự phòng, chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh và cho cộng đồng. Bám sát mục tiêu CTĐT, Tổ đề án đã nêu bật các nội dung quan trọng về cấu trúc và nội dung CTĐT, chuẩn đầu ra, kế hoạch giảng dạy, quy trình đào tạo tốt nghiệp, các điều kiện về đội ngũ tham gia giảng dạy, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo,...
Phát biểu tại buổi làm việc, các thành viên hội đồng thẩm định đánh giá cao công tác chuẩn bị mở mã ngành đào tạo ngành Dinh dưỡng vì đã bắt kịp với nhu cầu xã hội, cung cấp nguồn nhân lực Dinh dưỡng đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại tỉnh Bình Dương, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Góp phần giúp trường Đại học Thủ Dầu Một hoàn thiện đề cương CTĐT ngành Dinh dưỡng, Hội đồng thẩm định cũng đã dành thời gian đóng góp ý kiến, chỉ ra những điểm thiếu sót cần điều chỉnh, bổ sung về cấu trúc CTĐT, thời lượng CTĐT, chuẩn đầu ra CTĐT, đề cương chi tiết của học phần môn học,... Qua đó, giúp Tổ đề án có thêm cứ liệu khoa học để hoàn thiện đề cương CTĐT trình Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội đồng thẩm định đã nhất trí 100% thông qua CTĐT ngành Dinh dưỡng, và đề nghị Tổ đề án hoàn thành chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng thẩm định.
Hội đồng họp thẩm định CTĐT ngành Dinh dưỡng được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp
Thay mặt Tổ đề án ngành Dinh dưỡng thuộc khoa Y dược, TS.BS. Lê Thị Thùy Dung - Phụ trách khoa đã trình bày thuyết minh tóm tắt đề cương CTĐT
PGS.TS Nguyễn Đỗ Huy - trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu ý kiến giúp tổ đề án hoàn thiện đề cương CTĐT Dinh dưỡng
Hội đồng thẩm định đã nhất trí 100% thông qua CTĐT ngành Dinh dưỡng, và đề nghị Tổ đề án hoàn thành chỉnh sửa theo góp ý của hội đồng thẩm định
BBT