KHOA HỌC CÔNG NGHỆ


Công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học làm giấy bao gói thực phẩm từ nước quả dừa khô

01/02/2024 15:45 — 485
Sáng ngày 01/02/2024, trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức hội thảo khoa học “Công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học làm giấy bao gói thực phẩm từ nước quả dừa khô” với sự tham dự của hơn 50 đại biểu theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc đề tài cấp nhà nước về “Nghiên cứu công nghệ sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm” do PGS.TS Hoàng Xuân Niên – Viện Nghiên cứu Đông Nam Bộ làm chủ nhiệm. Hội thảo đã đóng góp các kết quả nghiên cứu về công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học (giấy bao gói thực phẩm) từ nước quả dừa khô. Qua đó, góp phần tận dụng và nâng cao giá trị sử dụng của nước quả dừa khô để tạo ra sản phẩm mới với số lượng lớn là vật liệu bao gói thực phẩm từ cellulose vi sinh.

Theo nhóm tác giả công trình, hiện nay, thực trạng chế biến quả dừa khô tại địa bàn tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận cho thấy nước dừa khô là dạng phế phụ phẩm chế biến cơm dừa, được tận dụng để sản xuất các sản phẩm thực phẩm, nước giải khát và mỹ phẩm, nhưng giá trị hàng hoá sản xuất từ nước quả dừa khô còn rất thấp, chiếm khoảng 1,56% trong tổng chuỗi giá trị hàng hoá từ cây dừa. Trung bình một cơ sở chế biến dừa mỗi ngày thải ra khoảng 30m3 nước dừa, khi không xử lý sẽ gây những hệ lụy môi trường. Bên cạnh đó, hầu hết các doanh nghiệp chế biến dừa đều có quy mô vừa và nhỏ nên không có đánh giá và thông số về nước dừa. Từ thực tế trên, đã có nhiều công trình nghiên cứu tiến hành tạo ra sản phẩm màng trên nền cellulose vi sinh để chế tạo làm bao gói thực phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên, việc ứng dụng màng bao gói sinh học từ cellulose vi sinh vẫn còn nhiều hạn chế do giá thành và khó triển khai ở quy mô sản xuất lớn vì độ thoát nước kém. Nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tính khả thi và triển vọng của công nghệ chế tạo màng cellulose sinh học từ cellulose vi sinh, khi phối trộn cellulose vi sinh với các loại bột giấy. Nghiên cứu này đã giải quyết được các khó khăn công nghệ gặp phải. Vấn đề còn lại là lựa chọn nguyên liệu, tối ưu hóa quá trình xử lý và xây dựng hệ thống thiết bị.

Từ những phân tích trên nghiên, nhóm tác giả công trình đã tập trung nghiên cứu, đóng góp các giải pháp xử lý nguyên liệu cellulose vi sinh và bột giấy để tạo nguyên liệu sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô. Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã trình bày và thảo luận về quá trình xử lý cellulose vi sinh sau lên men làm nguyên liệu tạo màng cellulose sinh học; sử dụng enzyme trợ nghiền trong quá trình xử lý cellulose sinh học; nghiên cứu xây dựng phương pháp và thiết bị nghiền cellulose vi sinh cho chế tạo màng cellulose sinh học; nghiên cứu tỉ lệ phối trộn bột giấy thương phẩm và tinh bột trong công nghệ sản xuất tạo màng cellulose sinh học; nghiên cứu xây dựng phương pháp hình thành, ép, sấy và hoàn thành màng cellulose sinh học; chế tạo thử nghiệm màng cellulose sinh học và xác định thông số đặc trưng sản phẩm.

Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc đề tài cấp nhà nước về “Nghiên cứu công nghệ sản xuất màng cellulose sinh học từ nước quả dừa khô ứng dụng làm bao gói thực phẩm” do PGS.TS Hoàng Xuân Niên làm chủ nhiệm

ThS. Tường Thị Thu Hằng trình bày kết quả nghiên cứu xử lý cellulose vi sinh lên men làm nguyên liệu tạo màng cellulose sinh học

ThS. Lê Công Huấn nêu kết quả nghiên cứu sử dụng enzyme trợ nghiền trong quá trình xử lý
 cellulose vi sinh làm nguyên liệu tạo màng cellulose sinh học
BBT
 


Bài đăng cùng chủ đề