Sáng ngày 09/01/2025, trường Luật và Quản lý phát triển đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Kỹ năng quản lý cảm xúc trong hoạt động dạy và học ở trường Đại học Thủ Dầu Một.
Buổi tọa đàm có sự tham dự của TS. Trần Thị Anh Thư – Phụ trách Trường Luật và Quản lý phát triển, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên và hơn 200 sinh viên đã quan tâm tham dự. Nội dung của buổi tọa đàm giúp sinh viên nhận diện các cảm xúc và quản lý cảm xúc của bản thân; áp dụng một số phương pháp, kỹ năng để có thể điều hòa những cảm xúc tiêu cực, nuôi dưỡng cảm xúc tích cực trong đời sống và học tập. Diễn giả của buổi tọa đàm là các thầy cô có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, nghiên cứu trong ngành Tâm lý học, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý cảm xúc, gồm: TS. Nguyễn Văn Thăng – Giảng viên ngành Tâm Lý học, TS. Lê Thị Phương Hải – Giảng viên ngành Công tác xã hội, ThS. Phạm Nguyễn Lan Phương – Giảng viên ngành Tâm lý học.
Chia sẻ tại tọa đàm, các diễn giả cho biết, các bạn sinh viên, nhất là các bạn sinh viên năm nhất thường đối diện với bốn khó khăn lớn đó là, không thích nghi với cách tự học ở môi trường đại học, thiếu động lực học tập và thiếu kỹ năng quản lý thời gian. Những khó khăn này là một trong những nguyên nhân khiến các bạn dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, mất thăng bằng trong cuộc sống và học tập. Đây chính là lúc mà bạn cần có kỹ năng quản lý cảm xúc, để cân bằng lại tâm trạng của mình một cách tốt nhất. Quản trị cảm xúc bản thân tốt là chìa khóa để các bạn sinh viên có thể học tập hiệu quả, xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và thành công trong cuộc sống. Đặc biệt, các bạn sinh viên cần xác định mục tiêu học tập, kế hoạch học tập trong mỗi học kỳ, năm học, khóa học. Mục tiêu học tập rõ ràng giúp các bạn nhận thức được trách nhiệm, và xác định ưu tiên lớn nhất trong quá trình học tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, sinh viên cần tích cực tham gia các buổi hướng dẫn về cách tự học, quản lý thời gian, và xây dựng động lực học tập.
Để giúp các bạn sinh viên hiểu rõ vai trò của kỹ năng quản lý cảm xúc, các diễn giả đã dành thời gian phân tích, làm rõ hơn các khía cạnh trong lý luận về kỹ năng quản lý cảm xúc như làm chủ trạng thái streess, kiểm soát nỗi sợ hãi, kỹ năng điều hướng suy nghĩ, nhận diện và điều tiết cảm xúc trong đời sống học tập để có thể phát triển toàn diện cả về học tập lẫn cuộc sống cá nhân.
Trong phần thảo luận, sinh viên và giảng viên tham dự đã đặt ra nhiều câu hỏi thú vị, như: cách nào để có thể kiểm soát cảm xúc khi người khác nhận xét không đúng về bản thân mình? Trong bối cảnh công nghệ, khi việc tương tác giữa người các công cụ AI ngày càng phổ biến, liệu rằng con người có trở nên dần mất cảm xúc? Những bất đồng và cách giải quyết mâu thuẫn trong làm việc nhóm. Những câu hỏi của sinh viên và giảng viên đã được các diễn giả trả lời một cách cởi mở và thấu đáo, giúp không khí trao đổi thật sự sôi nổi và hiệu quả.