CDIO

Đại học Thủ Dầu Một tại diễn đàn TIF@10 CDIO, Singapore 2017

17/09/2017 17:06 — 4961
Tại diễn đàn TIF@10 CDIO, Singapore, Đoàn công tác trường Đại học Thủ Dầu Một đã có phần trình bày thành công về chủ đề Thiết kế chương trình tập huấn cho giảng viên đáp ứng học tập hòa hợp, tích cực; mang đến cho trường cơ hội tập huấn về phương pháp Design Thinking (Tư duy thiết kế)
 
Chuỗi các hoạt động hữu ích về CDIO và các sáng kiến mới trong giáo dục

Được tổ chức từ ngày 12-14/9/2017, tại trường Singapore Polytechnic dưới sự tài trợ của Quỹ Tamasek Foundation, diễn đàn CDIO Châu Á 2017 có sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ 12 quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Bhutan, Mông Cổ, Malaysia, Sri Lanka, Indonesia, Mianma, Philippines, Việt Nam,… Đoàn đại biểu trường Đại học Thủ Dầu Một gồm 5 thành viên do PGS.TS Lê Tuấn Anh làm trưởng đoàn đã có thời gian tham dự hiệu quả và mang về nhiều cơ hội mới cho Trường.

Diễn đàn là một hoạt động đặc biệt trong chuỗi chương trình kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ quốc tế Tamasek Foundation, trở thành nơi kết nối, trao đổi, học tập lẫn nhau của các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục toàn Châu Á. Bức tranh tổng thể từ diễn đàn lần này là sự chia sẻ cuộc hành trình CDIO của các quốc gia, đồng thời giới thiệu những sáng kiến ​​mới như Học tập chủ động (Active Learning) với lớp học chuyển hướng (Flipped) và phương pháp Tư duy Thiết kế (Design Thinking – một công cụ tư duy hiệu quả trong giải quyết vấn đề lấy con người làm trung tâm) nhằm nâng cao chất lượng học tập, đáp ứng nhu cầu thay đổi của ngành công nghiệp hiện đại và thế hệ sinh viên mới.

Các thành viên tham dự đã có dịp lắng nghe những kinh nghiệm áp dụng thành công CDIO, áp dụng Design Thinking hoặc sự kết hợp của cả hai công cụ này trong nhiều lĩnh vực như quản lý công (từ Bhutan), phát triển kỹ năng nghề nghiệp (từ Indonesia), nâng cao chất lượng nền giáo dục (từ Mông Cổ), tạo nên những kiến trúc kỳ diệu (từ Singapore)… Đặc biệt, hành trình trong 3 ngày đã đưa mọi người tham quan thực tế trường Singapore Polytechnic, Commonwealth Secondary School,… để thấy cách thức vận dụng CDIO và Design Thinking trong việc thay đổi cách thiết kế, điều hành nhằm đáp ứng đúng nhu cầu của người sử dụng.

Không chỉ vậy, trong hành trình của diễn đàn, những người tham dự còn được các chuyên gia hàng đầu về Design Thinking hướng dẫn thực hành cách áp dụng công cụ này trong việc giải quyết các vấn đề của tổ chức mình. Với nguyên tắc “Suy nghĩ lớn, Khởi đầu nhỏ, Hành động nhanh” (Think big, Start small, Act fast), thông qua các trải nghiệm sau 3 ngày tham dự, suy ngẫm về điều kiện thực tế và thách thức mà đơn vị của mình phải vượt qua, để từ đó tự đề xuất giải pháp phù hợp với nhu cầu.

Chia sẻ về tập huấn nâng cao năng lực giảng viên, mở ra những cơ hội mới cho Trường

Trong ngày làm việc thứ ba, Đại học Thủ Dầu Một đã có phần trình bày ấn tượng trong 15 phút về kinh nghiệm và những thách thức triển khai chương trình tập huấn nâng cao năng lực giảng viên đáp ứng học tập hòa hợp, chuyển hướng tại Trường. Theo đó, từ năm 2011, với mong muốn phát huy tối đa tính tích cực của người dạy lẫn người học, Trường đã đề xướng nguyên tắc dạy – học “lấy việc học làm trung tâm’’, nỗ lực tìm kiếm và áp dụng những phương pháp giảng dạy tiên tiến, dựa trên nền tảng kinh nghiệm và điều kiện thực tế của Trường. Từ năm 2015, với sáng kiến áp dụng CDIO không chỉ trong khối ngành kỹ thuật mà cả với các ngành xã hội, Trường đã vinh dự được kết nạp vào tổ chức CDIO thế giới, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với các mô hình, phương pháp giáo dục mới. Tại diễn đàn lần này, trong bài diễn thuyết của mình, Đại học Thủ Dầu Một đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy như ISW (Instructional Skill Workshop), onCDW (online Course Design Workshop), ASW (Assesment Skill Workshop),… Các khóa tập huấn này đều hướng đến mục tiêu chung là thay đổi lớp học truyền thống, chuyển từ thụ động sang chủ động; ứng dụng kỹ thuật công nghệ để khai thác tối đa thời gian học tập trong và ngoài lớp, đáp ứng triết lý giáo dục hòa hợp tích cực mà Trường đang theo đuổi.  

Phần trình bày nhận được sự quan tâm trao đổi, tìm hiểu của các đoàn, đề nghị Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ, truyền đạt trong các cơ hội hợp tác sắp tới. Bên cạnh đó, với tinh thần cầu thị và mong muốn được cập nhập các phương pháp giáo dục mới, đoàn đại biểu trường ĐH Thủ Dầu Một đã mạnh dạn đề xuất với đại diện Quỹ Temasek, với các chuyên gia về Design Thinking để được tập huấn một cách chuyên nghiệp về phương pháp này cho đội ngũ CB-GV của Trường.

Sau diễn đàn CDIO TIF@10 CDIO, diễn đàn CDIO vùng sẽ được tổ chức tại Đại học Duy Tân – Đà Nẵng vào tháng 5/2018, và diễn đàn CDIO thế giới sẽ được tổ chức tại Kanazawa, Nhật Bản vào tháng 6/2018.

Ngày thứ hai trong lịch trình là buổi tọa đàm mở về phương pháp Design Thinking áp dụng trong nhiều lĩnh vực, thu hút gần 1.000 người tham gia 

Tham quan Phòng Thực hành - Sáng tạo của trường Commonwealth Secondary

Các thành viên trường ĐH Thủ Dầu Một sử dụng công cụ Design Thinking để tìm ra các giải pháp cho đơn vị mình về phát triển chất lượng giáo dục

Thành quá sau quá trình "Think - Pair - Share" bằng công cụ Design Thinking của Đại học Thủ Dầu Một

Chuyên gia Andrew Marchand và ThS Võ Thị Hồng Thắm đại diện trường ĐH Thủ Dầu Một trình bày tại diễn dàn về kinh nghiệm tập huấn năng cao năng lực  GV tại Trường

Một đại biểu đến từ Philippines trao đổi để tìm hiểu sâu hơn về các chương  trình tập huấn của ĐH Thủ Dầu Một

Các thành viên trường Đại học Thủ Dầu Một nỗ lực chia sẻ, kết nối với mong muốn mang về những cơ hội mới về kỹ thuật và phương pháp giáo dục
BBT

Bài đăng cùng chủ đề

Đang tải...