KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Tổ chức thành công hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ 21

10/06/2019 17:02 — 1498
Ngày 7/6/2019, tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã diễn ra hội thảo Ngữ học toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển”.

Tham dự hội thảo có TS Nguyễn Hoàng Thao - Phó Bí thư trường trực Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - UV BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lí luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; cùng các giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ngôn ngữ học.

Hội thảo “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và phát triển” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức. Hội thảo quy tụ 235 báo cáo khoa học chất lượng của các chuyên gia, nhà ngôn ngữ học, văn học, văn hóa đến từ nhiều cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng trong nước và quốc tế, như: Đại học Thủ Dầu Một, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP.HCM), ĐH Khoa học Huế, Đh Sư phạm Hà Nội, ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Thái Nguyên, ĐH Quảng Bình, ĐH Sài Gòn, ĐH An Giang, ĐH Toulouse 2- Cộng hòa Pháp…

Theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch hội đồng trường Đại học Thủ Dầu Một, hội thảo Ngữ học toàn quốc lần này là một diễn đàn học thuật quan trọng, xứng tầm để quy tụ các nhà nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ trong cả nước, đánh giá một cách toàn diện những vấn đề cơ bản, thời sự của ngôn ngữ học Việt Nam trong những năn qua từ các vấn đề lý thuyết đến các vấn đề ứng dụng và hoạch định con đường phát triển của ngành Ngôn ngữ học nước nhà trong bối cảnh hội nhập và phát triển; đồng thời kết nối các thế hệ nghiên cứu ngôn ngữ và mở đường cho những hợp tác nghiên cứu khoa học trong tương lai. Trong không gian học thuật của hội thảo, GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm – Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng các đại biểu đã tạo ra một cuộc hội ngộ học thuật ấm áp và thân tình giữa những người yêu mến tiếng Việt để cùng nhau trao đổi các kết quả nghiên cứu, những quan điểm, phương pháp nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về chủ đề ngôn ngữ và giảng dạy ngôn ngữ. Qua đó, góp phần khẳng định, đề cao vai trò, vị thế của tiếng Việt – ngôn ngữ chính thức của nước Việt Nam thống nhất trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế.

PHIÊN CHUYÊN ĐỀ

Để triển khai các nội dung chính của hội thảo, trong chương trình làm việc buổi sáng, Ban tổ chức đã bố trí phiên làm việc chuyên sâu tại 3 tiểu ban: “Ngôn ngữ học và Việt ngữ học; bản ngữ và ngoại ngữ”; “Ngôn ngữ và văn hóa; ngôn ngữ với văn chương”; “Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; phương ngữ học và phương ngữ Đông Nam Bộ”, với 21 báo cáo khoa học tiêu biểu được trình bày. Cụ thể:

Tiểu ban 1 với chủ đề “Ngôn ngữ học và Việt ngữ học; bản ngữ và ngoại ngữ”. Các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận đã tập trung vào các nội dung nghiên cứu trọng tâm vào nguồn gốc và lịch sử tiếng Việt và chữ Việt, ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp tiếng Việt (ở mọi cấp độ), tiếng Việt theo dòng lịch sử, vị thế của tiếng Việt với tư cách là ngôn ngữ quốc gia và ảnh hưởng trên trường quốc tế…  Trong đó, nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu các ngôn ngữ khác (nhất là tiếng Anh) để có những giải pháp phù hợp cũng là chủ đề được các học giả quan tâm, đóng góp, chia sẻ ý kiến.

Tiểu ban 2 có chủ đề “Ngôn ngữ và văn hóa; ngôn ngữ với văn chương”. Phạm vi chủ để cũng như nội dung các báo cáo đạm chất ngôn ngữ vận dụng vào việc phân tích giá trị tác phẩm văn học, nét đặc trưng của thi pháp học, công tác đào tạo ngành ngữ văn trong khối các trường đại học khoa học xã hội – nhân văn trong cả nước. Đồng thời, những vấn đề nghiên cứu liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa trong bối cảnh hội nhập cũng được các học giả đề cập, luận giải như: quá trình hiện đại hóa trong tiếng Việt qua giao lưu và tiếp xúc với các nền văn hóa trên thế giới, giá trị ngôn ngữ - văn hóa ẩn chứa trong kho tàng cao dao – tục ngữ Việt Nam, phát huy lợi thế cạnh tranh của ngôn ngữ và văn hóa bản địa trong hội nhập kinh tế quốc tế…

Tiểu ban 3 với chủ đề “Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số; phương ngữ học và phương ngữ Đông Nam Bộ”. Các tác giả tham luận và đại biểu cùng thảo luận những nội dung, đặc điểm, đặc trưng về ngữ âm địa phương, đặc điểm định danh, dấu ấn văn hóa trong cách định danh, phương ngữ địa lý, phương ngữ xã hội – văn hóa, đặc điểm cảnh huống ngôn ngữ ở các dân tộc thiểu số khu vực Bắc Việt Nam…

PHIÊN ĐỐI THOẠI CHUNG

Áp dụng kết cấu mới trong tổ chức hội thảo tại Đại học Thủ Dầu Một, chiều cùng ngày, hội thảo đã tiến hành phiên đối thoại chung với sự tham gia của các nhà nghiên cứu nổi tiếng, uy tín xoay quanh 2 chủ đề: “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập” và “Giáo dục đại học với việc phát triển ngôn ngữ”.

Phiên đối thoại 1 với chủ đề “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập” có sự tham gia trao đổi trực tiếp của các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực ngôn ngữ như: GS.TS.NGND Lê Quang Thiêm – Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, PGS.TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng, trường Đại học Thủ Dầu Một, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm – Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước ngành Ngôn ngữ học, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, TS. Văn Phú Quang – ĐH Yale, Hoa Kỳ. Trong không khí học thuật sôi nổi, cởi mở, các diễn giả đã cùng thảo luận về, vai trò và vị thế mới của tiếng Việt trong đời sống văn hoá - xã hội quốc tế; các yếu tố ngôn ngữ và căn tính trong việc xây dựng giáo án ngôn ngữ giàu tính kết nối hơn cho sinh viên gốc Việt ở nước ngoài; điểm mới trong công tác xây dựng chương trình đào tạo tiếng Việt cho du học sinh nước ngoài tại Việt Nam. Trên cơ sở huống cảnh ngôn ngữ, các diễn giả cũng đã đề xuất một số chính sách trong việc xây dựng chương trình đào tạo nhằm bảo tồn, phát triển ngôn ngữ quốc gia phù hợp với dòng chảy hội nhập và hòa nhập quốc tế…

Phiên đối thoại 2 với chủ đề “Giáo dục đại học với việc phát triển ngôn ngữ” được tiếp nối với sự tham gia trao đổi của các chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ, văn hóa, văn học, cùng với kinh nghiệm quản lý, nghiên cứu về các xu hướng khác nhau của giảng dạy đại học và sau đại học như: GS.TS Nguyễn Văn Khang – Viện Ngôn ngữ, GS.TS Nguyễn Thị Hai – trường ĐH Thủ Dầu Một, PGS.TS Đoàn Lê Giang – trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), PGS.TS Dương Hữu Biên – trường ĐH Đà Lạt, PGS.TS Nguyễn Thiện Nam -  trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Các diễn giả đã bàn luận về thực trạng dùng sai tiếng Việt trong giới trẻ hiện nay, vai trò của ngôn ngữ trong bối cảnh giáo dục đại học hiện đại, phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài… Qua đó, các diễn giả cũng trao đổi, đề xuất các biện pháp nhằm thiết kế chương trình đào tạo gắn với tiếng Việt trong giáo dục đại học.

Khép lại bức tranh toàn cảnh của hội thảo, chính sự phong phú về nội dung và hình thức triển khai, các vấn đề về ngôn ngữ học đã được nêu lên và giải quyết thấu đáo trong 235 báo cáo tham luận, cùng các ý kiến trao đổi, bàn luận cởi mở tại phiên đối thoại chung.  Hội thảo Ngữ học lần thứ 21 còn có ý nghĩa đặc biệt hướng tới kỷ niệm 10 năm thành lập Trường Đại học Thủ Dầu Một (24/6/2009 – 24/6/2019) và 25 năm xuất bản tạp chí Ngôn ngữ và đời sống – Cơ quan ngôn luận của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam (1994 – 2019).

Phiên đối thoại 1 với chủ đề “Ngôn ngữ Việt Nam trong bối cảnh giao lưu, hội nhập” có sự tham gia trao đổi trực tiếp của các giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực ngôn ngữ 

Phiên đối thoại 2 với chủ đề “Giáo dục đại học với việc phát triển ngôn ngữ” 

Tiểu ban 1

Tiểu ban 2

Tiểu ban 3

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp hình lưu niệm
BBT
 
 


Bài đăng cùng chủ đề