KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Khởi nghiệp từ in ấn trực tuyến

07/10/2020 08:45 — 1487
Khởi nguồn với ý tưởng là giúp đỡ sinh viên giảm bớt thời gian và công sức chờ đợi cho việc in tài liệu, luận văn, đồ án tốt nghiệp… nhóm sinh viên trẻ đến từ trường Đại học Thủ Dầu Một đã lên ý tưởng, triển khai kế hoạch và bắt tay vào việc thực hiện một ứng dụng hỗ trợ in ấn trực tuyến.
 Nhóm F-PRINT đang tập trung toàn lực cho dự án của mình

 Nhiệt huyết

Sau khi biết tin ý tưởng của mình được lọt vào vòng chung kết cuộc thi Binh Duong Innovation 2020, nhóm sinh viên Phạm Thị Xuân Trúc, Nguyễn Thế Dinh, Nguyễn Ngọc Minh Châu, Nguyễn Trí Tính tiếp tục chạy đua với thời gian với hy vọng sẽ kịp ra mắt bản beta cho ứng dụng in ấn trực tuyến F-PRINT trong vòng thi chung kết sắp tới. Trao đổi với chúng tôi, sinh viên Phạm Thị Xuân Trúc, đại diện cho nhóm ý tưởng F-PRINT cho biết: “Với sự hỗ trợ của thầy cô và các anh chị ở Phòng Công nghệ thông tin của trường, nhóm chúng em đang cố gắng hết sức để hoàn thiện ứng dụng của mình”.

Nói về ý tưởng ban đầu cho việc hình thành ứng dụng in ấn trực tuyến F-PRINT, sinh viên Nguyễn Thế Dinh cho biết, mỗi lần có nhu cầu in tài liệu, tiểu luận, báo cáo môn học… phải chờ đợi mất rất nhiều thời gian. Nhóm thực hiện dự án với mong muốn giảm thiểu những ùn tắc không cần thiết để giúp sinh viên có điều kiện học tập tốt nhất có thể.

Đánh giá cao về dự án F-PRINT trong cuộc thi ở vòng bán kết Binh Duong Innovation 2020, ông Nguyễn Tầm Dương, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, cho biết ý tưởng của nhóm F-PRINT mang nhiều tính sáng tạo, đột phá đối với một thị trường ngách đầy tiềm năng. Theo ông Dương, để F-PRINT có thể ra đời, tồn tại được trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt, nhóm cần tìm cho mình một người chỉ đường (mentor) và một nhà đầu tư thiên thần (Angel).

Sẵn sàng kinh doanh

Nhóm dự án chia sẻ, F-PRINT hướng đến mục tiêu trở thành một đơn vị cung ứng dịch vụ in ấn trực tuyến hàng đầu Bình Dương về giá thành, chất lượng và thời gian thực hiện. Theo đó, hiện tại nhóm đã nộp hồ sơ xin được mở văn phòng làm việc tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Bình Dương (BIIC), chờ ý kiến phản hồi của BIIC để triển khai kế hoạch kinh doanh.

Kế hoạch kinh doanh gồm 2 giai đoạn chính: 1 - tạo dựng thương hiệu, tự cung ứng dịch vụ in ấn trực tuyến; 2 - kết nối những người có nhu cầu in ấn với các đơn vị cung ứng dịch vụ bằng ứng dụng Fprint App và website. Nhóm dự án chia sẻ, nếu được phía BIIC đồng ý hỗ trợ đặt văn phòng và nơi làm việc trong 6 tháng, F-PRINT sẽ triển khai những đơn hàng đầu tiên của mình trong tháng 10-2020.

Trước mắt, phần kinh phí để mua thiết bị, máy móc và nguyên liệu hỗ trợ in ấn của nhóm ước tính khoảng 50 triệu đồng đã được thầy Trần Thụy Vũ, giảng viên Khoa Kinh tế trường Đại học Thủ Dầu Một tài trợ (đầu tư thiên thần, không ràng buộc và không yêu cầu hoàn trả). Nhóm F-PRINT cũng tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về in ấn, đóng cuốn… cũng như những kỹ năng để vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi nói về nhóm F-PRINT, thầy Trần Thụy Vũ không giấu sự tự hào: “Các em có sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, cầu tiến và luôn nỗ lực học hỏi. Đó cũng là lý do để tôi quyết định đồng hành giúp các em hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình”.
 ĐÌNH THẮNG
(Bài viết được đăng tải trên báo Bình Dương, cập nhật 6/10/2020: http://m.baobinhduong.vn/khoi-nghiep-tu-in-an-truc-tuyen-a232189.html?fbclid=IwAR3iRU7ZZVN_f4IgMBb_BlctSC3uza0saNHyXt82y8sbf21kGmAOREmM6N8)

Bài đăng cùng chủ đề