Tọa đàm khoa học được tổ chức để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về phương pháp nghiên cứu nhanh và tính hiệu quả của phương pháp này khi được áp dụng trong thực tiễn nghiên cứu, nhất là đối với công tác nghiên cứu, dự báo, tư vấn nhanh về các vấn đề mới.
Sáng ngày 15/07/2024, Viện Nghiên cứu phát triển Vùng Đông Nam Bộ thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Nghiên cứu nhanh: Tiếp cận dưới góc độ phương pháp và hiệu quả”. Tọa đàm có sự tham gia của các nhà khoa học, cán bộ giảng viên thuộc trường Đại học Thủ Dầu Một, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương.
Tọa đàm đã lắng nghe PGS.TS Võ Văn Ớn trao đổi về một số thuận lợi, khó khăn trong công tác báo cáo, tư vấn nhanh các vấn đề kinh tế - xã hội cho lãnh đạo tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Theo PGS.TS Võ Văn Ớn, Bình Dương là một trong những tỉnh phát triển mạnh về kinh tế trong khu vực phía Nam, với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động. Đặc thù này cung cấp lượng dữ liệu phong phú về các chỉ số kinh tế và xã hội. Các cơ quan chức năng và tổ chức nghiên cứu thường xuyên thu thập và công bố các báo cáo thống kê, giúp cho việc thu thập thông tin trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, tình hình kinh tế và xã hội hiện nay có nhiều biến động khó lường, các vấn đề kinh tế - xã hội thường có tính chất phức tạp và liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, đòi hỏi phải có sự phân tích đa chiều và toàn diện. Bên cạnh đó là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và xu hướng tiêu dùng cũng đòi hỏi phải cập nhật liên tục thông tin và kiến thức mới. Qua việc phân tích thực trạng trên, PGS.TS Võ Văn Ớn đã gợi mở các biện pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo như: đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu liên ngành, đầu tư vào các hệ thống Bigdata/AI, sử dụng các mô hình dự báo tiên tiến giúp dự đoán các xu hướng kinh tế - xã hội trong tương lai, hỗ trợ việc lập kế hoạch và ra quyết định,…
Tiếp nối chuỗi hoạt động của tọa đàm, TS. Trần Văn Xuân đã trình bày khả năng ứng dụng AI trong nghiên cứu nhanh dành cho các công trình nghiên cứu khoa học. TS. Trần Văn Xuân cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần thay đổi cách thức giúp con người thực hiện nhiều công việc, đồng thời AI cũng là một công cụ hỗ trợ hiệu trong việc viết bài nghiên cứu. Trong nghiên cứu nhanh, công cụ AI giúp người nghiên cứu có thể tận dụng các tính năng tìm kiếm tài liệu, tóm tắt thông tin, gợi mở các ý tưởng mới và giúp nhà nghiên cứu nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ. Bên cạnh lợi ích của việc sử dụng AI, TS. Trần Văn Xuân cũng cho rằng, các công cụ AI có thể mắc lỗi, vì vậy các nhà nghiên cứu cần kiểm tra lại tính chính xác của thông tin/dữ liệu, việc sử dụng AI cũng có thể dẫn đến các vấn đề về đạo đức khoa học như đạo văn, gian lận, vi phạm bản quyền,… Khẳng định AI không thể thay thế hoàn toàn vai trò của con người trong viết bài nghiên cứu, TS. Trần Văn Xuân đưa ra lời khuyên để sử dụng AI hiệu quả trong viết bài nghiên cứu, như: chọn công cụ phù hợp với bài nghiên cứu, sử dụng AI như một công cụ hỗ trợ để nâng cao hiệu quả bài viết, kiểm tra tính chính xác của dữ liệu, tuân thủ các nguyên tắc đạo đức,…
Trong khuôn khổ tọa đàm, các nhà khoa học, đại biểu đã dành thời gian thảo luận về những khó khăn, thách thức trong công tác nghiên cứu dự báo, tư vấn nhanh về các vấn đề mới của phát triển kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Dương. Các đại biểu cho rằng, nhiệm vụ lập báo cáo tư vấn nhanh đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian ngắn, trong khi đó việc thu thập và phân tích dữ liệu cần nhiều thời gian và công sức; nguồn lực tham gia hạn chế, bao gồm nhân lực và tài chính, có thể ảnh hưởng đến chất lượng và độ chính xác của báo cáo. Mặt khác, một số dữ liệu có thể không đầy đủ hoặc không chính xác, gây khó khăn trong việc phân tích và đưa ra kết luận. Vì vậy, việc đảm bảo tính minh bạch và khách quan trong quá trình thu thập và xử lý dữ liệu cũng là một thách thức lớn. Để đẩy mạnh công tác nghiên cứu và dự báo, các nhà khoa học, đại biểu đề xuất một số giải pháp, như: thiết lập các nhóm công tác liên ngành nhằm kết nối các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, tạo điều kiện cho việc phân tích đa chiều và toàn diện; thành lập các nhóm công tác với sự tham gia của các chuyên gia từ các sở, ban, ngành, trường đại học và viện nghiên cứu; xây dựng cơ chế phối hợp, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên, và tổ chức các cuộc họp định kỳ để trao đổi thông tin và cập nhật tiến độ; thiết lập các kênh thông tin, hệ thống giám sát và cơ chế báo cáo định kỳ để cập nhật thông tin kịp thời,…
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trâm – Giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển Vùng Đông Nam Bộ, các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm về miền Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên. Đồng thời, tạo nguồn học liệu phục vụ công tác giảng dạy và học tập về Đông Nam Bộ học ở trường.
Tọa đàm là diễn đàn khoa học giúp các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận về phương pháp nghiên cứu nhanh và tính hiệu quả của phương pháp này khi được áp dụng trong thực tiễn nghiên cứu
PGS.TS Võ Văn Ớn trao đổi về một số thuận lợi, khó khăn trong công tác báo cáo, tư vấn nhanh các vấn đề kinh tế - xã hội tại tỉnh Bình Dương hiện nay
TS. Trần Văn Xuân chia sẻ về khả năng ứng dụng AI trong nghiên cứu nhanh dành cho các công trình nghiên cứu khoa học
Đại biểu tham dự phát biểu đóng góp ý kiến tại tọa đàm
Trong thời gian tới, các hoạt động nghiên cứu khoa học, hội thảo, tọa đàm về miền Đông Nam Bộ sẽ được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên
BBT