CDIO

Tổng quan về CDIO

25/07/2017 11:02 — 14083
Vào những năm 80 của thế kỷ 20, các trường đại học ở các nước phát triển bắt đầu nhận ra khoảng cách ngày càng lớn giữa năng lực của những kỹ sư mới tốt nghiệp với những đòi hỏi thực tế của các ngành kỹ thuật. Sự tiến bộ mạnh mẽ của kỹ thuật đòi hỏi người kỹ sư phải có những năng lực trí tuệ và kỹ năng đặc thù của nghề nghiệp cần thiết để làm chủ được sự tiến bộ đó. Để đạt được điều này, các chương trình đào tạo (CTĐT) cần phải được xây dựng lại theo hướng tiếp cận phù hợp hơn, nhấn mạnh nền tảng kỹ thuật trong bối cảnh Hình thành Ý tưởng - Thiết kế - Triển khai - Vận hành (Conceiving – Designing – Implementing – Operating => CDIO) các hệ thống và sản phẩm thực tế.

CDIO là một mô hình cải tiến chương trình đào tạo, giúp thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đào tạo và thị trường lao động, đề xướng các cải cách giáo dục để người học có được sự phát triển toàn diện các kiến thức, kỹ năng cá nhân, nghề nghiệp, và nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc chuyên nghiệp luôn luôn thay đối.  
Đề xướng CDIO là một dự án quốc tế lớn nhằm cải cách chương trình đào tạo kỹ thuật bậc đại học. Mục tiêu của dự án chủ yếu là nhằm vào sinh viên ngành kỹ thuật trên toàn thế giới, với mong muốn mang tới cho họ một nền giáo dục nhấn mạnh về nền tảng kỹ thuật qua 4 khâu quan trọng từ đầu vào cho tới đầu ra.

Đề xướng CDIO có 3 mục tiêu tổng quát nhằm đào tạo sinh viên có những khả năng:
1.   Nắm vững kiến thức chuyên sâu hơn về quy tắc cơ bản của kỹ thuật.
2.   Dẫn đầu trong kiến tạo và vận hành sản phầm, quy trình và hệ thống mới.
3.   Hiểu được tầm quan trọng và tác động chiến lược của nghiên cứu và phát triển kỹ thuật đối với xã hội.

Theo cách tiếp cận CDIO, khi xây dựng và nâng cấp các chương trình đào tạo phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ, từ khâu xây dựng chuẩn đầu ra (CĐR), thiết kế khung chương trình, chuyển tải khung chương trình vào thực tiễn và đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như toàn bộ Chương trình. Việc tiếp cận theo phương pháp CDIO sẽ đem lại các lợi ích sau:

- Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo của nhà trường và yêu cầu của nhà sử dụng nguồn nhân lực;
- Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp người học phát triển toàn diện với các “kỹ năng cứng” và “kỹ năng mềm” để nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc luôn thay đổi;
- Đào tạo theo cách tiếp cận CDIO sẽ giúp các chương trình đào tạo được xây dựng và thiết kế theo một quy trình chuẩn. Các công đoạn của quá trình đào tạo sẽ có tính liên thông và gắn kết chặt chẽ;
- Cách tiếp cận CDIO là cách tiếp cận phát triển, gắn phát triển chương trình với chuyển tải và đánh giá hiệu quả giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học lên một tầm cao mới.

Từ khi ra đời tới nay nó đã có sức sống trong hệ thống các trường Đại học trên thế giới. Tới Việt Nam, đề xướng CDIO đã được các trường Khoa học tự nhiên và kỹ thuật áp dụng, triển khai áp dụng trong việc đổi mới xây dựng chương trình và phương pháp giảng dạy. Khi đề án này được triển khai tập huấn tại trường Đại học Thủ Dầu Một thì không chỉ có các ngành kỹ thuật mà cả những ngành khoa học xã hội và nhân văn thấy cần thiết và khả năng ứng dụng tốt đối với việc xây dựng các chương trình đào tạo đáp ứng Learning Outcomes (Yêu cầu đầu ra) cũng như đổi mới phương pháp dạy và học của giảng viên và sinh viên.

Hiện nay, đề xướng CDIO đã được nhiều trường đại học trên thế giới và Việt Nam ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo đại học, đáp ứng yêu cầu xã hội đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp. 
 

Đang tải...