KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội địa phương - Thực tiễn các nước và gợi ý cho Việt Nam

21/06/2024 18:36 — 316
Là diễn đàn kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm về đào tạo bậc đại học; đồng thời tìm kiếm các giải pháp về chính sách phát triển giáo dục đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam và tỉnh Bình Dương.

Ngày 21/6/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á – AAEE (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế  với chủ đề  “Giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và phát triển kinh tế xã hội địa phương - Thực tiễn các nước và gợi ý cho Việt Nam”. Hội thảo đã quy tụ 60 bài tham luận chất lượng của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý, CB-GV, học viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam và Nhật Bản. Các tham luận đã đóng góp những góc nhìn đa chiều, đáng tin cậy về vấn đề lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện các chính sách giáo dục và công tác quản trị đối với sự phát triển giáo dục đại học Việt Nam nói chung và trường Đại học Thủ Dầu Một. Các tham luận được Ban tổ chức tập hợp thành kỷ yếu để xuất bản và có chỉ số ISBN.

Phát biểu chào mừng hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một cho biết, trong những năm gần đây, giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều cuộc thảo luận và những công bố khoa học liên quan đến đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, ứng dụng công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương, của đất nước. Góp phần cung cấp thông tin, chia sẻ kết quả nghiên cứu về trọng trách trường đại học trong đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực và phát triển kinh tế, xã hội địa phương, TS. Nguyễn Quốc Cường đề nghị, hội thảo tập trung thảo luận sâu các vấn đề: quản lý, quản trị giáo dục đại học, giáo dục đại học hướng đến phát triển năng lực người học, vị trí và vai trò của trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển kinh tế, xã hội địa phương từ thực tiễn trường Đại học Thủ Dầu Một. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị phương hướng phát triển để trường đại học bắt kịp làn sóng chuyển đổi kỹ năng làm việc, trải nghiệm sinh viên, nghiên cứu xã hội và những kinh nghiệm, giải pháp quan trọng mà trường đại học cần xem xét trong quá trình đổi mới.

Trong lời phát biểu đề dẫn hội thảo, GS.Akinori Seki - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á (AAEE) bày tỏ vui mừng khi được tham gia phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với trường Đại học Thủ Dầu Một – đơn vị giáo dục đại học uy tín của tỉnh Bình Dương và Việt Nam. GS.Akinori Seki cho biết thêm, AAEE mong muốn hướng đến xây dựng một diễn đàn học thuật giàu ý nghĩa để các nhà khoa học, học giả Việt Nam và Nhật trao đổi học thuật, công bố các kết quả nghiên cứu, cũng như tích cực đóng góp các giải pháp cho sự phát triển bền vững của nền giáo dục ở Việt Nam, Nhật Bản và thế giới. “Sự thành công tốt đẹp của hội thảo sẽ được tiếp nối bằng chuỗi sự kiện học thuật được tổ chức trong những năm tiếp theo giữa AAEE và trường Đại học Thủ Dầu Một” - GS.Akinori Seki đặt kỳ vọng.

Triển khai chủ đề hội thảo, tại phiên toàn thể, các đại biểu đã lắng nghe 03 bài báo cáo về vị trí, tầm quan trọng của trường đại học địa phương trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương –  Thành tựu và thách thức từ thực tiễn trường Đại học Thủ Dầu Một; Thực trạng và thách thức của sự hòa hợp đa văn hóa ở Nhật Bản – Hướng tới bồi dưỡng năng lực đa văn hóa trong giới trẻ; Sự khác nhau trong quan điểm của sinh viên về mức độ sẵn sàng làm việc giữa các trường đại học ở Việt Nam. Tiếp nối lịch trình làm việc sau phiên toàn thể, các đại biểu đã tiến hành phiên đối thoại với chủ đề “Định hướng phát triển kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên đáp ứng yêu cầu thị trường lao động”. Các chuyên gia, đại biểu khách mời đã thảo luận về những cơ hội việc làm trong nước và quốc tế của sinh viên sau khi ra trường; Sự thay đổi về yêu cầu việc làm của doanh nghiệp đối với sinh viên trong thời kỳ chuyển đổi số và các yếu tố ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của sinh viên; Yếu tố thuận lợi và khó khăn của sinh viên Việt Nam khi tham gia thị trường lao động; Các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với trường đại học và các tổ chức, Hiệp hội về giáo dục và giao lưu trong việc nâng cao kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên;…

Diễn ra vào buổi chiều cùng ngày, chương trình hội thảo được triển khai thành 03 tiểu ban chuyên sâu: (1) Công tác quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị giáo dục đại học; (2) Vai trò của trường Đại học Thủ Dầu Một trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương và vùng Đông Nam Bộ; (3) Giáo dục đại học hướng đến phát triển năng lực người học trong bối cảnh chuyển đổi số. Cùng với 12 báo cáo tham luận được được trình bày tại các tiểu ban, các nhà khoa học đã tập trung bàn thảo đa chiều về những thách thức của bối cảnh kinh tế-xã hội và yêu cầu cung ứng nguồn nhân lực hiện nay; Mô hình quản trị, thách thức đối với quản trị giáo dục đại học trong giai đoạn hiện nay, quản trị chất lượng giáo dục đại học; Quá trình toàn cầu hóa và quốc tế hóa đối với quản trị giáo dục; Hoạt động quản trị và marketing thương hiệu trong giáo dục; Lợi thế cạnh tranh của trường Đại học Thủ Dầu Một với các trường trong khu vực - Các kinh nghiệm quốc tế và trong nước giúp trường Đại học Thủ Dầu Một nâng cao vị thế và chất lượng giáo dục đại học; Công tác đổi mới chương trình đào tạo đại học theo hướng tiếp cận năng lực; giáo dục khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở bậc đại học,…

Có thể khẳng định, sự tham dự và đóng góp tích cực của các chuyên gia, nhà khoa học tại Việt Nam và các quốc gia, đặc biệt là sự phối hợp trách nhiệm, hiệu quả giữa trường Đại học Thủ Dầu Một và AAEE đã góp phần tạo nên thành công của hội thảo. “Các kết quả nghiên cứu và đề xuất tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển giáo dục đại học trong cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay” – TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một đúc kết.

Trường Đại học Thủ Dầu Một đã phối hợp với Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á – AAEE (Nhật Bản) tổ chức hội thảo khoa học quốc tế về chủ đề giáo dục đại học 

TS. Nguyễn Quốc Cường – Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một phát biểu chào mừng hội thảo

GS.Akinori Seki - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á (AAEE) bày tỏ vui mừng khi được tham gia phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với trường Đại học Thủ Dầu Một 

Hội thảo đã kết nối các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi kinh nghiệm về đào tạo bậc đại học 

BTC đã triển khai nhiều phiên làm việc nhằm tạo diễn đàn khoa học để 
các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước trao đổi về chủ đề hội thảo

Đại biểu trình bày tham luận tại các phiên chuyên sâu

Các kết quả nghiên cứu và đề xuất tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ trong việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển giáo dục đại học trong cuộc cách mạng công nghệ số hiện nay

BTC trao Giấy chứng nhận cho các đại biểu là báo cáo viên trình bày tham luận tại hội thảo

Lãnh đạo nhà trường trao hoa và thư cảm ơn 
GS.Akinori Seki và các cộng sự thuộc Hiệp hội Giáo dục và Giao lưu Châu Á (AAEE) đã tham gia đóng góp cho thành công của hội thảo

Sự thành công tốt đẹp của hội thảo sẽ được tiếp nối bằng chuỗi sự kiện học thuật được tổ chức trong những năm tiếp theo giữa AAEE và trường Đại học Thủ Dầu Một
BBT
 
 


Bài đăng cùng chủ đề