Góp phần nâng cao kỹ năng nghiên cứu, viết bài và trình bày đề tài học thuật cho sinh viên, ngày 11/5/2025, Đoàn Thanh niên trường Đại học Thủ Dầu Một đã tổ chức chương trình tọa đàm nghiên cứu khoa học với chủ đề “Từ ý tưởng đến bài báo – Hành trình viết bài nghiên cứu khoa học”.
Chương trình có sự tham dự của các diễn giả là những giảng giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu học thuật và công bố quốc tế của trường Đại học Thủ Dầu Một, gồm: TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo – Giảng viên trường Luật và Quản lý phát triển; TS. Trần Thị Ân – Giảng viên trường Luật và Quản lý phát triển. Tham dự chương trình còn có đ/c Nguyễn Viết Xuân Sang – Bí thư Đoàn Thanh niên trường Đại học Thủ Dầu Một, TS. Huỳnh Thế An - Chủ nhiệm CLB sinh viên nghiên cứu khoa học và hơn 300 sinh viên toàn trường.
Tại buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo đã có những chia sẻ thiết thực, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học. Diễn giả hướng dẫn sinh viên tiếp cận nghiên cứu từ những bước cơ bản đầu tiên, bắt đầu bằng việc hình thành ý tưởng và xác định vấn đề nghiên cứu – yếu tố nền tảng định hướng toàn bộ nội dung và phương pháp thực hiện sau này. Liên quan đến việc xây dựng đề cương nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc trình bày rõ ràng các nội dung cốt lõi, bao gồm: xác định mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp (có thể là định tính, định lượng hoặc kết hợp cả hai), thiết kế bảng hỏi trong trường hợp nghiên cứu định lượng, đồng thời xây dựng giả thuyết nghiên cứu khi đề tài yêu cầu. Bên cạnh đó, sinh viên cần phải lưu ý về việc lựa chọn mẫu khảo sát phù hợp nhằm đảm bảo tính đại diện và độ tin cậy của dữ liệu thu thập.
Về cấu trúc báo cáo nghiên cứu khoa học, TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo đề xuất bố cục gồm các phần chính: Đặt vấn đề, Tổng quan tài liệu, Phương pháp nghiên cứu, Kết quả – Thảo luận và Kết luận. Để đảm bảo bài viết đáp ứng đúng quy cách học thuật, diễn giả đặc biệt nhấn mạnh việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn trích dẫn tài liệu tham khảo (như APA, MLA, IEEE...) và định dạng văn bản theo đúng quy chuẩn học thuật. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm tính khoa học, tính chuyên nghiệp cũng như khả năng tiếp cận và lan tỏa của công trình nghiên cứu đến cộng đồng học thuật và đối tượng độc giả quan tâm. "Mỗi tạp chí khoa học hoặc cơ sở nghiên cứu đều có những yêu cầu riêng về hình thức trình bày đề tài hoặc bài báo khoa học, do đó sinh viên cần chủ động tìm hiểu và tuân thủ đúng các quy định cụ thể khi gửi bài" - TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo lưu ý.
Tiếp nối phần trình bày của TS. Nguyễn Thị Thanh Thảo, TS. Trần Thị Ân đã chia sẻ với sinh viên về cách thức công bố khoa học, một bước quan trọng trong quá trình nghiên cứu. TS. Trần Thị Ân cho biết, công bố khoa học là một phần quan trọng trong việc đưa các công trình nghiên cứu vào ứng dụng thực tế và ghi nhận giá trị của chúng. Công bố khoa học có thể bao gồm các công trình nghiên cứu mới, có giá trị khoa học và thực tiễn. Cụ thể, bài báo có thể được công bố tại các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, hoặc trong các kỷ yếu hội thảo chuyên ngành. Ngoài ra, các công trình nghiên cứu chưa được công bố ở bất kỳ tạp chí nào cũng có thể là đối tượng để công bố khi hoàn thành. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu khoa học, báo cáo tổng kết nghiên cứu của sinh viên đã được thông qua Hội đồng Khoa học và Đào tạo của các đơn vị cũng có thể được công bố. Đặc biệt, những nghiên cứu thực nghiệm mà sinh viên và giảng viên đã triển khai và đạt được kết quả bước đầu cũng hoàn toàn có thể được công bố để chia sẻ với cộng đồng học thuật.
Chia sẻ về các giai đoạn thực hiện công bố khoa học, diễn giả Trần Thị Ân đã hướng dẫn sinh viên về các bước quan trọng trong quá trình này. Đầu tiên, các công trình nghiên cứu cần phải được hoàn thiện, với việc tổng hợp và phân tích kết quả một cách rõ ràng, có hệ thống. Sinh viên cần chọn lựa tạp chí khoa học phù hợp với đề tài nghiên cứu của mình, đảm bảo rằng tạp chí đó có uy tín và đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn của bài báo. Sau khi chọn được tạp chí, sinh viên sẽ tiến hành viết bài báo theo đúng định dạng của tạp chí đó, chú ý đến các quy định về số lượng từ, cấu trúc và hình thức trích dẫn. TS. Trần Thị Ân cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức trong nghiên cứu và công bố khoa học, bao gồm việc đảm bảo tính trung thực, tránh sao chép, và minh bạch trong quá trình thu thập và xử lý dữ liệu. Cuối cùng, sau khi bài báo được gửi đi, sinh viên cần chuẩn bị tinh thần tiếp nhận phản hồi từ hội đồng biên tập hoặc các chuyên gia đánh giá. Những phản hồi này có thể yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung, và việc thực hiện các chỉnh sửa này là bước quan trọng để nâng cao chất lượng bài báo trước khi được chấp nhận công bố chính thức.
Trong khuôn khổ chương trình, sinh viên đã dành nhiều câu hỏi để thảo luận và nhận được sự giải đáp từ các diễn giả. Các câu hỏi xoay quanh các vấn đề quan trọng như cách thức xác định vấn đề nghiên cứu phù hợp, phương pháp nghiên cứu hiệu quả cho các đề tài khác nhau, và cách thức xử lý các phản hồi từ các tạp chí khoa học. Các diễn giả đã chia sẻ thêm về những kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể vượt qua những khó khăn trong quá trình nghiên cứu và công bố khoa học. Song song đó, các diễn giả cũng nhấn mạnh, việc tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn phát triển kỹ năng tư duy phản biện, khả năng làm việc nhóm và trình bày kết quả nghiên cứu một cách thuyết phục. Những kỹ năng này không chỉ có giá trị trong học tập mà còn là hành trang quan trọng cho sự nghiệp sau này của sinh viên.
Chương trình tọa đàm “Từ ý tưởng đến bài báo – Hành trình viết bài nghiên cứu khoa học” đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích và thiết thực, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về quy trình nghiên cứu và công bố khoa học. Đây là cơ hội để sinh viên nâng cao kỹ năng nghiên cứu, viết bài và công bố nghiên cứu, góp phần phát triển cộng đồng học thuật của trường Đại học Thủ Dầu Một.